Hợp tác Nhà nước - doanh nghiệp CNTT: Lợi cả đôi đường

Hợp tác Nhà nước - doanh nghiệp CNTT: Lợi cả đôi đường ảnh 1
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp có thêm “đất làm ăn”

Ở Việt Nam, PPP mới được biết đến chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở như cầu, đường…, còn trong lĩnh vực CNTT thì đây là lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra. Tuy nhiên, hầu hết các đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới, Trung tâm Đào tạo CNTT châu Á - TBD, Microsoft, VCCI,… đều khẳng định cơ hội phát triển của mô hình hợp tác PPP tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thuế điện tử, hải quan điện tử, Chính phủ điện tử…

Ông Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm Việt (Vietsoftware), nhận định nếu như chưa triển khai PPP thì quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp sẽ chỉ mang tính chất “thời vụ” theo từng dự án, thiếu tính bền vững. Cụ thể hơn, trong nhiều dự án CNTT để triển khai Chính phủ điện tử, Nhà nước tự đứng ra mua sắm thiết bị, phần mềm, đường truyền rồi thậm chí còn tổ chức xây dựng đội ngũ nhân lực để vận hành hệ thống, trong khi đó các doanh nghiệp tư nhân chỉ được tham gia vào từng phần nhỏ thuộc dự án đó. “Cách làm đó rất thiếu hiệu quả và đáng lẽ ra Việt Nam nên thay đổi từ cách đây 5 - 10 năm”, ông Sơn khẳng định.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết Ngân hàng Thế giới sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, áp dụng mô hình PPP.

Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa khẳng định thêm, khi áp dụng mô hình PPP, điều quan trọng trước hết là Chính phủ Việt Nam cần làm rõ các quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân để thu hút sự tham gia của họ.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Lương Sơn cũng cho rằng, PPP sẽ tạo cơ hội cho khối doanh nghiệp có thêm việc làm, nâng cao năng lực và được tham gia vào các dự án của Chính phủ. “Cho đến nay, Chính phủ vẫn là khách hàng hấp dẫn nhất, khách hàng chi tiêu CNTT lớn nhất”, ông Sơn nói. Tuy vậy, theo ông Sơn, vấn đề hiện nay của Việt Nam là cần sớm xây dựng hành lang pháp lý nhằm đảm bảo tính chặt chẽ cao nhất trong mô hình hợp tác này.

Ông Phạm Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, cho rằng PPP là hình thức phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong việc phát triển và duy trì các hệ thống thông tin lớn. Theo ông Hải, có những điều kiện nhất định để triển khai PPP. Chẳng hạn như phải có doanh nghiệp đủ lớn để nhà nước tin tưởng và bản thân nhà nước cũng phải có hệ thống chính sách cho vấn đề này.

Hợp tác Nhà nước - doanh nghiệp CNTT: Lợi cả đôi đường ảnh 2

PPP sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp CNTT có thêm việc làm, nâng cao năng lực và được tham gia vào các dự án của Chính phủ. Ảnh: THANH HẢI

Nhà nước cũng “lợi đơn, lợi kép”

Không chỉ khối doanh nghiệp có cơ hội về công ăn việc làm, mà hình thức hợp tác PPP cũng đem lại không ít lợi ích cho phía nhà nước. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, trong điều kiện vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, mô hình PPP là giải pháp hữu hiệu để phát triển hạ tầng cơ sở xã hội, trong đó có lĩnh vực CNTT. Như vậy, bản chất của vấn đề khi triển khai PPP là giúp nhà nước huy động vốn.

Bên cạnh đó, ông Andrew Hodges, Phụ trách quan hệ Chính phủ, Khu vực châu Á-TBD của Microsoft cho rằng, những dự án mang tính dài hạn, phức tạp và đòi hỏi sự sáng tạo đột biến mà bình thường nhà nước khó làm được sẽ cần được triển khai theo hình thức PPP. Triển khai theo hình thức PPP, nhà nước sẽ có thể tận dụng được nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp.

Không những thế, với cơ chế tiền lương còn thấp của cơ quan nhà nước, hợp tác PPP còn giúp cơ quan quản lý tận dụng cơ chế tiền lương linh hoạt của doanh nghiệp, vì với cơ chế lương nhà nước thấp như hiện nay, khó duy trì nổi đội ngũ kỹ sư giỏi có thể khai thác, vận hành những hệ thống CNTT lớn.

Bản thân Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết hiện nay cơ quan nhà nước đang triển khai hệ thống ứng dụng CNTT, nhà nước tự thiết lập các trung tâm thông tin, các hệ thống phần cứng, phần mềm và vận hành chúng. “Nhưng yêu cầu về CNTT rất cao, cơ quan nhà nước lại không thể trả lương ở mức cao cho các nhân viên trình độ giỏi để họ thiết lập và duy trì hệ thống”, Thứ trưởng nói. Vì thế, giải pháp ở đây là xem “phần mềm như một dịch vụ, hạ tầng như một dịch vụ”. Và theo Thứ trưởng, trong lĩnh vực này, có thể cho doanh nghiệp tham gia ở mức cao nhất.

Hiện nay, trong lĩnh vực tích hợp hạ tầng CNTT-TT, chính sách nhà nước gần như không hạn chế sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân hay các doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí trong kế hoạch xây dựng hệ thống thư điện tử, Bộ TT&TT đang dự kiến sẽ đặt hàng doanh nghiệp, để doanh nghiệp lo mọi thứ từ hạ tầng, phần cứng, phần mềm và quản lý, Chính phủ chỉ cần sử dụng hệ thống thư đó. “Bước đầu là mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia trong quá trình cung cấp, phục vụ các hoạt động Chính phủ, tiến tới sẽ cung cấp các dịch vụ công”, Thứ trưởng nói. “Cái chính là cơ chế làm sao có sự tham gia của doanh nghiệp một cách tốt nhất cho các hoạt động của nhà nước, đồng thời nâng cao mối quan hệ nhà nước - doanh nghiệp”.

Theo ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (thuộc VCCI), PPP có thể hiểu là mô hình hợp tác trong đó Nhà nước thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kinh phí, ưu đãi về thuế,… và cho phép doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ, công trình…

Theo Nhóm PV (ICTnews)

Đọc thêm