Facebook sẽ "chết"?

Facebook sẽ "chết"? ảnh 1
Phải chăng chúng ta đang tin rằng, cũng như Lehman Brothers, Facebook "quá lớn để có thể sụp đổ" ?
Bài viết của Tim Malbon, đăng trên Telegraph đúng ngày sinh nhật Facebook 04/02, cho thấy những cái nhìn khác về tương lai của Facebook. Ông là đồng sáng lập cơ quan sáng tạo kỹ thuật số Made By Many, Anh Quốc.
Nếu bạn tìm trên Internet các bài báo kiểu như “sự kết thúc của Facebook”, bạn sẽ thấy rằng nhiều người đã dự đoán về cái chết của nó từ cách đây rất lâu.

Có một luồng ý kiến nghi ngờ luôn tồn tại ngầm song hành với từng giai đoạn phát triển nhanh chóng của Facebook, đặc biệt về giá trị thực và khả năng tạo ra doanh thu của nó. Nhưng bất chấp những giọng điệu đầy ganh ghét, dịch vụ mạng xã hội lớn nhất thế giới đáp trả bằng thực tế nó ngày càng lớn mạnh hơn.

Năm ngoái, Facebook đạt 350 triệu người sử dụng thường xuyên, tăng 200 triệu trong 12 tháng. Và thống kê mới được công bố của trang web InsideFacebook.com đã cho thấy một sự khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2010: thêm 23 triệu người sử dụng chỉ trong 30 ngày đầu tiên của năm.

Facebook đang giữ vị trí trung tâm của văn hóa. Cũng giống như Google, nó đã trở thành một động từ. Bây giờ, mọi người nói “hãy Facebook tôi” khi họ hôn gió tạm biệt. Tất cả bạn bè của chúng ta giờ đã có trên Facebook. Trên đó còn có hàng triệu cái tên là các thương hiệu, các nhóm hoạt động, các show truyền hình và cả các doanh nghiệp.

Chẳng có gì là khó hiểu khi những người hát rong phô diễn tài năng trên YouTube khiến chúng ta bị thôi thúc gia nhập nhóm hâm mộ họ trên Facebook. Tôi đã từng bị thôi thúc như vậy.

Facebook rốt cuộc chắc chắn đã được tạo ra và nó có mặt ở đây để tồn tại. Nhưng liệu sự tồn tại đó có là vĩnh cửu? Câu trả lời có lẽ là không.

Lịch sử của Internet để lại nhiều rác. Đó là những xác chết và những thân thể hấp hối của các dịch vụ mạng xã hội. Như Six Degrees, Firefly, Friendster, và Friends Reunited. Mọi dịch vụ có được sự tăng trưởng bùng nổ đều được xem như một thứ sẽ tồn tại vĩnh cửu, cho đến khi chúng nhanh chóng bị bỏ rơi vì những dịch vụ khác. Trong lịch sử của mạng xã hội, chính khoảnh khắc các dịch vụ phổ biến khắp mọi nơi lại thường là dấu hiệu của ngày suy tàn.

Vậy, tại sao Facebook lại được coi là một ngoại lệ? Có phải cũng như ngân hàng khổng lồ Lehman Brothers, chúng ta thực sự tin rằng nó “quá lớn để có thể sụp đổ”? Thứ gì có thể quật đổ nó? Và thứ gì sẽ thay thế nó?

Thứ có thể giết chết Facebook có lẽ là chính nó, hay chính xác hơn là tính năng Facebook Connect. Tính năng này cho phép người sử dụng có thể đăng nhập vào các trang web khác đang liên kết với Facebook. Đó là một ý tưởng hay nhưng cũng có nghĩa là mọi người sẽ càng có ít lý do để ghé thăm Facebook hơn. Và khi tôi không vào Facebook, tôi sẽ không nhìn thấy quảng cáo của họ.

Tất nhiên, Facebook sẽ lập luận rằng đó không phải là vấn đề bởi giá trị thực của nó nằm ở dữ liệu xã hội mà họ vẫn có thể thu thập được về tôi và bạn bè tôi. Facebook đang đánh bạc với chính tấm bản đồ xã hội của họ để kiểm soát chúng ta. Vấn đề là họ không thể làm vậy.

Các công ty điện thoại và các nhà cung cấp dịch vụ email cũng có những suy nghĩ tương tự về dữ liệu, và họ thậm chí còn có nhiều dữ liệu hơn. Giờ thì điện thoại và web đã thực sự bắt đầu hợp nhất để tạo ra giá trị lớn hơn.

Điều đó có nghĩa là một ai đó, ở một nơi nào đó, ngay lúc này đang tạo ra một Facebook mới? Rất có thể. Nhưng bất cứ thứ gì xuất hiện kế tiếp cũng sẽ được tạo ra bởi những người không ý thức được mình đang tạo ra thứ gì. Facebook chưa bao giờ được xây dựng với ý tưởng sẽ là một MySpace tốt hơn.

Theo Quý Đoàn (Dân Trí / Telegraph)

Đọc thêm