Email mất ngôi “vua”

Những kẻ soán ngôi

Giống như cách email đã làm một thập kỷ trước đây, sự xuất hiện của thế hệ dịch vụ truyền thông mới như Twitter và Facebook đang hứa hẹn viết lại cách chúng ta giao tiếp. Tất nhiên, chúng ta vẫn sẽ dùng email. Nhưng email phù hợp hơn với cách dùng Internet thời kỳ đầu, thỉnh thoảng đăng nhập mạng và kiểm tra email mới. Hiện nay, chúng ta luôn kết nối Internet kể cả khi ở văn phòng hay lúc di động. Môi trường kết nối liên tục đã tạo ra những cách giao tiếp mới nhanh hơn email và thú vị hơn.

Tại sao phải đợi phản hồi qua email khi bạn có thể nhận câu trả lời nhanh hơn qua chat? Nhờ có Facebook, một số câu hỏi có thể được trả lời mà không cần hỏi. Bạn không cần hỏi bạn bè rằng cô ta hay anh ta có ở văn phòng không khi mà họ đã nói với cả thế giới về điều đó trên “status” (ô nhập thông tin cập nhật).

Email cùng với thế mạnh đính kèm file dường như quá nhàm chán so với các dịch vụ như Google Wave (hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm) cho phép người dùng chia sẻ ảnh bằng cách kéo thả chúng lên màn hình nền của trang web và trực tiếp nhập lời bình cho ảnh trong thời gian thực.

“Hậu sinh khả úy”

Thực tế, email vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng các loại hình dịch vụ truyền thông khác đang tăng nhanh hơn nhiều. Trong tháng 8/2009, có 276,9 triệu người sử dụng email ở Mỹ, châu Âu, Úc và Brazil (theo số liệu của công ty Nielsen Co), tăng 21% so với con số 229,2 triệu trong tháng 8/2008. Nhưng số người dùng mạng xã hội và những trang web cộng đồng khác ở những nước này đã tăng 31% lên 301,5 triệu người.

Trước đây, chúng ta phàn nàn phải chờ vài ngày để nhận một bức thư hoặc vài phút để nhận một email. Ngày nay, chúng ta chỉ mất vài giây để gửi thông điệp tin nhắn. Sự xuất hiện của các dịch vụ truyền thông mới khiến cho việc giao tiếp thường xuyên hơn và đơn giản hơn như dịch vụ blog hay chat. Chẳng cần dành thời gian viết bức email dài gửi tới bạn thân về kỳ nghỉ của mình trong khi bạn có thể gửi hàng chục tin nhắn tức thì tới hàng trăm người bạn quen biết.

Ví dụ như Twitter, dịch vụ cho phép người dùng gửi tin nhắn dưới 140 ký tự tới những người đăng ký xem chúng, gọi là người theo dõi (follower). Do đó thay vì gửi email tới bạn bè thông báo bạn có việc làm mới, bạn chỉ cần gõ thông tin đó lên Twitter để gửi tới những người muốn biết. Facebook cũng tương tự. Mạng xã hội này cho phép người dùng đăng thông tin cập nhật và những thông tin đó ngay lập tức được hiển thị trên tài khoản những người bạn của họ trên Facebook. Hàng loạt công ty khác từ AOL, Yahoo đến những doanh nghiệp mới lập như Yammer cũng đang xây dựng những sản phẩm theo hướng tương tự.

Sự dễ dàng và tốc độ nhanh của các dịch vụ truyền thông mới cũng có một số mặt trái. Khi mà ai cũng có thể dễ dàng gửi đi những thông tin từ bữa sáng đến các câu hỏi về kế hoạch chơi tối lên mạng thì việc xác định đâu là thông điệp quan trọng, đáng phản hồi sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với email.

Tuy nhiên, những phiền toái đó đã dần được các nhà cung cấp dịch vụ khắc phục bằng công nghệ. Ví dụ trên Facebook, bạn có thể chọn xem thông tin cập nhật của ai bạn muốn. Người dùng Twitter có thể sử dụng tính năng gắn thẻ tin nhắn theo chủ đề để những người theo dõi tiện lọc thông tin.

Với thế mạnh tốc độ tức thời, sự đơn giản và khả năng chia sẻ rộng mở cùng với sự phát triển mạnh mẽ của môi trường kết nối liên tục, các dịch vụ truyền thông mới đang chiếm vị trí thống trị trong thế giới truyền thông của email. Ở những môi trường mà sự kết nối liên tục được đảm bảo, có thể nói email đã mất đi vị trí thống trị.

Theo Duy An (ICTnews /WSJ)

Đọc thêm