Đưa CNTT là mũi nhọn kinh tế ở vùng đất “9 rồng”

Đưa CNTT là mũi nhọn kinh tế ở vùng đất “9 rồng” ảnh 1

Tỷ lệ điện thoại tại vùng ĐBSCL còn thấp so với cả nước.

Tại hội nghị này, nhiều ý kiến góp ý cho rằng với mặt bằng CNTT-TT thấp hơn mức trung bình cả nước, việc đưa CNTT-TT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở vùng đất "9 rồng" này là bài toán nan giải, đặc biệt là vấn đề đào tạo nhân lực.

Dưới mức trung bình cả nước

Là vùng KTTĐ, theo quy hoạch của Chính phủ phải là vùng phát triển chủ đạo về mọi mặt và là đầu tàu để thúc đẩy phát triển của cả vùng, tuy nhiên có thể nói CNTT-TT ở vùng KTTĐ ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tầm vóc của nó. Trong 4 tỉnh được quy hoạch của vùng là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau thì chỉ có Cần Thơ là phát triển, còn lại hầu hết các chỉ tiêu về CNTT của vùng đều thấp hơn trung bình cả nước.

Cụ thể về dịch vụ viễn thông và Internet, tất cả các chỉ tiêu phát triển đều thấp hơn trung bình cả nước, thậm chí là so với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Điển hình như tỷ lệ thuê bao ADSL/100 dân ở vùng này chỉ là 2,33 trong khi trung bình cả nước là 3,78, tỷ lệ đó nếu so sánh với vùng KTTĐ Bắc Bộ và phía Nam thì còn kém tới 3 lần. Tỷ lệ gia đình có điện thoại cố định chỉ chiếm 26,1%, trong khi cả nước là 42,1%, mật độ thuê bao di động/100 dân cũng chỉ là 109,74 trong khi cả nước là 156,88…

Ở lĩnh vực công nghiệp CNTT thì lĩnh vực phần cứng máy tính và điện tử, công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT hầu như không có gì và phát triển không đồng đều. Tổng doanh thu toàn vùng là 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ riêng Cần Thơ đã chiếm 945 tỷ đồng. Trong vùng có hơn 50 DN lắp ráp phần cứng và điện tử nhưng đều ở quy mô nhỏ và theo phương thức thủ công, tập trung chủ yếu tại Cần Thơ. Số DN phần mềm là 35 nhưng có quy mô nhỏ, vốn đầu tư hạn chế, trình độ công nghệ, quản lý ở mức thấp và Cần Thơ vẫn là nơi tập trung chính khi chiếm 32 DN trong tổng số trên.

Về nguồn nhân lực của vùng thì có khoảng 6.200 lao động làm việc ở tất cả các lĩnh vực nhưng đa số tay nghề yếu. Đặc biệt, nguồn nhân lực trình độ cao hầu như không có, thêm vào đó do chưa phát triển nên vùng bị chảy máu chất xám khi hầu hết các nhân lực trình độ cao bị hút về vùng kinh tế phía Nam. Một điều đáng buồn nữa là hiện trạng ứng dụng CNTT xếp hạng theo ICT Index ở các tỉnh đều thấp và có xu hướng tụt hạng so với cả nước. Nếu năm 2006, Cần Thơ là tỉnh có vị trí cao nhất của vùng khi đứng thứ 4 cả nước và Cà Mau thấp nhất vùng đứng ở vị trí 41, thì đến năm 2010 Cần Thơ đã xuống vị trí 20 và Cà Mau đứng thứ 61. Một sự tụt hạng đáng báo động.

Đưa CNTT là mũi nhọn kinh tế ở vùng đất “9 rồng” ảnh 2

Quy hoạch phát triển: Bài toán con người

Với việc Bộ TT&TT đưa ra quy hoạch phát triển CNTT-TT vùng KTTĐ ĐBSCL đến năm 2020, có thể nói toàn vùng đang chờ đợi để có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để thực hiện điều đó, theo các đại biểu dự hội nghị là bài toán không dễ, nhất là về vấn đề con người. Ông Trần Hữu Thiện, Phó văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, bản quy hoạch đưa ra việc tạo điều kiện ưu tiên để Đại học Cần Thơ và An Giang đào tạo nguồn nhân lực cho vùng. Tuy nhiên, Bộ phải có chính sách thế nào, không nên để địa phương “tự bơi”. Khi đào tạo ra thì việc quy hoạch đội ngũ như thế nào là vấn đề nan giải, dự thảo đặt ra việc phát triển cán bộ CNTT đến cấp xã nhưng hiện nay các tỉnh còn chưa có cán bộ tới cấp TP, huyện cho nên cần xem lại quy định này.

Ông Đỗ Chiêu Quí, Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang cũng đặt ra vấn đề mặt bằng dân trí là một khó khăn để phát triển CNTT-TT tại ĐBSCL. Điển hình khi ông thử đưa máy tính về đến ấp cho trưởng ấp dùng thì cứ 2 tuần máy hư 1 lần, nguyên nhân chính là kiến thức tin học không có. Chính vì thế để phát triển CNTT- TT nên có chính sách đầu tư vào giáo dục để đào tạo ra một thế hệ mới am hiểu về CNTT thì mới phát triển được.

Ông Võ Quốc Việt, GĐ Sở TT&TT Cà Mau cũng trăn trở khi lực lượng lao động trình độ cao bỏ ngành ra đi. Tại Cà Mau, Sở đã mất 6 nhân lực trình độ cao. Có người đi học nước ngoài sẵn sàng đền bù chi phí để bỏ ra làm ngoài, Sở cũng đành chịu vì hoàn toàn không có chính sách nào để giữ họ lại. Đây cũng là vấn đề chung cho cả vùng, nếu không giải quyết được thì việc thực hiện mục tiêu đưa ra sẽ vô cùng khó.

Tính tỷ lệ ra thì số trường ĐH, CĐ, đào tạo nghề các cấp về CNTT-TT trong vùng thấp so với khu vực khác, chất lượng chưa đảm bảo. Nguồn nhân lực được đào tạo tại đây lại đi làm cho khu vực khác vì vùng chưa có chính sách để thu hút. Trong thời gian tới, theo dự thảo Bộ TT&TT sẽ tiến hành các giải pháp như tăng cường chất lượng cho ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang; phối hợp với các tỉnh và khu vực thành lập ra các trường chuyên CNTT-TT hoặc là có thêm các khoa CNTT-TT ở các cấp; Bộ phối hợp với các tỉnh bồi dưỡng đào tạo cho số đông cán bộ làm công tác TT&TT để đào tạo lại cho đơn vị mình. 

Theo Lê Mỹ (ICTnews)

Đọc thêm