Hết "hot", ngành CNTT thiếu hàng trăm nghìn nhân sự

Thiếu hơn 200.000 nhân sự
Hết "hot", ngành CNTT thiếu hàng trăm nghìn nhân sự ảnh 1
"Nhà nhà" đào tạo CNTT vẫn không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Tại hội nghị quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực CNTT” do Bộ GD-ĐT cùng Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức tại Hà Nội ngày 21-4, TS Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng CNTT, Bộ GD-ĐT cho biết: tính đến năm 2010, có 123 trường ĐH đào tạo các mã ngành CNTT - tin học và 67 trường đào tạo các mã ngành điện tử - viễn thông. Tương tự, bậc Cao đẳng là 153 trường và 52 trường. Tổng cộng, mỗi năm chỉ tiêu tuyển mới các ngành CNTT khoảng trên 10.000 sinh viên.

Ngoài ra còn có các cơ sở đào tạo kỹ thuật viên CNTT ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp cùng với nhiều chương trình đào tạo quốc tế đã được đưa vào Việt Nam dưới hình thức liên kết, hợp tác đào tạo…

Nhưng trên thực tế, khả năng cung ứng nhân lực cho lĩnh vực CNTT đang bị hạn chế cả về chất lượng và số lượng.

TS Quách Tuấn Ngọc cũng thừa nhận hạn chế lớn nhất với sự phát triển của công nghiệp CNTT nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng, kể cả việc khai thác các thị trường nước ngoài, là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

PGS Bùi Thế Duy, Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội nói mặc dù hiện nay đang tồn tại tình trạng "nhà nhà" đào tạo CNTT nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân lực theo yêu cầu. Ông Duy ví dụ, năm 2010, Công ty VTC Intecom cần tuyển 2.000 nhân sự CNTT nhưng họ chỉ “lọc” được 100 hồ sơ và trong đó chỉ 20-30 nhân sự làm được việc.

Một số đại diện lo ngại trước sự thay đổi trong xu hướng chọn ngành nghề dự thi của thí sinh khi trong vài năm gần đây ngành CNTT không còn giữ vị trí ngành học “hot” nữa. Nhiều thí sinh giỏi chuyển hướng sang nhóm ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh… khiến nhân lực ngành CNTT không chỉ giảm về số lượng mà giảm cả về chất lượng đầu vào.

TS. Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam đưa ra con số, vài năm nay chỉ có 05 trường đào tạo CNTT trên cả nước có điểm tuyển sinh đầu vào thuộc top trên còn lại các trường khác đều tuyển sinh chuyên ngành này ở mức điểm sàn.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin & Truyền thông đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực của công nghiệp CNTT đến năm 2020 là 528.000 người, trong đó công nghệ phần cứng cần 250.000 người, công nghệ phần mềm cần 130.000 người và công nghiệp nội dung số cần 148.000 người. Nếu so với chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo như hiện nay thì đến năm 2020, con số thiếu hụt nhân lực trong ngành CNTT có thể lên tới trên 200.000 người.

Thêm chuyên ngành mới, khối thi mới

Hết "hot", ngành CNTT thiếu hàng trăm nghìn nhân sự ảnh 2
TS. Trần Đức Lai: "Cần đề xuất để có thêm các chuyên ngành mới".

TS. Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng có 2 lĩnh vực mới trong đào tạo CNTT là an toàn – an ninh thông tin và dịch vụ CNTT. Riêng an toàn – an ninh thông tin thì ngay cả các khoá đào tạo ngắn hạn cho cán bộ cũng đáp ứng được yêu cầu. Thứ trưởng đề nghị các trường nghiên cứu, đề xuất chương trình và Bộ GD-ĐT tạo điều kiện để có thêm các chuyên ngành mới.

PGS Bùi Thế Duy, cho biết trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội đang triển khai chương trình đào tạo chuyên ngành dịch vụ CNTT với sự hỗ trợ của IBM và một số trường đã đào tạo chuyên ngành này ở Thái Lan và Singapore.

Ông Duy cho biết với chuyên ngành này, 2 năm đầu, sinh viên vẫn học các môn cơ bản như: lập trình nâng cao, cơ sở dữ liệu, công nghệ phần mềm, mạng máy tính… Các năm sau sẽ được học các môn mới như: khoa học dịch vụ, các hệ thống CRM và ERP, quản lý outsourcing, kiến trúc hướng dịch vụ - đây là những kiến thức trước đây chưa được đào tạo hoặc đào tạo chưa bài bản trong nhà trường.

TS. Quách Tuấn Ngọc cho biết một trong những đề xuất, giải pháp trong hoạt động đào tạo nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu xã hội đến năm 2020 là thực hiện tuyển sinh đầu vào ngành CNTT - điện tử, viễn thông với ba môn thi: Toán - Lý - Ngoại ngữ.

TS. Nguyễn Thanh Tuyên và PSG Huỳnh Quyết Thắng, Viện CNTT, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đồng ý với đề xuất này.

Ông Tuyên cho rằng nên cho phép thí sinh thi đầu vào chuyên ngành CNTT môn ngoại ngữ thay vì môn hoá vì trong toàn bộ qua trình học, hầu như không sử dụng đến kiến thức hoá học trong khi ngoại ngữ cần thiết hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, cần có cơ chế tuyển sinh linh hoạt, không nên cứng nhắc bắt buộc thi ngoại ngữ (có thể cho lựa chọn hoặc Hoá học hay ngoại ngữ) vì học sinh ở vùng nông thôn có thể không có điều kiện học ngoại ngữ như học sinh thành phố, ông Tuyên lý giải thêm.

Theo Hà Phương (VNN)

Đọc thêm