Làng nghề thời @

Từ lâu, nhiều sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề đã xuất khẩu ra nước ngoài nhưng chủ yếu qua con đường giao dịch trực tiếp. Thế nhưng hiện nay, quảng bá và tiếp thị sản phẩm làng nghề trên môi trường online mới là một kênh bán hàng thế mạnh.

Hàng rau cũng… lên mạng

Quỳnh Lương là một xã miền biển thuộc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), cả xã có đến 99% số hộ trồng rau. Trước đây, đời sống bà con khổ cực lắm, vì dù trồng được sản phẩm nhưng quá ít người biết đến, thị trường nhỏ hẹp nên giá bán rất thấp.

Để hỗ trợ nông dân, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Nghệ An đã mở website giới thiệu và kinh doanh sản phẩm rau sạch quynhluong.gov.vn trên Internet. Chỉ sau 10 ngày hòa mạng, một doanh nhân từ Singapore gọi điện thoại về xã chào bán một dây chuyền công nghệ xử lý phế phẩm của rau. Sau đó, nhiều doanh nghiệp tiếp cận thông tin trên trang web bắt đầu tìm hiểu, đặt vấn đề kinh doanh, hợp tác. Thế là nhiều cơ hội làm ăn mới mở rộng thị trường cho làng rau này.    

Khoảng năm 2000, tỉnh An Giang “Xây dựng mô hình truy cập thông tin trên mạng Internet phục vụ phát triển nông thôn ở các CLB nông dân xã”, ngoài việc huấn luyện về Internet cho nông dân, chương trình xây dựng trang web bán hàng, giới thiệu sản phẩm là clbnongdan.angiang.gov.vn. Kể từ khi có thói quen với công nghệ mới, cuộc sống của nhiều nông dân chuyển biến tích cực, nông dân lên mạng liên hệ với các chuyên gia học hỏi kinh nghiệm sản xuất mới. Không ít người thành công việc giới thiệu và bán được các sản phẩm mới của mình, cũng nhờ vậy phát triển Internet nông thôn ở An Giang nhanh như vũ bão.

Làng nghề thời @ ảnh 1

Nông dân phấn khởi với các lợi ích từ công nghệ mang lại.

Nghề thủ công “hốt bạc” nhờ web

Nhiều làng nghề thủ công đang sống ngắc ngoải bỗng giàu lên nhờ Internet, đặc biệt như nhiều địa phương ở miền Bắc. Nhiều sản phẩm truyền thống có giá trị như tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, đồ gỗ Đồng Kỵ đã chắp cánh bay sang nước ngoài nhờ web. Trước đây, những sản phẩm này nằm lèo tèo ở những cửa hàng lưu niệm trong nước, bán trực tiếp cho khách du lịch về thăm làng nghề..., hay cao cấp hơn là tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm thì nay mỗi cơ sở sản xuất đều có website riêng. Mẫu mã mới, sản phẩm độc đáo được chụp ảnh và đăng tải trên website kèm theo những mô tả chi tiết, những trang web như hienluonghandicraft.com.vn, tranhdongho.com.vn, tha.com.vn,… đã giúp những cơ sở làng nghề này bán được hàng cho khách hàng ngoài nước thông qua website.

Sau nhiều năm dạy học, năm 1990, ông Nguyễn Đăng Chế nghỉ hưu về sống cùng con cháu tại làng Hồ (Bắc Ninh). Nhìn thấy tranh ngày càng mai một, dân làng phải bỏ nghề tranh, chuyển sang làm vàng mã, ông suy nghĩ nhiều và nuôi chí khôi phục cho làng một nghề truyền thống. Ông Chế đi nhiều vùng, nhiều làng, vào từng nhà tìm mua lại các bản khắc gỗ cổ rồi mày mò, nghiên cứu cách lưu giữ và sử dụng. Thế nhưng bán hàng không được thì không phát triển được thương hiệu làng nghề. Sau nhiều năm tìm tòi, cùng với sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp, ông Chế đưa lên mạng hơn 100 mẫu tranh để khách có thể được chiêm ngưỡng mà không cần đến tận Đông Hồ. Trang web tranhdongho.com.vn lên mạng được vài tháng thì những đơn hàng đầu tiên qua mạng bắt đầu xuất hiện đều đặn.    

Anh Lê Văn Ánh, chủ Doanh nghiệp Sản xuất đá mỹ nghệ Vietnammes House, cho hay: “Quê tôi phát triển mạnh với làng nghề làm đá mỹ nghệ Tấn Dị mà tôi là đại diện bán hàng. Thời gian đầu, lượng hàng bán ra khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nhiều năm nay nhờ phát triển thêm trang web giới thiệu qua mạng bằng tiếng Anh, sản phẩm bán tốt hơn cả mong đợi, đặc biệt là thị trường nước ngoài”.

Làng nghề thời @ ảnh 2

 Trang web của Câu lạc bộ Nông dân xã ở An Giang.

Giải quyết bài toán chi phí

Việc sử dụng email trong giao dịch thương mại, lướt web để tìm kiếm thông tin thị trường bắt đầu trở thành bình thường tại các doanh nghiệp làng nghề. Đa số bắt đầu biết nắm bắt cơ hội làm ăn, quảng bá sản phẩm thông qua nhiều thông tin.

Anh Đỗ Quý Hạo, một doanh nhân xuất khẩu được gần 3.000 tấn khoai/năm nhờ quảng bá bán sản phẩm khoai lang trên Internet, cho biết: “Trang trại tôi ở vùng sâu, vùng xa, không thể tiếp xúc với thương lái nên việc quảng bá khoai trên trang web vô cùng hiệu quả. Không ít người trồng khoai muốn xuất khẩu nhưng đa phần không biết quảng bá thương hiệu nên phải qua các thương lái, vì vậy bán hàng giá rất thấp”.

BÁ HUY

Cần có trang web bằng tiếng Anh

Thực tế nhiều làng nghề đưa sản phẩm lên eBay bán hàng và đạt được doanh thu cao, có doanh nghiệp lời 150%-300%. Có thể thấy đây là một xu hướng mới, mở rộng thị phần của doanh nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là có ít trang web làng nghề bằng tiếng Anh, vì bằng tiếng Việt thì họ chỉ quảng bá được trong nước, mà nhiều sản phẩm trong nước thì không thể bán tốt bằng thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp hoặc các làng nghề nên chọn các đơn vị trung gian liên kết, quảng bá các sản phẩm trên môi trường bán hàng quốc tế, đơn cử như eBay, khả năng bán hàng sẽ tốt hơn.

ÔngNGUYỄN HÒA BÌNH, Tổng Giám đốcPeaceSoft (eBay Việt Nam)

Đọc thêm