FPT ngưỡng mộ Q - Mobile

FPT ngưỡng mộ Q - Mobile ảnh 1

Năm 2008, thị trường điện thoại thương hiệu Việt bắt đầu trỗi dậy với tên tuổi của Q – Mobile.

Thị trường Việt lớn hay nhỏ?

Năm 2008, thị trường điện thoại thương hiệu Việt bắt đầu trỗi dậy với tên tuổi của Q – Mobile. Thế nhưng phải đến năm 2010, thị trường này mới có thêm sự đổ bộ của hàng loạt tên tuổi khác như F99 của FPT, Zik 3G của Viettel, Bluefone của CMC, Hi- Mobile của HiPT. Động thái của thị trường gần đây cho thấy, trong năm 2011 thị trường điện thoại di động thương hiệu Việt sẽ có thêm các tên tuổi mới. Và một câu hỏi được nhiều người đặt ra, liệu sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt có đủ sức đứng trên thị trường Việt Nam hay không?  

Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT, thị trường Việt Nam gần 100 triệu dân là một thị trường không nhỏ, nhưng rất tiếc trong công nghệ, đặc biệt là viễn thông thì có tới 95% thiết bị nhập ngoại. Chúng ta không sản xuất được trong nước - đó là một nỗi đau. Nhiều năm nay, các nhà hoạch định chiến lược mong muốn nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước nhưng cạnh tranh với công xưởng lớn nhất thế giới quá vất vả. Vì vậy ngày nay, nhiều thiết bị của chúng ta tuy là thương hiệu Việt nhưng chủ yếu là thiết kế ở Việt Nam còn sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc. “Lĩnh vực điện thoại di động thương hiệu Việt có một số biểu hiện rất đáng hoan nghênh, nhưng tôi cũng có dự báo là đầy khó khăn trước công xưởng lớn nhất thế giới, bởi họ đã từng làm điêu đứng các đại gia hàng đầu ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tôi cũng rất hồi hộp về khả năng trong 5 – 7 năm tới, chúng ta có thể chiếm khoảng 20 – 25% thị phần về các thiết bị CNTT&TT sản xuất được”, ông Mai Liêm Trực nói.

“Made in” có thực sự quan trọng?

Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của VNPT cho rằng: “Nếu nói “nở rộ điện thoại Việt” thì tôi sợ rằng chúng ta đang bị lừa. Tôi thấy, chúng ta chỉ thay mỗi thiết kế để tránh vi phạm bản quyền, còn công nghệ vẫn là của Trung Quốc, may ra chỉ đưa thêm các ứng dụng công nghệ vào. Đây là việc chúng ta đang tìm cách lách thuế và để giảm giá rẻ hơn cho người dùng mà thôi”.

Đề cập đến vẫn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho rằng: “Hiện điện thoại thương hiệu Việt phần lớn không được lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên được biết, chúng ta có sự tham gia nhiều hơn các công đoạn về thiết kế, phân phối”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nói.

Trả lời trên truyền thông mới đây, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc ABTel - đơn vị sở hữu thương hiệu điện thoại Việt Q-Mobile cho biết, hiện nay rất nhiều thương hiệu quốc tế chỉ kiểm soát phần nghiên cứu và phát triển, thiết kế. Còn phần sản xuất, gia công thì thuê đơn vị khác bởi đó là khu vực đòi hỏi nhiều nhân công nhất và giá trị gia tăng lại thấp nhất. Thực tế, sở hữu công nghệ, triển khai thương hiệu với hệ thống thương mại thường chiếm 80% giá trị sản phẩm, còn gia công, sản xuất chỉ chiếm 20% mà thôi.

FPT ngưỡng mộ Q-Mobile

Trước nhiều ý kiến về việc điện thoại di động thương hiệu Việt, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT cho rằng, đối với một doanh nghiệp, điều đầu tiên là phải tồn tại, còn kỳ vọng là những cái khách hàng mong muốn. Ví dụ như câu chuyện điện thoại FPT 3G có giá 2 triệu đồng. Tiêu biểu cho smartphone là iPhone nhưng ở Việt Nam chỉ có khoảng 15 nghìn chiếc được phân phối chính thức trên tổng số hơn 90 triệu người dân. Nguyên nhân vì giá của nó quá đắt không phù hợp với người Việt Nam. Nhưng iPhone thắng được là nhờ ứng dụng trên Apple Store, còn Nokia thì có Ovi Store. Đây là một lỗ hổng mà FPT nhìn thấy và có thể làm được. “Tôi không hiểu sao nhiều ý kiến lại coi đây là một sản phẩm thất bại khi chúng tôi đem đến 1 sản phẩm vừa hợp túi tiền người dân vừa có nhiều ứng dụng như game, đọc báo… Chúng tôi rất ngưỡng mộ Q-Mobile, doanh nghiệp nhỏ mà làm rất tốt. Tại sao chúng ta không tôn vinh họ?. Tại sao các doanh nghiệp lớn lại chậm hơn các doanh nghiệp nhỏ, bởi vì doanh nghiệp nhỏ dám làm, quyết nhanh, nên dù Q-Mobile chưa thắng được Nokia nhưng cũng đã làm cho Nokia, Samsung phải sợ”, ông Nguyễn Thành Nam nói.

Ông Nguyễn Thành Nam tin rằng, FPT có 2 điểm có thể cạnh tranh được với Nokia. Thứ nhất ở Việt Nam, thương hiệu Nokia cũng không mạnh hơn FPT quá nhiều. Thứ hai là FPT sẽ xây dựng kho ứng dụng. “Chúng tôi đặt mục tiêu làm sao để ông xe ôm đầu ngõ cũng có thể sử dụng được điện thoại FPT”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm