Facebook hạ bệ MySpace như thế nào?

Facebook hạ bệ MySpace như thế nào? ảnh 1

Ảnh minh họa

Trong 6 năm qua, Facebook đã đi lên từ một hãng mới thành lập trở thành một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Trong năm nay, ước tính doanh thu Facebook giao động từ 1,2 tỷ đến 2 tỷ USD. Không những thế, Jim Friedland, một nhà phân tích của Cowan & Co, dự đoán giá trị của Facebook năm 2010 là 1,75 tỷ USD và sang năm 2011 sẽ là 3,2 tỷ USD.

Ấn tượng hơn, số tiền khổng lồ đó chủ yếu đến từ các quảng cáo được bán trên nền tảng xã hội. Chỉ cách đây 1, 2 năm, ý tưởng quảng cáo trên mạng xã hội dường như là ý tưởng kỳ quặc. Lúc đó, MySpace thu hút người dùng mà vẫn chưa có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng nào. Facebook cũng chỉ là một website và chưa bao giờ là đối thủ của Google.

Ngày nay, Facebook không chỉ 'đá đít' MySpace, mà còn vượt mặt các ngôi sao Internet khác. Mới đây, Facebook công bố một nền tảng truyền thông bao gồm chat, IM và email – một bước tiến nhắm thẳng vào Google. Ngoài ra, để “trả đũa” chính sách chia sẻ tài khoản của Google, Facebook đã chọn chia sẻ với MySpace.

Trở lại câu chuyện MySpace thất bại, và vì sao Facebook đi sau nhưng lại thành công. Năm 2008, MySpace đạt doanh thu đỉnh điểm 800 triệu USD, cũng năm đó, Facebook vượt qua MySpace về số thành viên. Hiện nay, Facebook có hơn 500 triệu thành viên.

Bài học thiết kế giao diện website

Có 2 lý do dẫn đến thành công của Facebook và thất bại của MySpace. Thứ nhất, Facebook đã học từ chính những sai lầm của MySpace. Ra đời trước Facebook chỉ mấy tháng, MySpace nhanh chóng thành công với thương hiệu của một website tương tác mạnh mẽ với người hâm mộ. Gần đây, MySpace tập trung biến website của họ thành một mạng xã hội âm nhạc, nhưng trong năm 2004, công ty đã chọn một định hướng khác: hãng quyết định biến trang của họ thành bất cứ gì mà người dùng muốn.

Nói cách khác, vào thời điểm năm 2004, MySpace, cũng như những người khác, không hề biết điều gì sẽ thu hút mạng xã hội. Vì thế, họ để cho các thành viên tự khám phá, cho phép tự thiết kế trang riêng với các bài hát, widget, video và bất cứ gì họ thích. Kết quả là một mớ hỗn độn, lòe loẹt các trang riêng ra đời trên MySpace.

Facebook hạ bệ MySpace như thế nào? ảnh 2

Trong khi đó, Facebook lại lựa chọn một giao diện gọn gàng hơn, tựa từa như Google và nhận được sự ủng hộ của lượng khán giả rộng lớn. Thiết kế của Facebook chủ yếu là màu xanh và trắng, công ty cũng tách các tính năng ra thành từng mảng: email, IM, và các cập nhật khác nhau của các thành viên. Với nền tảng không tô điểm, trực giác, phản ánh thực chất cách mọi người giao tiếp với nhau trên mạng, Facebook đã đi trái ngược hẳn với điểm đến “bất cứ gì” của MySpace.

Bài học thiết kế banner quảng cáo

Vì thế trong khi MySpace thu hút được một số người ưa thích mạng xã hội ban đầu, Facebook lại thu hút được phần lớn khán giả sau này mới biết đến mạng xã hội. Trong năm 2006, đỉnh điểm mỗi tháng MySpace có hơn 100 triệu người dùng nhưng hiện nay chỉ khoảng 70 triệu.

MySpace có thể vẫn thành công nếu họ biết cách kiếm tiền từ lượng thành viên nhỏ hơn này. Nhưng công ty lại chưa bao giờ biết tận dụng số tiền 580 triệu USD mà tập đoàn truyền thông News Corp trả cho hãng vào năm 2006. Điều đó cũng khiến giấc mơ đặt chân vào thế giới web của Rupert Murduch “phá sản”.

Tận dụng lượng dữ liệu cá nhân mà các thành viên của MySpace chia sẻ tự do trên trang – mọi thứ từ nơi ở đến các bộ phim yêu thích – hãng đã tạo lập một cơ sở dữ liệu quý giá cho các nhà quảng cáo. Song vấn đề lại rất ít người click vào những quảng cáo treo trên MySpace. Tỷ lệ click chỉ đạt 4/10.000, tức là bằng 1/5 tỷ lệ click trên các website khác. Thậm chí, quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm còn thu hút hơn – đó là những quảng cáo mục tiêu, nhắm thẳng đến những người cần thông tin. Nhưng thông tin duy nhất mọi người quan tâm trên MySpace lại là bạn bè của họ làm gì. Vì thế, MySpace đã tung ra các banner quảng cáo trên khắp các trang, biến những trang cá nhân được thiết kế nghèo nàn, lòe loẹt trở nên không thể chịu nổi.

Ở điểm này, Facebook cũng đã học từ sai lầm của MySpace. Người dùng Facebook rất chào đón những quảng cáo đơn giản hiện bên cột phải của trang Facebook. Không như các banner quảng cáo lớn và nhấp nháy trên MySpace và hầu hết các trang khác, Facebook chỉ có 4 mẩu quảng cáo bên cột phải, và là những hình ảnh cỡ nhỏ kế tiếp nhau. Không những thế, người dùng còn có thể thông báo cho Facebook về những quảng cáo mà họ nhận thấy chướng mắt hoặc trùng lặp.

Quan trọng hơn, Facebook biết chờ đợi, chứ không vội vã với các kế hoạch kinh doanh. Hãng đã học được bài học từ vụ Beacon – một kế hoạch hồi năm 2007, trong đó Facebook đã tự do chia sẻ mọi hoạt động trên web của các thành viên mà không được sự đồng ý của họ. Facebook cũng không chỉ thu thập dữ liệu người dùng để phục vụ cho các quảng cáo mục tiêu, mà còn nghiên cứu cách mọi người tương tác với các bạn bè thế nào, cách các công ty thiết kế quảng cáo ra sao để tương tác với người dùng, và cách các chiến dịch quảng cáo lan tỏa trong cộng đồng thế nào.

Tất nhiên, thu hút mọi người click vào các quảng cáo không hề dễ dàng trên mạng xã hội. Facebook đã phải thiết kế lại trang nhiều lần, để dần dần thay đổi hành vi người dùng, cho đến khi họ đồng ý và bắt đầu đối xử với các nhà quảng cáo như với những người bạn. Nhìn lại quãng đường đã qua, những sáng tạo này của Facebook dường như chỉ là những thay đổi rất nhỏ, nhưng ảnh hưởng của chúng lại rất lớn đối với doanh thu của Facebook.

Theo Bảo Bình (ICTnews / Fortune)

Đọc thêm