Giám thị "google" để tìm hiểu phạm nhân

Trong căn phòng nhỏ, phó giám thị Lại Xuân Hùng đang ngồi cập nhật những thông tin nóng hổi về đợt đặc xá 2/9 năm nay trên các website báo chí. Ông nói: “Ở đây, cái món Internet này là hàng độc đấy”.

Lướt web để hiểu phạm nhân hơn

Câu chuyện về người online duy nhất tại Z30A bắt nguồn từ một hoàn cảnh thú vị. Tôi gặp phó giám thị Lại Xuân Hùng, để tìm hiểu thông tin về hai phạm nhân: một là Liên Khui Thìn, giám đốc công ty TNHH Epco, người từng nhận án tử hình trong vụ Epco Minh Phụng, hai là Nguyễn Xuân Trường (Trường “xoăn”, đồng phạm bắn chết Dung Hà), người nhận án chung thân sau vụ Năm Cam.

Phân trại K2 nằm sát bìa rừng, cái không khí se lạnh buổi sáng xộc vào căn phòng nhỏ. Trong suốt buổi trò chuyện, người đàn ông đeo hàm thượng tá ở tuổi ngũ tuần vẫn không rời mắt khỏi màn hình laptop dù vẫn trả lời gọn gàng những câu hỏi “bắn tỉa” của tôi. Trong vẻ khiêu khích của kẻ từ thành phố văn minh đến và nghĩ rằng cái nơi “khỉ ho cò gáy” này làm gì có Internet, tôi khẽ hỏi: “Chú lướt web à?”.

“Ừ”, người đàn ông trả lời “thật như đùa”, không một giây suy nghĩ. Tôi chột dạ bước lại phía sau ông và… “Thôi rồi, đúng là ông ấy đang lướt web, quản lý phạm nhân mà cũng lướt web!” - tôi nghĩ thầm. Ông Hùng cho biết, vì không muốn bị lạc hậu nên ông đã tự mày mò tìm cách kết nối Internet qua line điện thoại (dial-up) của VNPT. “Mới xài Internet được một tuần thôi, kết nối mạng hơi chậm”, ông Hùng nói.

Cuộc trao đổi thông tin giữa tôi và ông về lai lịch những phạm nhân “khét tiếng” dần dần trở nên ấm cúng hơn. Phía sau con người đã có 28 năm gắn bó với trại giam này là những câu chuyện ly kỳ kể nhiều ngày mới hết.

Đầu năm 1981, từ lực lượng công an vũ trang, ông Hùng được điều động về Trại giam Z30A (Xuân Lộc, Đồng Nai). Thời điểm ấy, nhà tranh, vách gỗ giữa rừng hoang, tường rào dựng bằng tre, nứa, chuyện đốt đuốc, đánh kẻng đuổi voi diễn ra như cơm bữa.

Phạm nhân thuộc nhiều loại phức tạp nên ông Hùng cũng thường xuyên phải ăn sương, nằm rừng để canh, bắt phạm nhân trốn trại. Nhiều lần, lặn lội từ Xuân Lộc, Đồng Nai xuống tới tận biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc các tỉnh An Giang, Tây Ninh, ông Hùng và các anh em trinh sát nhịn đói, cuốc bộ hàng chục cây số đường rừng để lần theo dấu vết phạm nhân.

Bắt được phạm nhân đã khó, đáng kinh ngạc hơn là ông từng cảm hóa, thuyết phục phạm nhân hợp tác với trại để tiếp tục truy bắt những phạm nhân khác còn lẩn trốn.

Năm 1986, N.N.P., phạm nhân đang thụ án 20 năm tù về tội lừa đảo, trốn khỏi trại. Sau nhiều đêm mật phục tại An Giang, ông Lại Xuân Hùng đã cùng đồng đội tóm được P. khi phạm nhân này đang tìm đường vượt biên sang Tà Keo - Campuchia.

Biết P. có mối quan hệ với hai đối tượng đã từng thực hiện một vụ giết người tại TP.HCM rồi trốn sang Campuchia ẩn náu, ông Hùng quyết định cảm hóa P. để phục vụ cho chuyên án truy bắt đối tượng của cơ quan điều tra. Sau khi đã đủ cơ sở tin tưởng, ông thuyết phục lãnh đạo cho phép P. sang Campuchia để chiêu hồi hai đối tượng giết người quay về Việt Nam đầu thú. Hai ngày sau, P. trở về, hai sát thủ khác cũng xuất hiện sau nhiều ngày tìm đường “ẩn nấp” ở thủ đô Phnôm Pênh…

Ông Hùng dừng chuyện, chuyển sang Google gõ ba chữ: Liên Khui Thìn. Một list danh sách kết quả tìm kiếm hiện ra. Sau gần 10 phút nhìn nhận sơ qua về vụ án Epco Minh Phụng, bất ngờ ông tiết lộ: “Liên Khui Thìn cải tạo ở trại tôi và cũng được đề nghị đặc xá lần này. Có Intenet thuận lợi lắm chứ, những thông tin xã hội về các phạm nhân mới vào đây tôi đều cập nhật đầy đủ, từ đó nhìn nhận đánh giá về con người họ từ nhiều khía cạnh hơn để có cách giáo dục, cảm hóa cho phù hợp”.

Áp lực và những chuyện vui

Hẳn ai cũng biết Z30A là nơi giam giữ, cải tạo hàng ngàn phạm nhân từng là tội phạm “máu mặt” ngoài xã hội. Về tội phạm hình sự, từng có “Hải “bánh”, Trường “xoăn” (đàn em Năm Cam), Minh “bu”, Minh “sứt”…, tội phạm kinh tế có Liên Khui Thìn (giám đốc công ty TNHH Epco), và có cả những tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Như cái duyên nặng nợ với nghề, tất cả những cái tên “nghe qua đã lạnh” này đều từng ở phân trại K2, nơi thượng tá Lại Xuân Hùng phụ trách. Việc cải tạo, chuyển đổi tâm tính những phạm nhân này cũng không thể một sớm, một chiều.

Những năm gần đây, trại giam Z30A cũng từng ngày thay da đổi thịt. Từ chỗ khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đến nay cơ ngơi của trại khá khang trang và đàng hoàng, nơi ăn chốn ở của phạm nhân cũng sạch, đẹp. Trại Xuân Lộc đã mở cửa đón thân nhân phạm nhân đến thăm nơi ăn chốn ở của phạm nhân để hiểu rõ hơn chính sách nhân đạo trong giáo dục cải tạo.

Ông Hùng là một kho lưu trữ về những câu chuyện ở trại giam. Nhất là câu chuyện Trường “xoăn”, phạm nhân khá nổi tiếng liên quan đến vụ Năm Cam.

Sau vụ án Năm Cam, Nguyễn Xuân Trường (Trường “xoăn”, SN 1974, quê Hà Nội) thụ án tại phân trại số 2, Z30A nơi ông Hùng phụ trách. Xung quanh cuộc sống trong tù của phạm nhân từng giắt súng đi tìm bắn Dung Hà này có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Do sức khỏe không được tốt, thời gian gần đây, Trường “xoăn” thường tỏ ra bất thường.

Mới tuần trước, cả phòng giam nơi Trường “xoăn” ở được một phen vỡ bụng. Sau khi nhận được thức ăn thăm nuôi của người nhà gửi lên, Trường “xoăn” trải hết quần áo xuống sàn sau đó xếp hết thức ăn lên, rồi nằm xuống ăn cho bằng hết. Bạn tù chung phòng với Trường kể: “Nó bảo phải ăn cho hết chứ không người ta ăn mất”.

Trong lúc phạm nhân nào cũng mong có người nhà thăm nuôi, Trường “xoăn” lại bất cần. Bố Trường lên thăm, ngồi chờ cả ngày Trường cũng không chịu ra. Sau này, nghĩ rằng Trường không muốn gặp, gia đình chỉ gửi bưu phẩm, nhưng Trường cũng không thèm nhận, quản giáo phải gửi trả lại gia đình.

Thời chưa chuyển về K2, Trường “xoăn” ở K1, nổi tiếng là hiếu động, hễ thấy quản giáo quay đi, lập tức Trường phóng một mạch ra khỏi cổng. Yêu cầu dừng lại không được, cán bộ quản giáo phải rút AK bắn chỉ thiên.

Trường tưởng nhắm bắn vào mình nên dù đã nghe tiếng đạn nổ rồi, gã vẫn nghiêng người… tránh đạn. Về K2, lâu lâu Trường lại phóng ra cổng nhưng cứ đến vạch đỏ là dừng lại. Quản giáo hỏi: “Sao không chạy tiếp?”, Trường trả lời: “Bị bắn đau lắm”.

“Anh có nhớ nhà không?”, chúng tôi hỏi, Trường tiếp tục giả điên lầu bầu: “Luật là tao, tao là luật”. Đến khi cán bộ quản giáo vào cuộc: “Cán bộ đang hỏi anh, yêu cầu anh trả lời?”, Trường “phăng” một mạch: “Dạ, em tên Nguyễn Xuân Trường, sinh năm 1974, nhà ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, em đang bị ốm” (?!).

“Nghe có vẻ bi hài là thế, nhưng nhìn chung công việc của các giám thị trại giam không hề đơn giản, kỷ luật nghiêm nhưng cũng rất tâm lý, như thế mới giúp mặc cảm tội lỗi của phạm nhân được san sẻ và cải tạo tốt hơn”, ông Hùng tâm sự. Hai mươi tám năm trong nghề quản giáo, trải qua không ít thử thách khắc nghiệt lẫn hiểm nguy, khi tiễn tôi về, ông Hùng chỉ cười hiền và dặn: “Để tạo xong hộp thư điện tử tôi nhắn tin cho chú, gửi giúp tôi mấy tấm hình chụp anh em chiến sỹ làm kỷ niệm nghen”.

Chiều. Từng đoàn phạm nhân đi hàng dài tiến về các phân trại sau một ngày lao động. Z30A và những bóng áo xanh cần mẫn nhỏ dần sau đỉnh núi Chứa Chan.

Theo MINH DŨNG / e-CHÍP

Đọc thêm