Điện thoại vùng nước nổi

Điện thoại vùng nước nổi ảnh 1

Được kê kích kịp thời, thiết bị của trạm BTS đã được đặt ở vị trí an toàn.

Sống cùng với lũ, mọi hoạt động của người dân vẫn diễn ra bình thường, dù nhà nhà mấp mé mực nước lên. Lũ trẻ con thậm chí còn hớn hở khi ngày ngày được ngồi trên sàn nhà mà thò chân vẫy vùng hay tắm mình trong làn nước lũ. Bếp lửa vẫn nghi ngút khói ngay trên sàn nhà. Trên các tuyến lộ, xe cộ vẫn qua lại tấp nập. Cuộc sống cứ thế trôi và điện thoại lại càng trở nên hữu dụng hơn và vẫn luôn là phương tiện liên lạc chính.

Là một huyện đầu nguồn sông Cửu Long nên năm nào Châu Phú (An Giang) cũng phải đối mặt với mưa lũ. Theo ông Bùi Hữu Hiệp, Trưởng VNPT Châu Phú, VNPT An Giang, huyện Châu Phú đang có 13 xã, thị trấn với 30 điểm bán lẻ và khoảng 8.000 thuê bao điện thoại cố định và hơn 2.000 thuê bao Vinaphone trả sau, riêng tại các xã hay bị ngập như Ô Long Vỹ, Đào Hữu Cảnh, mỗi xã cũng có khoảng 200 thuê bao điện thoại di động trả sau. Mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2011, lại đang có đợt khuyến mại nên lượng khách hàng đến điểm giao dịch của VNPT Châu Phú tương đối lớn. Tính trung bình có khoảng 20-30 lượt khách hàng đến tìm hiểu, đăng ký sử dụng dịch vụ và chỉ trong riêng tháng 9 vừa qua, tại điểm giao dịch này đã phát triển được 114 thuê bao Vinaphone trả sau.

Dòng sông Hậu chảy qua địa phận An Giang đã đem đến cho cư dân trong tỉnh nguồn lợi thuỷ sản. Trên mặt sông, người dân tạo dựng thành những làng bè nhỏ, vừa để ở vừa để tiện nuôi cá lồng kiếm sống. Dịch vụ điện thoại cố định cũng được nhiều người dân lựa chọn. Gia đình bác Tân Văn Son ở ấp Vĩnh Chánh 2, xã Vĩnh Ngươn, Thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang đã có nhiều năm trong nghề nuôi cá. Bác cũng đã trở thành khách hàng quen thuộc của VNPT An Giang với trên 10 năm sử dụng dịch vụ điện thoại cố định. Công việc hàng ngày của bác là chăm chút cho đàn cá và nhận đơn hàng qua điện thoại. Với bác, dịch vụ luôn cung cấp chất lượng thoại rõ nét. Mùa mưa cũng như mùa khô, chất lượng dịch vụ vẫn ổn định. Để có thể cung cấp các dịch vụ điện thoại cố định tới các hộ gia đình như gia đình bác Son ở trên, trước đây, VNPT các tỉnh, thành vùng nước nổi phải trồng cột cáp ngay dưới nước để đưa dây tới nhà thuê bao. Nay, việc cung cấp dịch vụ điện thoại trên mặt nước đã thuận lợi hơn nhờ sự ra đời của dịch vụ không dây Gphone.

Cái khác biệt của nhà cung cấp dịch vụ tại vùng nước nổi là mỗi năm sẽ có 4 tháng nước lên, tương ứng với ngần ấy thời gian nhu cầu mua sắm nói chung và đăng ký sử dụng các dịch vụ viễn thông nói riêng sẽ bị suy giảm do người dân phải tập trung lo toan chống lũ. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ lại phải nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong điều kiện thiên tai. Trận lũ lịch sử năm 2000 hiện vẫn còn ghi dấu trong ký ức của nhiều người dân vùng nước nổi. Lũ về sớm, sâu nhất, rộng nhất, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và đời sống kinh tế của bà con. Các hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm và cả thông tin liên lạc cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi mùa lũ đến, VNPT các tỉnh, thành đều phải có phương án phòng chống cụ thể như củng cố, nâng cấp, sửa chữa mạng ngoại vi, đặc biệt là các tuyến cột treo cáp tại các khu vực trọng điểm bão lụt… Cùng với mạng ngoại vi, các trạm BTS cũng là một trong những yếu tố cần phải lưu tâm, bởi chỉ cần lũ về, nước ngập thiết bị trong trạm hay mất điện là toàn bộ thông tin liên lạc trong vùng sẽ bị cô lập. Hiện, cũng giống như nhà dân, căn cứ trên đỉnh lũ năm 2000, các trạm BTS luôn được xây cao, thậm chí có nơi được xây cao tới 2m, để tránh ngập nước. Chính vì vậy, hơn 10 năm qua, kể từ đỉnh lũ năm 2000, mạng lưới viễn thông vẫn được đảm bảo an toàn, thông suốt. Năm 2011, mặc dù lũ về khiến một số trạm BTS tại Thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp bị ngập nhưng nhờ kê kích kịp thời, toàn bộ thiết bị trong trạm đã được đặt ở vị trí an toàn, đảm bảo tốt thông tin liên lạc phục vụ hiệu quả cho việc chỉ huy phòng, chống lụt bão và nhu cầu trao đổi thông tin tại địa phương.

Theo Thuỷ Ly (ICTnews)

Đọc thêm