Game trong nước bị chặn, game lậu tung hoành

Công văn của Sở Thông tin Truyền thông TP HCM đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phối hợp với doanh nghiệp phát hành game ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đến các đại lý từ 22h đến 8h sáng, không cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đến các đại lý Internet có khoảng cách dưới 200 m đến các trường học và ngăn chặn việc truy cập đến trò chơi trực tuyến chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Nhiều chủ cửa hàng Internet bày tỏ thắc mắc rằng mới đây Bộ Thông tin Truyền thông đã có yêu cầu ngắt đường truyền Internet tới đại lý sau 23h từ 1/9, vậy biện pháp mới của Sở còn có ý nghĩa gì.

Trao đổi với PV, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết việc cắt đường truyền đến các đại lý Internet từ 23h là không đủ cơ sở pháp lý. Trong công văn 994 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 10/8/2010, Sở cũng đã nêu ý kiến, ngay trong trường hợp đại lý Internet để khách hàng sử dụng dịch vụ ngoài giờ quy định thì Nghị định 28/2009/NĐ-CP của Chính phủ cũng chỉ quy định xử phạt hành chính 1-2 triệu đồng và không có hình thức phạt bổ sung là cắt đường truyền. Do vậy, việc các ISP cắt đường truyền (tạm ngưng cung cấp dịch vụ, từ chối cung cấp dịch vụ) cho các đại lý Internet ngoài thời gian mở cửa hàng ngày là không có cơ sở pháp luật. Các ISP cắt đường truyền không có lý do chính đáng có thể bị đại lý kiện và yêu cầu bồi thường vì không thực hiện đúng hợp đồng.

Game trong nước bị chặn, game lậu tung hoành ảnh 1

Người chơi chỉ cần nạp thẻ cào là có thể tham gia nhiều server lậu. Ảnh chụp màn hình.

Về yêu cầu ngừng cung cấp trò chơi trực tuyến tới các đại lý Internet từ 22h đến 8h hôm sau của Sở, ông Hà cho rằng đây là một quy định đúng luật.

Trước biện pháp trên của Sở Thông tin Truyền thông TP HCM, có luồng dư luận cho rằng những mặt tiêu cực của game sẽ được hạn chế khi các cơ quan chức năng xiết chặt quản lý nhà phát hành trò chơi trực tuyến và đại lý Internet.

Tuy nhiên, theo nhiều người, tình hình sẽ không có gì chuyển biến. "Không chơi được game online, game thủ sẽ chuyển sang trải nghiệm các sản phẩm offline trên PC, PS3, Xbox 360…", anh Lê Dũng ở Hà Nội cho biết. "Đặc biệt, khi chuyển sang chế độ chơi mạng và với sự hỗ trợ của Internet, họ có thể vẫn chơi cùng nhau trong một máy chủ".

Theo những game thủ đang tham gia hình thức chơi mà anh Dũng đề cập, cảm giác của họ không khác so với chơi game online. Hầu hết máy chủ họ chơi đều thuộc quyền kiểm soát của cá nhân hoặc tổ chức trong nước. "Mọi người chỉ cần vào trang chủ đơn vị cung cấp dịch vụ đăng ký tài khoản rồi nạp thẻ cào hoặc nhắn tin. Sau đó, họ có thể đăng nhập như các game trực tuyến. Tại server này, chúng tôi thoải mái thi đấu bất cứ lúc nào. Tất cả server đều không bị giới hạn thời gian và không chịu sự kiểm duyệt nào về mặt nội dung. Phần lớn là sản phẩm bắn súng hay chiến thuật thời gian thực như Counter-Strike, Left 4 Dead, Call of Duty, Warcraft, StarCraft… ", Văn Thành, một game thủ trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất Counter-Strike, nói.

Ngoài ra, một số nhà cung cấp game online nước ngoài, sau khi thấy việc triển khai dịch vụ tại Việt Nam đang gặp khó khăn, đã chủ động Việt hóa trò chơi, liên hệ với một số đơn vị trong nước để thu phí qua thẻ cào hoặc đầu số tin nhắn, điển hình như game Heroes Of Newerth do S2 Games (Mỹ) sản xuất.

Game trong nước bị chặn, game lậu tung hoành ảnh 2

Một hình ảnh vui được các thành viên diễn đàn Game Thủ.net đăng tải, mô tả tình trạng người chơi game bỏ tiền tham gia các trò chơi nước ngoài trong khi game của các nhà phát hành nội địa bị hạn chế.

Các nhà phát hành game trong nước khẳng định họ nắm được thông tin này vì hoạt động cung cấp thẻ cào, đầu số tin nhắn để người chơi tham gia server lậu là công khai. "Sản phẩm của chúng tôi, từ lúc nhập về đến khi phát hành và thương mại hóa đều chịu thẩm định, kiểm soát. Chúng tôi hoạt động kinh doanh theo quy định của luật pháp và đóng thuế cho Nhà nước, thậm chí còn phải hứng chịu rất nhiều búa rìu dư luận về nội dung", đại diện một nhà phát hành game nội địa so sánh.

- Ngày 13/5, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến, trong đó quy định đại lý Internet chỉ cho người chơi game online từ 8h sáng đến không quá 22h đêm.

- Tháng 7/2010, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM công bố các tiêu chí phân loại game bạo lực  và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp game phải gửi đánh giá sản phẩm của mình về cho Sở trước ngày 21/7.

- Ngày 27/7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp yêu cầu ngưng cấp phép mới các trò chơi trực tuyến và dừng quảng cáo game online trên các phương tuyện truyền thông đại chúng trong khi chờ Quy chế về quản lý game online được ban hành.

- Ngày 6/8, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra 5 nhóm giải pháp quản lý game online, đáng chú ý là biện pháp cắt đường truyền đến các đại lý Internet sau 23h từ ngày 1/9/2010, bên cạnh việc tạm dừng cấp phép mới các sản phẩm trò chơi trực tuyến từ nay đến cuối năm, cấm quảng cáo dịch vụ game online...

- Ngày 9/9, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM gửi công văn yêu cầu các ISP phối hợp với các doanh nghiệp phát hành game ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đến các đại lý Internet trên địa bàn thành phố từ 22h đến 8h sáng, không cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đến các đại lý Internet có khoảng cách dưới 200 m đến các trường học và ngăn chặn việc truy nhập đến các trò chơi trực tuyến chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo Nhóm phóng viên (VNE)

Đọc thêm