Hơn 300 website tại Việt Nam bị hacker xâm nhập

Hơn 300 website tại Việt Nam bị hacker xâm nhập ảnh 1

Hacker từng tấn công Báo điện tử VietNamNet. (Ảnh: T.L/Vietnam+)
Đây là một trong những công bố quan trọng mà Bkav đưa ra trong Bản tin an ninh mạng của đơn vị này.

[Trao đổi với phóng viên Vietnam+ sáng 9/4, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận an ninh mạng của Bkav, trong số các website bị hacker “động chạm” nói trên, có 10 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước và 305 trường hợp do hacker nước ngoài.

Tuy không có con số thiệt hại, song ông Đức nói các trang web bị tấn công với nhiều hình thức như chèn file lạ, từ chối dịch vụ, thay đổi giao diện. Đặc biệt, một số hệ thống đã bị chọc sâu, hacker ngoài việc kiểm soát máy chủ còn có thể dùng máy chủ này để làm bàn đạp tấn công các máy chủ phía sau nếu các đơn vị bảo mật không kịp thời khắc phục.

Trước đó, trong Bản tin an ninh mạng tháng Hai, Bkav cũng cho biết có 216 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập; trong đó có 14 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 202 trường hợp do hacker nước ngoài.

Lý giải về việc gia tăng đáng kể số lượng website bị tấn công, ông Đức nói đây là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, trung bình năm 2011, 2012 mỗi tháng có khoảng 200 website bị tấn công, song sang năm 2013 số lượng website bị tấn công đã tăng lên một chút.

Tại Hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật diễn ra vào cuối tháng Ba vừa qua, Đại tá Trần Văn Hòa (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An), số lượng tội phạm công nghệ cao tăng nhanh. Thậm chí thiệt hại do tội phạm công nghệ cao gây ra trong năm 2012 cho thế giới khoảng 400 tỷ USD, đứng sau ma túy (460 tỷ USD)./.

Phát hiện virus lây lan nhanh chóng qua USB

Cũng theo Bkav, trong tháng Ba đã có 2.120 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 3.707.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất trong tháng qua là W32.Sality.PE đã lây nhiễm trên 328.000 lượt máy tính.

Đặc biệt, Bkav vừa phát hiện loại virus mới có tên W32.UsbFakeDrive với tốc độ lây nhiễm chóng mặt. Các chuyên gia nhận định đây sẽ là mã độc thay thế các dòng virus AutoRun, phát tán qua USB trước đây.

Cụ thể, khi mở USB bị nhiễm virus, người sử dụng sẽ thấy một ổ đĩa nữa trong USB đó và phải mở tiếp ổ đĩa thứ hai này mới thấy được dữ liệu. Thực chất, ổ đĩa thứ hai chính là một shortcut chứa file virus. Khi người dùng mở dữ liệu cũng là lúc máy tính bị nhiễm mã độc từ USB.

Bkav cũng cho biết, tại Việt Nam USB vẫn là nguồn lây nhiễm virus phổ biến với tỉ lệ lên tới 88%. Với sự xuất hiện của virus W32.UsbFakeDrive thì nguy cơ này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.


Theo Hồng Gấm (Vietnam+)

Đọc thêm