Gabe Newell - người thay đổi ngành game

Gabe Newell - người thay đổi ngành game ảnh 1

Gabe Newell – ông chủ của Valve.

Người mang “đôi mắt của người chết”

Gabe Newell đã từng suýt bị mù. Người sáng lập nhà sản xuất trò chơi điện tử Valve mắc bệnh loạn dưỡng nội mô giác mạc (Fuchs Dystrophy), căn bệnh bẩm sinh phá hủy dần giác mạc. “Tôi mang theo trên mình đôi mắt của người chết”, ông từng nói như vậy vào thời điểm mắc bệnh. Tuy nhiên, hai lần phẫu thuật ghép giác mạc vào năm 2006 và 2007 đã giúp Gabe Newell khỏi bệnh và thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.

Newell được đánh giá là một trong những người tinh anh nhất trong nền kinh tế số mặc dù có giác mạc kém. iTunes, Amazon và Netflix đã làm thay đổi kinh doanh truyền thông bằng cách đưa người dùng từ các cửa hàng thực lên web. Valve cũng đã làm điều tương tự với trò chơi điện tử trên máy tính.

Trang web cung cấp game trực tuyến của Valve, Steam, có 30 triệu khách hàng tải các trò chơi điện tử và các tiện ích phụ trợ (add-on). Trong cộng đồng người chơi game, Valve hiện chỉ lép vế trước vài tên tuổi như Nintendo, Microsoft và Sony. Năm ngoái, có một dấu mốc đáng nhớ với Valve là doanh thu tải game máy tính đã lần đầu tiên vượt doanh số game bán qua hệ thống bán lẻ, theo hãng nghiên cứu thị trường NPD Group.

“Tôi nghĩ Gabe là người thông minh. Ông ấy là một trong những người thông minh nhất mà tôi từng gặp”, John Riccitiello, Giám đốc điều hành một trong những nhà phát hành game lớn nhất thế giới, Electronic Arts nói. “Ông ấy có những hiểu biết nhanh nhạy về cách tạo ra các game hấp dẫn và cách phân phối chúng đến người dùng”.

Steam hiện kiểm soát khoảng một nửa đến 70% thị trường trò chơi máy tính tải về trên mạng trị giá 4 tỷ USD. Website này của Valve hiện bán cả những tựa game từ các công ty lớn như EA và Activision cũng như những game của riêng Valve. Game thành công nhất của Valve là Half-Life 2 đã bán được 2 triệu bản từ năm 2004 và là game máy tính được đánh giá cao nhất trên website chuyên đánh giá trò chơi Metacritic.

Valve, hiện có 250 nhân viên, không công bố thông tin tài chính nhưng theo Newell, công ty này có lợi nhuận cực cao. Ed Barton, nhà phân tích game ở công ty IHS Screen Digest, ước tính doanh thu của Valve năm 2010 đạt hàng trăm triệu USD (một bài viết về Valve trên Forbes năm 2005 ước tính công ty này đạt doanh thu 70 triệu USD và có lợi nhuận tới 55 triệu USD).

Tháng 10 năm ngoái, Valve thông báo rằng công ty này đã đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, hơn 200%. Newell nói tính theo mỗi nhân viên, Valve có lợi nhuận cao hơn Google và Apple. Nhiều nguồn thông tin định giá công ty này ở mức giá 2-4 tỷ USD, mức giá gần ngang với Zynga, nhà sản xuất các game nóng bỏng trên Facebook là Farm Ville và Cafe World. Newell sở hữu hơn một nửa công ty Valve và là một trong những tỷ phú công nghệ sau khi rời bỏ Harvard.

“Đế chế” Steam

Newell là người hiện lên lù lù ở cả đời thực và trong ngành game. Thân hình mập mạp cao gần 2 mét thường biến ông trở thành mục tiêu của những câu chuyện hài hước của những người thích đùa trên mạng. Ông cũng không ngại móc máy các đối thủ, từng gọi PlayStation 3 là “thất bại hoàn toàn”.

Newell bắt đầu thành lập Valve vào năm 1996 cùng với người bạn Mike Harrington. Cả hai đều từng làm việc ở Microsoft hơn chục năm và chung vốn đầu tư vào công ty. Valve đến nay chưa từng lấy một xu nào từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Sau khi lập công ty, Newell và Harrington mua một số đoạn mã từ game nổi tiếng Quake để phát triển thành game mới gọi là Half-line, ra mắt vào năm 1998 và bán được 2,5 triệu bản trong năm đầu tiên. Newell đã mua lại toàn bộ cổ phần của Harrington sau khi ông này rời khỏi công ty vào năm 2000. Valve đã ra mắt Steam vào năm 2004, thời điểm hầu hết các hộ gia đình Mỹ mới có tốc độ Internet gián tiếp (dial-up).

Steam hấp dẫn người chơi game bởi nó đơn giản hóa quy trình tải (download), cấu hình và ráp nối các game. Trang web này hiện đang cung cấp hơn 1.250 game của cả Valve và các hãng khác. Ngoài ra, Steam cũng khuyến khích cộng đồng của nó tạo, phân phối và bán các “mod”, phiên bản sửa đổi của các tựa game hiện tại của Valve trên mạng của họ. Newell nói rằng khoảng một nửa nhân viên của ông khởi đầu nghề nghiệp của họ bắt đầu từ việc tạo ra các “mod”.

Steam hiện nay giúp cả khách hàng của họ kiếm tiền. Vào tháng 10 năm ngoái, Steam mở cửa hàng sản phẩm ảo nơi người chơi có thể bán các vật phẩm như vũ khí và trang thiết bị phục vụ chơi game. Một số người chơi có thể kiếm tới 20.000 USD mỗi tuần trên Steam. Newell nói rằng việc phân phối phim và nhạc qua Steam rất dễ dàng nhưng ông chưa quan tâm đến việc mở rộng sang các dịch vụ nội dung khác mà tập trung giúp khách hàng của họ có thêm cách để tương tác với game. Dịch vụ Steam Cloud của công ty ra mắt vào năm 2008 cho phép người chơi lưu các game và dữ liệu của họ để truy cập từ bất kỳ máy tính nào có cài đặt Steam.

Steam hấp dẫn với các nhà phát hành bởi nó cho phép họ có cơ hội bán trực tiếp, không bị mất đi khoản lợi nhuận cắt cho các nhà phân phối. Các nhà phát hành kiếm được khoảng 70% doanh thu bán trên Steam, so với 30% qua các cửa hàng bán lẻ. Họ có thể bán hàng qua Steam linh hoạt hơn qua các hệ thống bán lẻ hoặc thậm chí cả những trang như Amazon. Steam cung cấp cho các nhà phát hành những thông tin sống động phản hồi của khách hàng về các thông điệp tiếp thị hoặc những chính sách thay đổi giá.

Tuy nhiên, sức mạnh của Valve trong lĩnh vực game máy tính bị giới hạn bởi chính thị trường này. Mảng game máy tính hiện chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng doanh thu 50 tỷ USD của ngành game nói chung. Newell nói ông đã bỏ lỡ các xu hướng mới như game cho di động, các game chuyển động kiểu như Wii và game trên Facebook. “Nếu chúng tôi cố gắng đi đầu trong lĩnh vực của mình và tham gia vào tất cả những xu hướng mới, chúng tôi có thể phá sản ngay lập tức”, ông nói.  

Gabe Newell - người thay đổi ngành game ảnh 2

Counter-strike, một trong số các game 'hot' của Valve.

Đối thủ lo lắng và nể trọng

Các đối thủ và những hệ thống bán lẻ đều lo sợ và nể trọng Steam. David Perry, Giám đốc điều hành của Gaikai (đối thủ của Valve), gọi Steam là iTunes của ngành game và cảnh báo rằng giống như dịch vụ nhạc số của Apple, Steam có thể trở thành đế chế lớn. Còn chủ tịch của công ty GameStop Tony Bartel thổ lộ: “Họ thực sự đã dẫn đầu một xu thế. Có một số người khác đã cố gắng tham gia vào lĩnh vực đó nhưng họ không thể làm được những điều như Steam đã làm”.

Microsoft, Electronic Arts, Blizzard và GameStop đã đầu tư rất lớn để xây dựng các kho game trực tuyến của riêng mình. Các nhà sản xuất game console Sony và Nintendo đều có mạng lưới game trực tuyến của riêng họ mặc dù họ không bán những game đình đám của các hãng khác như Steam đã làm. Đặc biệt, Microsoft đã làm rất tốt với mạng Xbox Live, đạt mốc 1 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái, gồm doanh thu thuê bao và doanh thu nội dung số như game, phim và nhạc.

Valve đang gặp một đối thủ mới đáng ngại đó là OnLive ra mắt vào tháng 7 năm ngoái. Khác với Steam, OnLive không yêu cầu người dùng tải về mà truyền (stream) trực tiếp các game vào máy tính hoặc tivi của khách hàng. Công ty này không công bố hiện có bao nhiêu khách hàng nhưng họ đang bổ sung dịch vụ cho các máy tính Android, smartphone và các hộp giải mã TV. Newell nói OnLive đã làm một việc đáng ngưỡng mộ về cách truyền tải game đến người dùng nhưng lại cho rằng cách phân phối đó không hiệu quả và tốn kém.

Steve Perlman, Giám đốc điều hành OnLive nói rằng công ty của ông đã có lợi nhuận và cách truyền tải game của họ là hợp lý, tốn khoảng 3 cent mỗi GB. Ông này bình luận Valve có hạn chế là chỉ phù hợp với những khách hàng có máy tính cấu hình mạnh. Ông dự tính OnLive sẽ xuất hiện trên khoảng 10 triệu TV ở Mỹ vào cuối năm nay.

Newell sẽ tiếp tục đi cả hai hướng, bán qua mạng và qua hệ thống bán lẻ. Mặc dù báo chí gọi Steam là kẻ giết hệ thống bán lẻ, song Newell vẫn đang hợp tác chặt chẽ với các hệ thống bán lẻ game như GameStop. Tựa game của Valve là Left4Dead 2 đã bán được hơn 4 triệu bản ở các cửa hàng bán lẻ trong năm 2009. Năm nay, hãng này sẽ công bố game đầu tiên cho PlayStation 3, phiên bản game Portal 2, chỉ được bán ở các hệ thống bán lẻ, chứ không bán qua Steam.

Theo Quốc Cường (ICTnews / Forbes)

Đọc thêm