Giá cước ADSL liệu có giảm?

Năm 2010, 3 ISP lớn nhất Việt Nam hiện nay đều có sự điều chỉnh về băng thông và giữ nguyên giá các gói cước ADSL. Năm 2011, FPT Telecom đã có sự điều chỉnh đầu tiên khi nâng tốc độ truy cập trong nước tối đa lên đến 8Mbps (tuỳ theo gói dịch vụ khách hàng sử dụng) và tăng giá cước thuê bao từ 25 nghìn /tháng – 30 nghìn/tháng (tuỳ theo gói dịch vụ). Hai ISP lớn còn lại là VDC/VNPT, Viettel vẫn án binh bất động và chưa có kế hoạch điều chỉnh về băng thông, mức giá.

Như vậy, trong số các gói cước dành cho đối tượng khách hàng hộ gia đình, bao gồm Home N+, Home E+ (Viettel); MegaBasic, MegaEasy, MegaFamily (VDC/VNPT); MegaSave, MegaYou, MegaMe (FPT Telecom), hiện FPT Telecom đang là nhà cung cấp dịch vụ có gói cước áp dụng mức phí sử dụng dịch vụ trọn gói cao nhất.

Bên cạnh đó, nếu như Viettel và VDC/VNPT vẫn đưa ra 2 phương thức sử dụng Internet cho người dùng, sử dụng trọn gói hoặc theo lưu lượng thì FPT Telecom chỉ có duy nhất hình thức sử dụng trọn gói. Điều này sẽ gây ra những phiền toái nhất định đối với những khách hàng có thời gian sử dụng ít hay dùng Internet để truy cập những dịch vụ cơ bản như email, duyệt web, đọc tin tức…

Với phương thức sử dụng theo lưu lượng, VDC/VNPT đang dẫn trước Viettel khi có mức cước thuê bao tháng thấp hơn hẳn, như với mức thuê bao/tháng của 3 gói cước MegaBasic, MegaEasy, MegaFamily đang lần lượt là 0 đồng, 24 nghìn, 35 nghìn đồng, trong khi Viettel đang có giá thuê bao tháng 50 nghìn đồng (gói Home N+) và 100 nghìn đồng (gói Home E+).

Bù lại, Viettel lại đang sở hữu mức phí lưu lượng sử dụng (tính trên 1MB gửi & nhận) rẻ hơn VDC/VNPT. Mức phí lưu lượng của nhà mạng này thấp nhất khoảng 10 đồng (gói Home N+ sử dụng trong khoảng thời gian từ 23 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau) và cao nhất là 42 đồng (gói Home E+ áp dụng cho 6GB đầu tiên). Trong khi đó, mức phí lưu lượng của VDC/VNPT thấp nhất 18,181 đồng (gói MegaBasic áp dụng cho 400MB đầu) và cao nhất 60 đồng (cũng gói MegaBasic cho những MB tiếp theo), 2 gói cước còn lại MegaEasy, MegaFamily có mức phí dao động từ 45 -48 đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet cho biết: Khách quan mà nói, đối với những khu vực cần khuyến khích phát triển Internet như vùng nông thôn, miền núi… nơi mà điều kiện tiếp cận còn khó khăn, các ISP nên có chính sách giảm giá cước để kích cầu, mở rộng đối tượng khách hàng. Vì thế, ở những nơi này, giá cước sẽ tiếp tục giảm nhưng ở một mức độ nào đó vì còn liên quan đến vấn đề lợi nhuận của doanh nghiệp. Còn khu vực thành phố, đô thị, mức cước ADSL không nhất thiết phải giảm nhiều do đời sống kinh tế ở đây khá cao.

Việc giá cước ADSL có thể giảm tiếp được hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố nhưng xét trên lý thuyết, việc giảm giá phụ thuộc vào khả năng kiểm soát chi phí, tổ chức sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp để vẫn đảm bảo được lợi nhuận.

“Nếu các ISP kiểm soát chi phí tốt, hiệu quả thì ở một mức độ nhất định nào đó vẫn có thể giảm giá, còn nếu không sẽ rất khó để giảm giá”, ông Liên cho biết thêm. Cũng theo ông Liên, mức giá ADSL đã gần sát ngưỡng giá thành nên nếu giảm cũng chỉ giảm một chút so với hiện nay và phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát để giảm chi phí của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm với ông Liên, đại diện của một ISP lớn ở Việt Nam cũng cho rằng, mức giá cước ADSL đã tương đối sát với giá thành nên xu thế từ năm 2011 trở đi sẽ không tiếp tục giảm giá cước ADSL hay nâng gói cước như những năm trước mà sẽ chú trọng, đầu tư hơn vào chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng để giảm tỷ lệ thuê bao rời mạng.

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm