“Không thể ứng dụng CNTT theo phong trào”



“Không thể ứng dụng CNTT theo phong trào” ảnh 1
Ông Vũ Hoàng Liên - Giám đốc công ty VDC

Xin ông cho biết, lý do nào để VDC đưa ra dự án này?

Theo khảo sát của VDC, trong tổng số 10.500 trường THCS trên toàn quốc, có khoảng 60% trường chưa có máy tính, chưa được nối mạng Internet. Chính vì vậy, với tính chất đặc thù của ngành giáo dục trong điều kiện xã hội hiện nay, việc khuyến khích sử dụng Internet như một phương tiện hỗ trợ việc dạy và học của giáo viên, học sinh đang trở nên cấp thiết, đặc biệt là hỗ trợ những trường khó khăn ở vùng sâu, vùng xa có thêm điều kiện tiếp cận với CNTT, khai thác nguồn tri thức trên mạng Internet đáp ứng nhu cầu giáo dục phổ thông. Theo dự án, mỗi tỉnh, thành sẽ có 2 trường THCS (do Sở GD&ĐT các tỉnh, thành chọn) được hỗ trợ với mức mỗi trường được tặng 10 bộ máy tính kết nối MegaVNN tốc độ cao, tổng trị giá khoảng 40 triệu đồng.

Theo ông, sau khi được trang bị máy tính, các trường vùng sâu vùng xa thuộc đối tượng của dự án có thể sử dụng để tiếp cận với những nội dung gì?

Ngoài việc sử dụng máy tính làm phương tiện quản lý, học tập, thông qua mạng Internet các trường có thể tiếp cận với các nội dung liên quan đến văn hoá, giáo dục, giải trí (trong đó có game)… và đặc biệt là tiếp cận các hình thức đào tạo trực tuyến E-Learning.

Về nội dung game trong máy tính trường học, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này. Game ở đây là game lành mạnh, mang lại giá trị giải trí về tinh thần, để các em học sinh không bị căng thẳng vì việc học chứ không phải cứ nhắc đến game là nghĩ ngay tới chuyện gây hại.

“Không thể ứng dụng CNTT theo phong trào” ảnh 2 

Thông qua Internet, các trường có thể tiếp cận các hình thức đào tạo trực tuyến E-Learning

Triển khai một dự án với gần 1300 máy tính, cung cấp đường truyền Internet tốc độ cao đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn. Vậy biện pháp nào để chương trình đạt hiệu quả, hạn chế lãng phí?

Đúng vậy, câu hỏi này cũng là trăn trở lớn của chúng tôi. Việc đưa máy tính, đường truyền đến trường học chỉ là chuyện trang bị phương tiện ban đầu, điều quan trọng là làm sao để giáo viên, học sinh sử dụng có hiệu quả. Ngay khi bắt tay xây dựng chương trình này, chúng tôi đã xác định đây là những thách thức. Vì thế trong triển khai, chúng tôi đã lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan để định hướng, hỗ trợ đào tạo tại chỗ, quản lý phòng máy và cả đánh giá hiệu quả chương trình.

Cụ thể, VDC sẽ phối hợp với Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) để cùng xây dựng kế hoạch triển khai với nhiệm vụ sẽ phải làm, đánh giá từng bước đã làm được, các vấn đề cần điều chỉnh. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa VDC với VNPT tại các tỉnh thành trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) để triển khai đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chương trình. Và thứ ba, có thể xem đây là sự phối hợp mang tính chất quyết định, khó khăn nhất là giữa VNPT các tỉnh thành với các trường THCS. Nếu việc phối hợp thường xuyên không tốt, chắc chắn dự án sẽ không thể thành công.

Tuy nhiên, với mục tiêu cuối cùng là đem lại lợi ích cho giáo viên, học sinh - những người trực tiếp đón nhận chương trình, một vấn đề cũng rất quan trọng đó là các nhà trường cũng cần chủ động xây dựng biện pháp, kế hoạch khoa học để việc ứng dụng CNTT đạt hiệu quả, tránh lãng phí. Chúng tôi cũng coi dự án này như một sự khởi đầu thí điểm để rút ra những bài học cho việc thực hiện các dự án rộng hơn ở thời gian tiếp theo.

Ngoài dự án “Kết nối tri thức học đường”, trong năm 2010 VDC sẽ tiếp tục triển khai những chương trình nào cho ngành giáo dục?

Tôi chưa thể nói cụ thể vào thời điểm này, nhưng chắc chắn VDC sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hướng đến mục tiêu thiết thực đối với ngành giáo dục. Tuy nhiên, tôi cũng cần nói thêm rằng làm ứng dụng CNTT, đưa máy tính, đường truyền Internet cho ngành giáo dục, thực sự chúng ta không thể coi đây là chuyện làm theo phong trào. Mà trước hết, cần phải nghĩ đến lợi ích giáo viên, học sinh, phải trả lời được câu hỏi họ sẽ nhận được gì sau các chương trình, dự án.

“Kết nối tri thức học đường” là dự án chúng tôi bắt đầu từ năm 2009, nhưng có thể xem đây là chương trình kế thừa những chương trình hỗ trợ công nghệ cho ngành giáo dục được công ty VDC triển khai trong suốt 20 năm qua, đặc biệt là từ khi có mạng Internet.

Theo Đức Hiệp (ICTnews)

Đọc thêm