15 NĂM INTERNET VIỆT NAM:

Không gian công cộng của thời toàn cầu hóa

Có hai hiệp sĩ vừa trò chuyện vừa đấu kiếm và tỏ ra hiểu khá nhiều về nhau. Một chàng hỏi chàng kia: “Vì sao anh biết?”. Trả lời: “Tôi đọc trên mạng Internet”.

Vào thời điểm ấy có lẽ rất ít người hình dung được Internet rồi sẽ tạo ra những thay đổi chóng mặt, không bao lâu sau. Năm 2010, Đại hội thành lập Hiệp hội Internet đã chọn ngày 1-12 khi Việt Nam chính thức hòa mạng là “ngày Internet Việt Nam”.

“Độc dược” với người này, thuốc bổ với kẻ kia

15 năm phát triển ở Việt Nam, Internet đã làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội. Nó tạo ra quá nhiều “văn hóa”: văn hóa tranh luận, văn hóa diễn đàn, văn hóa game online, văn hóa đọc, văn hóa blog… Có những người như Hiệp sĩ công nghệ thông tin (CNTT) Nguyễn Công Hùng có một cuộc sống mới và tốt đẹp từ Internet nhưng cũng có những người chỉ đốt thời gian trên mạng vào việc chat chit, chơi game hoặc “đọc các thứ linh tinh, nhảm nhí” như nhiều ý kiến từng phản ánh.

Dịch giả Phạm Anh Tuấn - người chuyển ngữ cuốn Dân chủ và giáo dục của John Dewey - cho rằng cái lớn nhất mà Internet đem đến cho mọi người là thông tin (information), trên nền tảng đó, người ta sẽ tổng hợp thành kiến thức (knowledge). “Thông tin chưa phải là kiến thức. Từ thông tin đến kiến thức là một khoảng cách rất xa, mà từ kiến thức lên đến tầm nhận thức (awareness) thì đường còn xa hơn nữa”.

Không gian công cộng của thời toàn cầu hóa ảnh 1

Nói cách khác, không phải mọi người vào mạng Internet đều có thể biến thông tin thành kiến thức và nhận thức. Internet có thể là một kho tàng tri thức đối với một số người nhưng lại là thứ làm một số người khác chỉ mất thì giờ vô bổ.

Tuy nhiên, trong cái nhìn toàn cục, dịch giả Phạm Anh Tuấn cho rằng Internet vẫn là không gian công cộng quý giá, cần được duy trì và phát triển và chẳng nên hoang mang vì mặt trái của Internet. Ở một số nước phát triển, biện pháp gọi là “quản lý” duy nhất là các phần mềm cha mẹ được khuyến cáo cài vào máy để tránh cho con cái họ truy cập các trang web đen.

“Thực tế cho thấy là ở các quốc gia sản xuất game online, tạo ra diễn đàn, blog… các loại, người ta lại không thấy tình hình đáng lo ngại như mình. Không có nhiều cà phê Internet, trẻ con cũng không lang thang quán game nhiều như ở ta. Vì vậy đừng nên trách Internet” - dịch giả Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Từ “agora” thời Hy Lạp đến Internet thời nay

Ông Tuấn cho rằng Internet chính là hình thức tiếp nối của “không gian công cộng” hay là môi trường sinh hoạt dân chủ vốn có từ thời Hy Lạp cổ đại dưới hình thức các “agora” (“agora” là nơi người dân ở các thành bang Hy Lạp cổ gặp gỡ để họp chợ, trao đổi thông tin, thảo luận, nghe ban bố các quyết định của chính quyền… - PV).

“Không gian công cộng nằm giữa quyền lực của nhà nước và nhân dân. Khi không gian công cộng trùng vào nhà nước thì không còn tranh luận. Khi nó tách ra, nằm giữa hai bên thì mọi lựa chọn, mọi quyết định sẽ phải dựa vào tranh luận. Bất kỳ khi nào có một nhóm người tập hợp lại với nhau để thảo luận một vấn đề vì lợi ích chung (có khi chẳng liên quan gì đến chuyên môn của họ) thì lập tức hình thành không gian công cộng” - ông Tuấn giải thích.

Dịch giả cũng nhận định: “Nói chung các chính quyền thường e ngại không gian công cộng nhưng nó là cái bắt buộc phải có. Nếu không thì mọi sự sẽ bị quyết định bởi quyền lực của nhà nước, thay vì thông qua tranh biện, thảo luận. Và Internet là phương tiện để tạo ra những không gian công cộng như thế. Hay nói cách khác, không gian công cộng, cái agora của thời đại này chính là Internet. Nó tạo nên nền dân chủ điện tử. Chế độ nào không có không gian công cộng tức là quay trở lại thời phong kiến, khi mà mọi quyết định đều nằm ở nơi triều đình”.

Tỉ lệ tăng trưởng cao nhất ASEAN

Vào tháng 3-2012, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt 32,1 triệu với số thuê bao ước tính là 4,2 triệu thuê bao.

Một cuộc khảo sát của Net Index vào năm 2011 cho biết thư điện tử (60%) và tin nhắn (73%) là hai phương tiện kết nối trực tuyến thịnh hành của người dùng Internet Việt Nam. Xem tin tức trên mạng, truy cập trang chủ các cổng thông tin và sử dụng công cụ tìm kiếm là ba hoạt động trực tuyến phổ biến nhất lần lượt chiếm 97%, 96% và 96% số người tham gia. Số lượng người sử dụng mạng xã hội tăng từ 41% năm 2010 lên 55% năm 2011.

ĐOAN TRANG

Đọc thêm