Dùng điện thoại nối dài có thể bị phạt 70 triệu đồng

“Tội đồ” gây nhiễu sóng di động

Từ tháng 5/2010 trở lại đây, trên địa bàn các tỉnh, thành từ miền trung đổ vào phía nam, tính từ Thừa Thiên-Huế đến Kiên Giang, cơ quan quản lý nhà nước đã liên tiếp nhận được thông tin về các vụ can nhiễu mạng di động 3G. Nhiều thuê bao di động ở khu vực này thường xuyên gặp phải tình trạng rớt mạng, chất lượng cuộc gọi không tốt và có thể không kết nối được Internet nếu ở trong vùng nhiễu sóng.

Dùng điện thoại nối dài có thể bị phạt 70 triệu đồng ảnh 1

Sử dụng điện thoại kéo dài không đúng quy định là vi phạm pháp luật. Ảnh: (minh hoạ)
Tình trạng này đã khiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ 3G của Việt Nam bị mang tiếng oan về chất lượng. Thế nhưng, sau khi kiểm tra, Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin truyền thông đã phát hiện, lý do của sự can nhiễu này là do một loại điện thoại không dây từ nước ngoài đang được đưa về sử dụng ngày càng nhiều. Vấn đề ở chỗ, những dòng điện thoại kéo dài này không phù hợp quy hoạch tần số của Việt Nam.

Bằng các thủ thuật chuyên môn của mình, các chuyên gia tần số đã phát hiện ra, nguồn nhiễu được phát hiện từ chính chiếc máy điện thoại kéo dài thuê bao, thường được gọi là điện thoại không dây hay điện thoại mẹ con.

Lợi mình, hại người!

Cứ nghĩ tương tự như các loại điện thoại cố định thông thường, thậm chí còn tiện dụng hơn bởi đi cách xa hàng vài ba km vẫn có thể liên lạc, nhiều người hiện đang sử dụng máy điện thoại kéo dài không được phép lưu hành. Vô tình, họ đã vi phạm pháp luật mà không hay…

Bản thân những người dùng không biết họ đang tạo nên tình trạng nhiều cuộc gọi di động bị can nhiễu, thậm chí là rớt mạng. Càng nghiêm trọng hơn khi người sử dụng không biết rằng, chiếc điện thoại mình sử dụng không được phép lưu hành.

Điện thoại kéo dài vốn được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh các loại máy hợp chuẩn được phép lưu thông trên thị trường, nếu người dân sử dụng các loại máy sản xuất theo tiêu chuẩn không dây kỹ thuật số châu Âu, điện thoại này có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số của Việt Nan, trùng với tần số đã được quy hoạch cho mạng 3G nên gây ra tình trạng can nhiễu.

Theo đại diện Cục tần số, các thiết bị đang gây can nhiễu sóng di động ở các tỉnh, thành hiện nay thuộc loại DECT 6.0 của Mỹ-Canada với dải tần số là 1920-1930MHz. Đây chính là dải băng tần 1920-1930 MHz trùng với tần số đã được cấp cho mạng di động MobiFone.

Qua thanh tra cũng đã phát hiện có tới hơn 100 điện thoại không dây kéo dài thuê bao có giải tần 1920-1930MHz gây can nhiễu.Ngoài tần số 1920-1930MHz của Mỹ - Canada, còn có 2 loại tần số không được phép sử dụng ở Việt Nam là 1910-1930MHz của Mỹ Lantin và 1900-1920MHz của Trung Quốc.

Sẽ xử lý nghiêm

Trước tình trạng này, Cục Tần số vô tuyến điện đã có công văn gửi sang Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường yêu cầu cùng phối hợp tăng cường kiểm soát chặt các loại máy kéo dài không được hợp chuẩn, tránh tình trạng bày bán tràn lan trên thị trường. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân cũng được đặt lên hàng đầu.

Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã có chỉ thị cấm sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng điện thoại cố định kéo dài có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số của Việt Nam gây can nhiễu cho mạng 3G. Các tổ chức cá nhân không được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông và sử dụng điện thoại cố định kéo dài có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số của Việt Nam.

Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở TT&TT, Chi cục Quản lý Thị trường và các cơ quan có liên quan tăng cường quản lý việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông và sử dụng điện thoại cố định không dây trên địa bàn.

Bên cạnh việc siết chặt quản lý, các địa phương phải tổ chức tuyên truyền cho người dân các quy định về tần số vô tuyến điện và khuyến cáo người dân không mua bán, sử dụng điện thoại cố định kéo dài không phù hợp với quy hoạch tần số. Các tỉnh/thành phố phối hợp với các Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực để giải quyết can nhiễu đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

Sự vô tình hay hữu ý sử dụng các dòng máy kéo dài này sẽ bị xử lý nghiêm. Bởi theo Nghị định 142/2004/NĐ-CP, hành vi sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép hoặc không đúng quy định trong giấy phép hoặc không đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây nhiễu có hại đối với mạng viễn thông di động công cộng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Đặc biệt, hành vi sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện cố ý gây can nhiễu làm cản trở đến hoạt động thông tin của các mạng và hệ thống thông tin vô tuyến điện khác của cá nhân, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Vì vậy, trước khi lựa chọn chiếc điện thoại kéo dài cho mình, người dùng cần phải có sự cân nhắc, tìm hiểu kỹ để không bị thiệt mình, hại người...
Theo Hiền Mai (VnMedia / VNN)

Đọc thêm