Doanh nghiệp tự cứu mình là chính

Sơ sài và bất hợp lý

Luật SHTT đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, quy định bảo hộ chương trình máy tính như tác phẩm viết. Cụ thể, theo Luật SHTT, tác giả của chương trình máy tính (phần mềm) là các cá nhân trực tiếp tham gia xây dựng chương trình. Các tác giả có tất cả các quyền nhân thân như tác giả các tác phẩm văn học nghệ thuật khác - ví dụ như quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm – được bảo hộ trong 50 năm sau khi tác giả cuối cùng chết.

Luật Sở hữu trí tuệ không cho phép đăng ký tác giả là một pháp nhân – đây chính là mấu chốt của mọi rắc rối trong thực tế ngành phần mềm hiện nay.

Ngay sau khi Luật SHTT có hiệu lực, trong ngành phần mềm đã lưu truyền ví von một cô thư ký không thể đòi bản quyền đối với những văn kiện của các nhà lãnh đạo, nhưng những lập trình viên được thuê soạn thảo phần mềm ứng dụng thì lại có quyền sở hữu đối với phần mềm đó.

Chính vì vậy, đã có rất nhiều ý kiến trong giới CNTT và luật sư phản ánh những bất hợp lý của luật này với việc bảo hộ bản quyền phần mềm.

Theo ông Lữ Thành Long, Tổng giám đốc Công ty phần mềm MISA, quy định pháp nhân không thể là tác giả của phần mềm có thể nảy sinh các vấn đề: Nếu giám đốc công ty đứng tên tác giả sẽ đối đầu với việc một trong các lập trình viên hoặc những người tham gia dự án phần mềm sẽ kiện vì họ trực tiếp tham gia vào công việc viết hoặc sáng tạo ra phần mềm nên hiển nhiên được pháp luật thừa nhận là tác giả.

Nếu theo quy định quyền đứng tên, đưa tên tất các các lập trình viên tham gia dự án vào danh sách tác giả thì có thể sẽ có phần mềm có tới hàng nghìn người. Ghi tên tất cả những người này vào tờ đăng ký bản quyền và giấy chứng nhận bản quyền được cho là thiếu thực tế.

Đặc biệt với quy định về quyền nhân thân tác giả, công ty là chủ sở hữu tác phẩm phần mềm muốn phát triển, sửa đổi, công bố ngừng hay hủy bỏ dự án phần mềm phải được sự đồng ý của tất cả các tác giả (lập trình viên tham gia dự án phần mềm). Điều này tương đồng với việc mỗi khi công ty muốn nâng cấp phần mềm đều phải hỏi ý kiến của các lập trình viên (kể cả lập trình viên này không còn làm việc tại công ty nữa) và nếu một trong số họ không đồng ý thì dự án nâng cấp coi như phải ngừng.

Tuy nhiên, những bất cập về bảo hộ phần mềm trong Luật Sở hữu trí tuệ nêu trên vẫn tiếp tục tồn tại đến nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp và việc bảo vệ bản quyền phần mềm nói chung.

Chính vì những bất hợp lý trên, ông Long cho biết mặc dù đã có luật về bản quyền nhưng MISA vẫn phải tự cứu lấy mình bằng cách soạn thảo một thỏa thuận về quyền tác giả và quyền sở hữu đối với phần mềm giữa công ty và những người tham gia phát triển phần mềm (bao gồm luôn cả các nhân viên chỉ tham gia viết tài liệu hoặc chỉ liên quan vô cùng ít đến dự án phần mềm). Thỏa thuận này nêu rõ quyền tác giả và quyền sở hữu phần mềm thuộc công ty trong đó có một cá nhân sở hữu công ty đứng ra làm đại diện. Bên cạnh đó, MISA tiến hành đăng ký bản quyền các phần mềm và tài liệu liên quan.

Tranh chấp: chỉ có một sự lựa chọn là hòa giải

Cũng chính vì những bất hợp lý của việc coi lập trình viên là tác giả phần mềm, nên ngay sau khi Luật SHTT có hiệu lực, đã có một số tranh chấp liên quan đến bản quyền phần mềm. Đầu tiên là vụ kiện tụng giữa Công ty Định Gia (DigiNet) và Công ty P.C.I ở TP.HCM, tiếp đến là vụ kiện giữa Công ty Hà Nội Software và Công ty Thương mại Số ở Hà Nội. Hai vụ kiện này đều liên quan đến việc nhân viên phát triển phần mềm chuyển sang làm việc công ty khác, sử dụng phần mềm của công ty cũ để kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng luật Thành và Công (Hà Nội) cho rằng số vụ kiện liên quan đến bản quyền phần mềm ở Việt Nam sẽ còn nhiều hơn nếu như việc xác định vi phạm không khó khăn như hiện nay. Theo ông Thành, để xử lý các tranh chấp về bản quyền, cần có chuyên gia hoặc hội đồng để so sánh mã nguồn và các dòng lệnh của phần mềm. Nhưng không như sở hữu công nghiệp đã có cơ quan giám định, bản quyền phần mềm chưa có hội đồng giám định. Vì vậy, hầu hết các vụ kiện về bản quyền phần mềm, kể cả hai vụ kiện trên, ra tòa án đều đi đến giải pháp cuối cùng là hòa giải.

Điều này theo ông Thành “làm giảm niềm tin của doanh nghiệp vào pháp luật trong việc xử lý những vi phạm về bản quyền phần mềm”.

Kinh nghiệm quốc tế: không tự ‘trói’ mình bằng luật

Theo luật sư Nguyễn Hoàn Thành, hầu hết các nước trên thế giới hiện nay bảo hộ bản quyền phần mềm như tác phẩm viết theo công ước Berne tương tự như Việt Nam. Nhưng các nước có quy định riêng rõ ràng với việc bảo hộ bản quyền phần mềm, đặc biệt là với vấn đề tác giả phần mềm, còn luật Việt Nam rất sơ sài và thiếu các quy định chi tiết.

Ví dụ như Trung Quốc, luật bản quyền cho phép định nghĩa tác giả có thể là cá nhân hoặc pháp nhân nên hoàn toàn tránh được các bất cập nói trên mà vẫn tuân thủ công ước Berne. Luật Mỹ cũng quy định rõ tác phẩm làm thuê hoặc làm theo nhiệm vụ được giao thuộc sở hữu công ty, không phải bản thân cá nhân tham gia phát triển như Việt Nam. Còn các nước châu Âu (EU) không cho phép tác giả là một pháp nhân như Việt Nam nhưng họ có quy định rõ về quyền của pháp nhân sở hữu phần mềm không phải là tác giả. Tuy nhiên để bảo đảm quyền lợi, doanh nghiệp vẫn phải có thỏa thuận riêng với các lập trình viên và nhân viên liên quan.

Theo ICTNews

Đọc thêm