Dùng di động trả trước lợi hơn trả sau

Dùng di động trả trước lợi hơn trả sau ảnh 1

Cơn mưa khuyến mãi của nhà mạng dành cho thuê bao trả trước cho thấy sự thiệt thòi lớn của các thuê bao trả sau. Ảnh: Thanh Hải

Thuê bao trả sau “dính” cước đắt nhất

Theo phân tích của các chuyên gia, thuê bao trả trước là những đối tượng dễ “nhảy mạng” nhất còn thuê bao trả sau là đối tượng khách hàng chung thuỷ “ăn đời ở kiếp” với nhà mạng. Thị trường di động đang cạnh tranh rất mạnh nhưng nhà mạng lại chủ yếu tập trung lôi kéo các thuê bao mới hơn là chăm sóc khách hàng trung thành. Những chính sách giữa thuê bao trả trước và thuê bao trả sau không thể không khiến thuê bao trả sau ngậm ngùi bởi nhà mạng “quên” quyền lợi của họ.

Tính đến thời điểm này, mức cước bình quân của thuê bao trả trước khoảng 1.300 đồng/phút và thuê bao trả sau khoảng 1.000 đồng/phút. Nhìn như vậy thì có vẻ thuê bao trả sau đang có ưu thế về giá nhưng phân tích kỹ thì hoá ra thuê bao trả sau đang là đối tượng phải chịu mức cước đắt nhất. Hiện trung bình mỗi thuê bao di động của Việt Nam gọi khoảng 100 phút mỗi tháng. Như vậy, một thuê bao trả sau sẽ phải chi trả bình quân khoảng 100.000 đồng/tháng. Thế nhưng, thuê bao trả sau sẽ phải chịu thêm cước thuê bao khoảng 40.000 đồng/tháng. Cộng số tiền này thì các thuê bao trả sau đang phải trả mức cước là 1.400 đồng/phút. Nếu nhìn vào sự so sánh này có thể thấy mức cước của thuê bao trả sau và thuê bao trả trước không chênh nhau nhiều.

Thế nhưng, nếu tính cả các “cơn mưa khuyến mãi” của nhà mạng dành cho thuê bao trả trước thì sẽ thấy sự thiệt thòi lớn của các thuê bao trả sau. Liên tiếp trong thời gian dài, người sử dụng đã chuyển sang mua SIM thay thẻ cào bởi chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng mua SIM là có tới trên 160.000 đồng trong tài khoản. Hết tiền trong SIM này, thuê bao trả trước lại quẳng đi để mua SIM khác. Như vậy, bản chất mức cước khoảng 1300 đồng/phút của thuê bao trả trước ít nhất đã được giảm khoảng 3 lần. Nếu trong trường hợp các thuê bao này không vứt SIM đi, họ sẽ lại được nhận những cơn mưa khuyến mãi cho thẻ nạp, thậm chí SIM bị khoá hai chiều nạp thẻ được hưởng khuyến mãi cao hơn. Các cơn mưa khuyến mãi này đang hình thành tâm lý của khách hàng là chuyển từ việc mua SIM thay thẻ cào, sang chờ nhà mạng tung ra chương trình khuyến mãi để nạp thẻ.

Mới đây, Frost&Sullivan đã đưa ra con số thống kê rằng, cước di động của Việt Nam đang ở mức khoảng 4 cents/phút (khoảng dưới 800 đồng) vì các chương trình khuyến mãi liên tiếp được tung ra. Các mạng di động của Việt Nam cũng đã xác nhận con số này là tương đối chính xác, thậm chí mức cước đang ở mức dưới 4 cents/phút. Trong khi đó các thuê bao trả sau hầu như không có khuyến mãi và đang phải trả mức cước khoảng 7 cents/phút. Những phân tích trên cho thấy, các thuê bao trả sau đang phải chịu mức cước đắt nhất do chính sách của nhà mạng đang tập trung “câu” thuê bao trả trước.

Thuê bao trả sau bị “quên” quyền lợi

Công bằng mà nói, nhà mạng cũng có những chương trình khuyến mãi và chăm sóc thuê bao trả sau, nhưng nếu so với các thuê bao trả trước thì thuê bao trả sau ở tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Ngoài các lời chúc mừng và có thể là quà tặng nhân dịp sinh nhật, thỉnh thoảng các thuê bao trả cũng được các chương trình khuyến mãi kiểu đánh đố của một vài nhà mạng. Thông thường, mỗi cuộc gọi của khách hàng kéo dài từ 1- 2 phút, nhưng chương trình khuyến mãi cho thuê bao trả sau là từ phút thứ 4 đến phút thứ 6 cho cuộc gọi nội mạng. Các chương trình khuyến mãi cho thuê bao trả sau như vậy giống như “bẫy” khách hàng nhiều hơn là tăng quyền lợi cho họ.

Trong các mạng di động, MobiFone được đánh giá chăm sóc thuê bao trả sau tốt nhất. Viettel trong năm 2009 được coi là mạng di động tung ra nhiều chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết và thuê bao trả sau. So với các mạng di động, việc chăm sóc thuê bao trả sau của VinaPhone có nhiều “trục trặc” nhất bởi mạng này đang sở hữu một mô hình quản lý “không giống ai”: Nhà mạng chăm sóc thuê bao trả trước, còn viễn thông tỉnh chăm sóc thuê bao trả sau. Việc chăm sóc khách hàng của mạng này giống như kiểu “xôi đỗ” mạnh ai nấy làm.

Hệ quả của việc nhà mạng “quên” thuê bao trả sau là số lượng thuê bao trả sau hiện đang rất thấp, chiếm chưa tới 10% số tổng thuê bao. Trong buổi họp mới đây với tất cả các mạng di động tại Bộ TT&TT, ông Hồ Xuân Phán, Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho biết, ông sử dụng 2 SIM điện thoại, một để nghe và một để gọi. SIM để nghe là thuê bao trả sau do tiền cơ quan trả tiền còn ông sử dụng SIM khuyến mãi để gọi. “Tôi không hề muốn sử dụng di động kiểu “hai tay hai súng”. Nhưng chính sách hiện nay của nhà mạng vô hình trung đã tạo nên xu hướng tiêu dùng như vậy”, ông Phán nói. Giới truyền thông thì cho rằng, sở dĩ có việc phân biệt đối xử giữa thuê bao trả trước và thuê bao trả sau có lẽ do nhà mạng đang quan niệm “thuê bao trả sau như cá đã vào ao không ra được, còn thuê bao trả trước như cá đang lượn ở ngoài nên tập trung câu kéo”.

Hiện mức giá cước cho thuê bao trả trước không còn ở con số khoảng 1300 đồng/phút nữa mà nó đã giảm rất nhiều sau các “cơn mưa khuyến mãi”.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm