Hướng đi nào cho dịch vụ 3G?

Hướng đi nào cho dịch vụ 3G? ảnh 1

Ảnh minh họa

Vậy những nhà khai thác mạng di động sẽ làm gì để có thể phổ biến công nghệ 3G cho hầu hết người dùng di động tại Việt Nam khi 2G vẫn chiếm ưu thế.

Thị trường dịch vụ (DV) 3G sau hơn 4 tháng vẫn chưa có nhiều sản phẩm hấp dẫn người tiêu dùng. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone thừa nhận việc triển khai cung cấp hoàn hảo song hành cả DV 3G và 2G rất khó đối với bất kỳ nhà cung cấp nào trong thời gian đầu. Điển hình như Singtel phải mất gần 3 năm để triển khai hoàn thiện việc cung cấp DV 3G. Mạng China Mobile phát triển 3G trước Việt Nam hơn nửa năm nhưng đến thời điểm hiện tại chất lượng DV vẫn chưa hoàn thiện.

Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, việc cung cấp DV 3G không phải là dễ ăn như nhiều người tưởng. Các thuê bao của VinaPhone, MobiFone khi chuyển sang 3G đã gặp phải sự cố đứt, gián đoạn thông tin. Các thuê bao trả trước của MobiFone khi đăng ký sử dụng 3G còn bị trừ tiền oan trên tài khoản.

Chi mạnh cho 3G, tập trung nguồn lực cho 3G, các nhà cung cấp thể hiện tham vọng gây ấn tượng với công nghệ mới này ngay từ giai đoạn đầu triển khai. Nhưng người dùng vẫn cảm thấy sự “bất ổn” trong DV 3G với những ý kiến trái chiều về DV của các nhà mạng. Vì vậy, theo dự báo, trong vài năm tới đây, công nghệ 2G hay 2,5G vẫn là mảnh đất vàng giúp các doanh nghiệp (DN) kiếm lời để tiếp tục theo đuổi tham vọng chinh phục công nghệ mới.

Lợi thế của 3G: DV hấp dẫn, hiệu quả cao

Thị trường viễn thông Việt Nam đang "nóng" với câu chuyện thiết bị đầu cuối hay hạ tầng cơ sở cho công nghệ 3G. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, nhiều chuyên gia cho rằng các DV nội dung mới là điều sống còn để 3G phát triển. "Điều quan trọng nhất của 3G là những DV nội dung cung cấp cho người dân và DN như thế nào. Với 3G, xây dựng nội dung là việc của cả xã hội chứ không chỉ là việc của riêng nhà khai thác. Trong đó, vai trò của các DN vừa và nhỏ rất quan trọng", TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TTTT) nhấn mạnh." Bài toán đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy được toàn xã hội tham gia phát triển ứng dụng, phát triển nội dung cho 3G?!".

Như nhìn thấy trước “mảnh đất vàng” nên nhiều nhà cung cấp DV nội dung (CP - content provider) cho biết đã lên kế hoạch chuẩn bị từ năm 2008, đón chờ và sẵn sàng cung cấp DV nội dung khi các nhà mạng triển khai 3G.

Ông Trần Phương Huy, Phó Giám đốc Công ty VTC Intecom cho rằng, các DN nội dung số sẽ đầu tư nhiều hơn cho việc cung cấp các nội dung đa phương tiện. Với VTC Intecom, ông Huy nói, họ đang đa dạng hóa nội dung theo hướng đa phương tiện, tăng tính tương tác và chia sẻ, ví dụ các DV chơi game trực tuyến trên di động hay truyền hình di động.

Ông John Shirley, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Truyền thông GAPIT phân tích, công ty GAPIT đã nghiên cứu và chuẩn bị các nội dung số cung cấp ra thị trường như video calling, xem truyền hình trực tiếp hoặc truyền hình theo yêu cầu trên di động, gửi tin nhắn đa phương tiện không cần kết nối GPRS, kết nối nghe nhạc và đàm thoại truyền hình qua Internet trên điện thoại di động…; sau đó mới tiến tới cung cấp tính năng thương mại điện tử trên di động.

Các công ty DV web cũng coi 3G là cơ hội mở rộng DV. Ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng giám đốc của Công ty Naiscorp, sở hữu phần mềm di động Socbay iMedia cho biết, Socbay iMedia định hướng sẽ tập trung vào các DV liên quan đến giải trí, thanh toán và phát triển các ứng dụng cho di động tạo cơ chế tương tác trực tuyến giữa người dùng với các mạng di động hoặc giữa người dùng với nhau.

Như vậy, công nghệ 3G ra đời đã tạo ra cho các nhà mạng viễn thông, các công ty DV web cũng như các nhà cung cấp nội dung số rất nhiều cơ hội mở rộng lĩnh vực và phạm vi kinh doanh của mình với những ứng dụng di động tiện ích, những nội dung số với tính tương tác cao hơn nhiều so với những thế hệ công nghệ trước đây.

Hướng đi nào cho dịch vụ 3G? ảnh 2

USB 3G

Có đáp ứng được kỳ vọng của người dùng?

Với sự đầu tư của các nhà mạng viễn thông và sự chuẩn bị của các nhà cung cấp nội dung số, dường như người dùng sẽ được hưởng một công nghệ toàn cầu với những tiện ích di dộng tốc độ và chất lượng rất cao. Nhưng với quãng thời gian hoạt động của DV 3G vừa qua, có lẽ kỳ vọng của người dùng vẫn còn quá cao so với khả năng đáp ứng.

Tại một số diễn đàn CNTT như Tinhte, Handheld, rất nhiều người dùng phản ánh về chất lượng mạng 3G. Hầu hết các ý kiến xoay quanh việc các nhà mạng có vẻ nóng vội khi đưa ra DV. Cụ thể tình trạng là người dùng không thể bắt sóng để vào mạng 3G mặc dù trong vùng phủ sóng, hoặc bắt được sóng 3G thì... mất liên lạc với 2G, chất lượng đường truyền quá tệ, tính cước không chuẩn và sự hỗ trợ của tổng đài chưa chính xác.

Theo thông tin từ các nhà mạng, trong những DV mà các nhà mạng đang triển khai, gói DV Internet mobile (dùng trên điện thoại di động và thiết bị kết nối với máy tính qua cổng USB) có nhiều khách hàng nhất. Ông Hà (quận 10, TP.HCM) hiện đang sử dụng DV này trên cả hai mạng Vinaphone và Mobifone cho biết: “Tôi sử dụng mạng 3G chỉ để truy cập Internet. Đây là DV ưng ý nhất vì tốc độ chấp nhận được. Những DV còn lại như thoại c ó hình, xem tivi hay phim theo yêu cầu… không thiết thực cũng như khó sử dụng trên màn hình hạn chế của chiếc điện thoại di động”. Ông Quốc (quận 1, TP.HCM) đánh giá cao DV Internet mobile trên mạng 3G. Trước đây, muốn vào mạng, phải vào quán có wifi, còn nay với thiết bị USB 3G, ông có thể trao đổi thông tin với khách hàng ngay tại công trường.

Như vậy hiện tại người dùng di động ở Việt Nam vẫn còn giữ thói quen sử dụng công nghệ 2G, việc sử dụng dịch vụ 3G nếu có chỉ tập trung ở mảng Internet mobile. Nhưng không ít người dùng đã cho biết, nếu nhà mạng cam kết đảm bảo chất lượng và tránh hiện tượng giá cước “sốc” thì họ sẵn sàng thay đổi thói quen sử dụng công nghệ. Rất nhiều người dùng Việt Nam tỏ ý phấn khích với kỳ tích 3G của Nhật Bản và hầu hết họ đều mong muốn có được những DV tương tác với người dùng như vậy, nhưng hoàn toàn không giấu sự “nghi ngờ” về công nghệ 3G tại Việt Nam.

Lắng nghe nhu cầu về DV

Qua thực tế ở Nhật Bản, người ta có thể học được rất nhiều kinh nghiệm về DV dữ liệu và nội dung, cũng như kỳ vọng vào một sự khởi đầu suôn sẻ cho công nghệ 3G. Ở Nhật Bản, khách hàng được giới thiệu đủ loại DV Internet di động khác nhau. Đó là lý do vì sao họ chứng kiến tốc độ tăng trưởng “vô tiền khoáng hậu” cả về thuê bao lẫn mức độ sử dụng DV tại Nhật Bản. Người Nhật có thể làm gần như mọi thứ với "dế": từ xem phim, xem truyền hình, nghe nhạc, đọc báo, đọc truyện tranh, viết blog cho đến sáng tác tiểu thuyết.

Trên thực tế, chúng ta vẫn có thể triển khai thành công 3G và người dùng vẫn có cơ hội tận hưởng những điều kỳ diệu do công nghệ này mang lại. Vấn đề là ngay từ đầu, các mạng di động có xuất phát đúng hướng hay không. Quan trọng hơn, họ có luôn lắng nghe nhu cầu người dùng đối với DV ứng dụng hay không.

Sự sinh sôi nảy nở mạnh mẽ của các ứng dụng mang tính địa phương, mối quan hệ khăng khít giữa việc sản xuất điện thoại với phát triển DV chính là những thế mạnh không thể chối cãi. Quy trình cấp phép minh bạch, kết hợp với một chuẩn mở, thông dụng cũng không kém phần quan trọng.

Các mạng di động cần tìm ra những ứng dụng 3G "sát thủ" (killer application) để người dùng không thể sống thiếu 3G, giống như cách SMS đang làm khuynh đảo thế giới 2G hiện nay. Về phần mình, người dùng cũng cần mở lòng chào đón một thế giới mới, nơi đàm thoại không còn là công nghệ thống trị nữa.

Thực tế thị trường đang chỉ ra rằng, mảng DV tiềm năng của công nghệ 3G vẫn còn đang bỏ ngỏ. Đó là do sự đầu tư dè dặt cho công nghệ của nhà mạng viễn thông còn hạn chế hay thói quen của người dùng di động tại Việt Nam còn quá gắn bó với thế hệ công nghệ 2G?

(Theo TGVT)

Đọc thêm