Kinh nghiệm triển khai CPĐT thành công tại địa phương

Tuy nhiên, một số địa phương đã khắc phục được ba “không” này để đạt được những thành công bước đầu trong việc triển khai chính phủ điện tử (CPĐT).

Bài học từ “đầu tàu” về ứng dụng CNTT

Xét trên quy mô cả nước, TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước. Thành phố cũng rất tích cực xây dựng cơ quan điện tử và đã được trao giải “Thành phố ứng dụng CNTT hiệu quả nhất”. TP.HCM đã cung cấp 337 dịch vụ công trên trang thông tin điện tử CityWeb, và 11 dịch vụ trong số này đã đạt cấp độ 3 (lớn nhất là cấp độ 4). Theo ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, sở dĩ thành phố đạt được thành công này là nhờ một nền tảng kinh tế vững chắc, vốn đầu tư cho CNTT dồi dào, và có nhiều cải cách trong thủ tục hành chính.

Không chỉ có vốn đầu tư lớn, TP.HCM còn có một cơ chế mạnh đó là Sở TT-TT được giao đủ quyền từ khâu quy định về quản lý đầu tư CNTT, lập kế hoạch đến thẩm định và phê duyệt dự án. Tuy nhiên, theo ông Hà, những yếu tố thuận lợi đó vẫn chưa thể đảm bảo được thành công nếu lãnh đạo và những người trực tiếp triển khai không có một niềm đam mê, nhiệt huyết với công việc đưa ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã chọn được hướng đi đúng khi ưu tiên cho những quận, huyện thực sự cần ứng dụng CNTT. Thành phố đã đề ra những trọng tâm, thí điểm trong phạm vi nhỏ rồi rút kinh nghiệm để nhân rộng nhằm tránh lãng phí tiền của, thời gian và công sức.

Kinh nghiệm từ các CPĐT địa phương

Tuy không gặt hái nhiều thành công và cũng không có nhiều điều kiện thuận lợi, ưu ái như TP.HCM nhưng một số tỉnh như Lào Cai, Long An, An Giang,… vẫn thu được một số kết quả nhất định trong ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính. Do đó, những bài học mà các tỉnh này mang đến Hội thảo Chính phủ Điện tử (diễn ra trong hai ngày 16/7 và 17/7 vừa qua) sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho các tỉnh, thành khác học hỏi và rút kinh nghiệm.

Long An: Cũng giống như các địa phương khác trong cả nước, việc triển khai ở Long An cũng rất khó khăn trong vấn đề vốn đầu tư cơ chế thực hiện. Hơn nữa, lúc đầu dự án còn không được lãnh đạo tỉnh quan tâm đến. Tuy nhiên, sở TT-TT đã quyết tâm thực hiện trong những điều kiện sẵn có, tận dụng những nền tảng còn sót lại sau đề án 112 và tập trung vào những huyện có điều kiện nhất (hạ tầng, thiết bị, nhân lực,...). Sau đó sơ kết rút kinh nghiệm và mở rộng thêm mô hình triển khai. Những kết quả bước đầu đã làm thay đổi nhận thức và kỹ năng ứng dụng CNTT của CBCC và nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo tỉnh.

Theo ông Lê Văn Bích, Giám đốc sở TT-TT tỉnh Long An, quyết tâm của lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất mang tính quyết định đến hiệu quả ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hành chính nhà nước. Hơn nữa, khi triển khai phải có cán bộ chuyên trách tham mưu theo dõi, phối hợp xuyên suốt với các đơn vị liên quan. Phải xây dựng hoàn chỉnh, chuẩn hóa các quy trình, thủ tục nghiệp vụ trước khi xây dựng và đưa ứng dụng CNTT vào hoạt động.

An Giang: Một tỉnh biên giới nông thôn với điểm xuất phát thấp, vốn hỗ trợ từ TW năm 2008 là 1,1 tỉ đồng nhưng đã tạo lập được môi trường làm việc điện tử và mô hình một cửa tại 4 huyện trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được thành công bước đầu đó, theo ông Trương Minh Thuần, Giám đốc sở TT-TT An Giang, cần có sự quan tâm, ủng hộ của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, và phải xác định đúng lộ trình và có sự đồng thuận từ trên xuống. Các tỉnh nên phát động phong trào thi đua ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính trong cơ quan nhà nước. Mỗi đơn vị cơ quan nhà nước sẽ là một chủ đầu tư thực hiện lập và triển khai dự án nhằm huy động nguồn lực sẵn có của đơn vị. Sở TT-TT sẽ là đầu mối chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư về trình tự ,hồ sơ thủ tục, kỹ thuật, đào tạo,…

Lâm Đồng: Một tỉnh miền núi, đất rộng người thưa nên khi triển khai dự án, Sở đã xác định rõ cổng TTĐT phục vụ chủ yếu cho cải cách hành chính. Từ đó, Lâm Đồng đã xây dựng một mô hình tập trung cho mọi người có thể tìm thấy mọi thông tin trên chính cổng TTĐT. Việc xây dựng cổng TTĐT được chia nhỏ làm từng giai đoạn để phù hợp với nguồn lực, vốn và tháo gỡ những khó khăn bước đầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong giai đoạn tiếp theo, cổng sẽ tích hợp nhiều ứng dụng hơn, xây dựng văn phòng điện tử (e-office) cho các cơ quan quản lý, sở, huyện thuộc tỉnh. Bước đầu, cổng TTĐT của Lâm Đồng đã cung cấp được 2 dịch vụ công ở mức 3 (cấp phép xuất bản và đăng ký kinh doanh- cấp mã số thuế) và cung cấp hơn 600 thủ tục hành chính, phần lớn đạt mức 2.

Lào Cai: Một tỉnh biên giới đa dân tộc và trình độ dân trí không đồng đều nhưng sau 4 năm triển khai đề án phát triển và ứng dụng CNTT, đã bước đầu thu được những kết quả khả quan, tự hào là tỉnh duy nhất trong cả nước cung cấp kênh đối thoại trực tuyến giữa người dân và chính quyền. Lào Cai đã xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử có 600 doanh nghiệp tham gia.

Trong quá trình triển khai, Lào Cai luôn chọn các lĩnh vực mà việc triển khai ứng dụng CNTT sẽ mang lại những lợi ích rõ ràng nhất. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực khi triển khai ứng dụng CNTT nên Lào Cai đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo các cấp độ và đã có những chính sách ưu đãi về hệ số lương cho những cán bộ làm việc trong lĩnh vực CNTT bằng ngân sách địa phương. Tỉnh đã chủ động hợp tác với các đối tác có tiềm lực, kinh nghiệm về CNTT để tranh thủ nguồn lực, công nghệ, giúp địa phương lựa chọn giải pháp phù hợp, mang lại hiệu quả.

Theo VnMedia

Đọc thêm