Hiến kế bỏ rào cản cho CNTT “cất cánh”

Hiến kế bỏ rào cản cho CNTT “cất cánh” ảnh 1

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Giám đốc Công ty phần mềm TMA cho biết: Với kinh nghiệm 12 năm hoạt động trong lĩnh vực, để phát triển ngành này cần phải đầu tư mạnh vào R&D và Bộ TT&TT cần làm việc với Bộ Tài chính làm sao để các công ty nhập các thiết bị, máy móc nhằm phát triển R&D không phải trả thuế. Hàng năm cần tổ chức nhiều hội thảo về CNTT hơn và cần xây dựng 1 web site giới thiệu về CN CNTT của Việt Nam, bởi hiện nay các công ty nước ngoài khi vào tìm hiểu ngành này trong nước thì không biết tìm ở đâu để có cái nhìn bao quát về toàn ngành.

Đề cập đến khía cạnh khác, ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC cho rằng, Bộ cần có những đánh giá chi tiết về các con số của ngành mình. Cần nghiên cứu những chính sách từ các nước lân cận, những nước cạnh tranh với mình trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ… Bởi những chính sách trong nước đưa ra thực sự vẫn chưa hấp dẫn cho doanh nghiệp.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cho rằng, muốn phát triển ngành CN CNTT thì cần xem xét 3 yếu tố chính là thị trường nằm ở đâu, xác định hướng đi để phát triển và nguồn lực. Theo ông, với 86 triệu dân, thị trường tiềm năng nhất hiện nay là thị trường nội địa cần khai thác. Về hướng đi nên tập trung nội dung số và Internet bởi nó có tiềm năng lớn với thị trường như trên.

Riêng chuyện nguồn lực, ông Minh cho rằng đây vẫn là chuyện dài tập, cần có chính sách miễn thuế cho những người làm CNTT. Các thủ tục về thuế cần đơn giản hơn để không gây khó cho doanh nghiệp. Đồng tình với quan điểm của ông Minh, ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký HCA cho rằng ban soạn thảo nên có sự xuyên suốt để các sản phẩm CNTT đừng giống như các sản phẩm mỹ phẩm, thời trang mà các cơ quan Thuế, Hải Quan đang nhìn nhận như hiện nay. Ngoài ra cần có chính sách cho việc kinh doanh phần cứng bởi hiện nay họ hoạt động rất khó khăn.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Trọng Đường – Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) thừa nhận, các vấn đề trên đều đã có chính sách, cơ chế, tuy nhiên vẫn chưa triển khai được. Nguyên nhân chính là nó vẫn dừng lại ở văn bản, bởi thực tế ai làm, tiền đâu để làm vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thoả đáng.

Phần góp ý cho dự thảo Nghị định Hướng dẫn một số điều luật CNTT về dịch vụ CNTT, những đóng góp cũng rất sôi nổi. Giáo sư Nguyễn Lãm cho rằng cần phải đặt lại vấn đề về khái niệm dịch vụ CNTT vì nó vẫn đang được phát triển. Cách nhìn đến dịch vụ vẫn chỉ là gia công mà chưa chú trọng việc nghiên cứu và phát triển. Cho nên, chưa nên ra vội nghị định mà cần mở rộng ra.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA thì cho rằng, việc ban hành nghị định là cần thiết vì cần có hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển dịch vụ CNTT. Nhưng nên phân biệt rõ thế nào là dịch vụ CNTT, bởi những cái như khám bệnh trực tuyến, đào tạo trực tuyến thì không nên đưa vào vì nó liên quan nhiều đến ngành khác hơn.

Tranh cãi nổ ra ở việc quy định về chứng chỉ hành nghề tư vấn, nhiều đại biểu cho rằng nên bỏ vì thực tế đây là một điều không cần thiết. Ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC đặt vấn đề chẳng hạn như triển khai ERP thì có là tư vấn hay không, những cái này đều do phía triển khai là nước ngoài tư vấn, không lẽ cũng bắt họ phải lấy chứng chỉ. Ông Nguyễn Anh Dũng, đại diện Công ty điện tử tin học Việt Nam cho rằng nên bỏ chứng chỉ này.

Tuy nhiên, ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký HCA thì cho rằng nên giữ lại điều này, bởi tư vấn trong CNTT hiện nay vẫn đang nằm trong Luật Xây dựng, vẫn bị áp đặt từ bên đó nên rất nhiêu khê. Vì vậy việc Bộ TT&TT đưa điều này vào là rất hợp lý vì Bộ cần có thẩm quyền trong việc này.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến xoay quanh việc ưu đãi và thuế cũng được bàn thảo, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt về CNTT ở điều 14, theo ông Lê Hồng Minh nên để Bộ Tài chính làm, không cần thiết mình phải làm. Hầu hết những thắc mắc của các đại biểu đều được ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ CNTT giải thích một cách cặn kẽ.

Theo Lê Mỹ (ICTnews)

Đọc thêm