Loay hoay đối phó với quấy rối di động

Đúng là có nhiều cách để chế khắc căn bệnh này: im lặng, đổi số, xài phần mềm, nhờ nhà mạng hỗ trợ... Nhưng cái đáng nói chính là vẫn chưa tìm ra giải pháp toàn vẹn.

Mặc kệ hay “dời nhà”?

Không ít nạn nhân của những trò đùa quái ác này chọn giải pháp im lặng. Nhưng sao mà im được khi hở một chút là máy lại rung rung. Và đa phần các cuộc gọi quấy rối lại diễn ra vào thời điểm... tế nhị. Không ít trường hợp dở khóc dở cười xảy ra mà phổ biến nhất là cảnh vợ chồng nệm không êm, chăn không ấm.

Gặp trường hợp bị “quậy”, nhiều bà vợ không dám nói ra vì sợ ông chồng chẳng chịu hiểu. Không nói lại sợ chồng nghi ngờ, nên giấu nhẹm điện thoại hoặc tắt máy mỗi khi đi làm về. Nhưng tắt máy hoài cũng chả an tâm, vì lỡ có bạn bè, người thân, đối tác nào liên lạc trong lúc đó thì sao? Nan giải.

Trước tình huống này, nhiều người nghĩ ngay đến chuyện “dời nhà”, tức đổi số điện thoại mới. Thực hiện cách này khá đơn giản, nhanh gọn, chưa đến một phút. Nhưng xem ra chỉ khả thi đối với những người ít lệ thuộc vào phương tiện giao tiếp công nghệ cao này. Còn với những nạn nhân mà số điện thoại trở thành một thứ không thể thiếu trong công việc thì... chào thua.

Khi “dời nhà”, dễ có trường hợp nhiều liên lạc quan trọng bị “mất sóng” khi nạn nhân quên thông báo số mới. Rồi các liên lạc phát sinh trong việc giao tiếp cũng vô tình bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. Chưa kể đến trường hợp “kẻ giấu mặt” có thể nhanh chóng biết đến số máy mới để tiếp trục quấy phá.

Phần mềm cũng... bó tay

Có nhu cầu chặn cuộc gọi, chặn tin nhắn, hẳn có các phầm mềm chuyên dụng cho nhu cầu này. Đúng là giải pháp này khá tiện lợi, lại khá “dễ bảo” bởi người dùng hoàn toàn kiểm soát hoạt động của nó, nhưng vẫn chưa mấy khả thi.

Đầu tiên là mức độ phổ dụng. Để sử dụng được, đầu tiên, điện thoại của họ phải được hỗ trợ, chí ít là cho phép cài thêm phần mềm. Mà để có được các đặc điểm này, đâu phải bất cứ nạn nhân nào cũng có khả năng. Mà cho dù có đi chăng nữa thì lẽ nào họ phải đổi chiếc điện thoại đang sử dụng sang một chiếc điện thoại khác chỉ vì một lý do... vớ vẩn!?

Cạnh đó, dù phần mềm có hiệu nghiệm, có chủ động đến thế nào thì cũng chỉ là phương pháp cầm cự. Hầu hết các phần mềm đều lưu lại thông tin về số máy, thời gian và cả nội dung tin nhắn từ các số bị chặn cho người dùng tiện quản lý. Nhưng một ngày vài lần hoặc vài chục lần thì phần mềm còn chịu nổi. Chứ cái kiểu “đùa dai, chai mặt”, nhá máy liên tục vài ba phút một lần thì liệu có phần mềm nào chịu nổi, dẫn đến treo máy, ảnh hưởng đến liên lạc của người dùng.

Hơn nữa, có trời mới biết số máy nào sẽ làm phiền mình. Khóa số này thì kẻ quấy rối chuyên nghiệp lại dùng số khác, bởi mua SIM mới hiện nay quá dễ dàng. Chẳng lẽ nạn nhân phải khóa tất cả các số ngoài danh bạ để rồi vô tình những thuê bao “trong sạch” khác cũng vạ lây.

Nhà mạng thờ ơ

Im lặng chẳng xong, tất yếu các nạn nhân sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của nhà mạng. Dẫu biết chuyện chăm sóc các khách hàng của mình là điều tối cần thiết, như là một phần của dịch vụ hậu mãi, nhưng hầu như rất ít khách hàng nhận được sự hỗ trợ kịp thời cũng như đúng mức từ phía cơ quan chủ quản mạng.

Gần đây, các nhà mạng đã có dịch vụ chặn cuộc gọi, được kích hoạt ngay từ tổng đài. Song đó chẳng phải là giải pháp hoàn hảo bởi đã gọi là quấy rối thì ít có “kẻ giấu mặt” nào lại chịu bó tay khi bị chặn từ phía nhà mạng. Họ sẽ chuyển đổi sang số điện thoại khác, chẳng hạn như mua một chiếc SIM rác chẳng hạn, để tiếp tục quấy rối.

Không nhiều trường hợp nạn nhân được giải thoát khi đã thông báo đầy đủ đến tổng đài về số điện thoại đã làm phiền họ, hoặc sẽ vướng thủ tục rườm rà. Điều này cũng dễ hiểu, vì bất cứ thuê bao nào cũng là thượng đế của nhà mạng. Ủng hộ thuê bao này, nghĩa là “hắt hủi” thuê bao khác. Chỉ cần thuê bao quấy rối cam kết sẽ không quấy rối nữa thì các biện pháp chặn sẽ được gỡ bỏ. Như vậy, đối với những kẻ cứng đầu, thì một số điện thoại cũng chỉ là phương tiện trong kế hoạch của họ. Mất phương tiện này, họ dễ dàng tìm và thay thế bằng một phương tiện khác.

Có thể từ cái tâm lý quan ngại đó, công với áp lực kinh doanh gọi là “có lượng thuê bao đông nhất” khiến các nhà mạng cũng ì ạch trong việc đưa ra các biện pháp chế tài nhằm giải quyết triệt để khuất tất của nạn nhân.

Tự hành động

Chẳng biết tỏ cùng ai, thế là nhiều nạn nhân bày tỏ ở các diễn đàn trên mạng trường hợp khó xử của mình hòng tìm ra một giải pháp toàn vẹn. Người bảo này, người lại kêu nọ. Nhưng theo quan sát tại các diễn đàn thì rất nhiều người cho rằng chỉ có chiêu “gậy ông đập lưng ông” đối với những kẻ giấu mặt thích quấy phá người khác là thích hợp nhất.

Diễn đàn webtretho.com là một điển hình. Ngay khi một bà mẹ trẻ trần tình về trường hợp bi hài của mình, lập tức rất nhiều thành viên thảo luận và cùng đưa ra cái giải pháp “lấy độc trị độc” này.

Cụ thể, các thành viên bàn luận cũng khá sôi nổi. Họ cho rằng trước sự bất lực của nhà mạng, họ sẽ đoàn kết với nhau, cùng “đánh hội đồng” số máy quấy rối. Tức là, tất cả mọi người sẽ đồng tâm hiệp lực nhắn tin, nhá máy đến số quấy rối kia. Với số lượng khá đông người hưởng ứng, họ cho rằng rất có thể gã kia sẽ... tởn, sẽ hiểu được cái cảm giác khó chịu khi trở thành nạn nhân mà chẳng biết vì sao. Thậm chí ở mức cao trào, một số thành viên còn hứng chí gọi đó là chiến dịch, có tổ chức, có thời điểm, có mục tiêu và có cả các thức hành động.

Dẫu không phải là tất cả, nhưng một số thành viên tỏ ra không đồng tình với phương pháp đó dù rất thông cảm. Họ cho rằng không cần thiết phải “nhơ bùn” chỉ vì một kẻ thiếu ý thức nào đó. Và rằng nếu một người nào đó “chơi xấu” tung số điện thoại của một thuê bao chẳng liên quan lên thì sao? Vô hình chung cái gọi là “nạn nhân hành động” sẽ dễ trở thành phương tiện cho những người thích làm phiền người khác.

Thế mới thấy được tính “sáng tạo” của con người. Qua đó chúng ta còn thấy được tính hai mặt của cuộc sống. Được này mất nọ, chẳng có giải pháp nào là toàn vẹn. Song cái đáng nói nhất có lẽ từ chính cách quản lý thuê bao và các biện pháp chế tài từ nhà mạng. Là nạn nhân của một trường hợp quấy rối qua điện thoại, khó một cá nhân nào có thể sáng suốt để đưa ra quyết định đúng đắn. Họ trông chờ, để rồi thất vọng và phải “chế” nhiều các thức phòng vệ lẫn phản công khác nhau. Lỗi tại ai?

Theo Minh Tú/eCHIP M

Đọc thêm