Lên mạng chấm điểm giáo viên

Gần đây một số học sinh ở Đức có thể cho điểm những giáo viên dạy mình trên Internet mà không cần để lại tên, điều đã làm không ít thầy cô giáo phật lòng.

Ngày 23-6, tờ Spiegel cho biết một cô giáo không chấp nhận bị đánh giá bởi học trò đã thua trong cuộc chiến pháp lý với một trang web kiểu như thế. Tòa án liên bang tối cao ở Đức ủng hộ phán quyết của tòa cấp thấp hơn từ chối yêu cầu của cô giáo đòi đóng cửa trang web spickmich.de.

Trang web đó, với cái tên có nghĩa “hãy ghi tên tôi lại”, là chỗ để học trò có thể vào cho điểm thầy cô giáo của mình theo các phân loại kiểu như “ngầu và vui vẻ”, “nổi tiếng”, “có động lực”, “cho điểm công bằng” hay “dạy tốt”. Học trò sử dụng thang điểm đún`g như cách mà các em được cho điểm ở Đức, từ 1 (tuyệt vời) tới 6 (không hài lòng).

Cô giáo mà Spiegel không tiết lộ danh tính chỉ nhận được 4,3 điểm cho những giờ dạy tiếng Đức và cô đã đệ đơn kiện ra tòa với lý do quyền bí mật cá nhân của mình bị xâm phạm. Luật sư của cô nói trang web trên không công bằng và chính xác vì học trò cho điểm giáo viên mà không phải để lại tên tuổi. Tuy nhiên các thẩm phán lại nghĩ khác.

“Quyền của học sinh về trao đổi ý kiến và giao tiếp tự do có sức nặng hơn quyền của một cô giáo kiện để xác nhận thông tin về mình. Những ý kiến trao đổi ở đó không hề có ý lạm dụng hay xúc phạm”. Tòa cũng cho rằng bên nguyên đơn đã không chứng minh được cô bị tổn thất cụ thể gì.

Tino Keller, biên tập chính của trang spickmich, tất nhiên hài lòng với quyết định của tòa. “Các thẩm phán đã nói rõ rằng bản thân cô giáo không bị đánh giá mà chỉ là chất lượng công việc của cô” - Keller nói với các nhà báo. Nhiều tờ báo ở Đức cũng đã lên tiếng bày tỏ sự đồng tình với quyết định của tòa, và chỉ ra rằng các trang web kiểu như spickmich đáp ứng được một nhu cầu đương nhiên của học trò là muốn thể hiện quan điểm về giáo viên dạy mình.

Theo Tuổi Trẻ/Spiegel

Đọc thêm