THỨ TRƯỞNG BỘ TT&TT LÊ NAM THẮNG

"Điện thoại cố định đang và sẽ tiếp tục phát triển'"

Thưa Thứ trưởng, ông có thể đánh giá đôi nét về thị trường điện thoại cố định?

Ông Lê Nam Thắng: Thị trường điện thoại cố định thời gian qua tiếp tục phát triển tốt. Mặc dù tại nhiều nước điện thoại cố định đã bão hòa, doanh thu giảm so với điện thoại di động song ở Việt Nam điện thoại cố định vẫn phát triển dù mức doanh thu không cao bằng điện thoại di động.

Hết năm 2009, Việt Nam có khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại trong đó khoảng 85% là điện thoại di động và 15% là cố định (khoảng 20 triệu thuê bao). Nhưng số 20 triệu này là số thuê bao thực chứ không tồn tại một số thuê bao “ảo” như điện thoại di động. Điện thoại cố định luôn là công cụ liên lạc hữu ích với vùng sâu, vùng xa và nhiều thôn bản hẻo lánh. Cách đây 2 năm, điện thoại cố định đã đến được với tất cả các xã.

"Điện thoại cố định đang và sẽ tiếp tục phát triển'" ảnh 1
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: "Về lâu dài, khái niệm không dây và có dây sẽ dần dần thu hẹp khoảng cách".

Theo đánh giá của dư luận, năm 2009 là năm “chững” lại của điện thoại cố định, vậy có phải do công nghệ di động đang “lấn lướt” không thưa ông?

Ông Lê Nam Thắng: Điện thoại cố định phát triển không phân biệt công nghệ mà quyết định là giá cước và chất lượng. Trước đây, để điện thoại cố định đến được với vùng sâu vùng xa phải chi phí rất đắt đỏ nhưng ngày nay, điện thoại không dây đã mang đến cơ hội tiếp cận phương tiện liên lạc hiện đại cho người dân vùng sâu vùng xa. Điện thoại không dây triển khai rất nhanh.

Để duy trì và thúc đẩy phát triển viễn thông và điện thoại cố định, đưa điện thoại đến với vùng sâu vùng xa, Bộ đã có nhiều giải pháp. Giải pháp thứ nhất là về công nghệ. Trên hạ tầng của di động phát triển điện thoại không dây với giá cước rẻ. Đây là chính sách lớn được áp dụng hơn hai năm qua và kết quả là đến nay đã có trên 6 triệu thuê bao điện thoại cố định không dây.

Giải pháp thứ hai là chính sách viễn thông công ích. Trước đây doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ phát triển viễn thông công ích bằng nguồn lực của mình. Nhưng hiện nay đã có Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam được xây dựng trên cơ sở đóng góp của các doanh nghiệp. Hàng năm Bộ phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng để phục vụ phổ cập dịch vụ điện thoại cố định ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Giải pháp thứ ba là chính sách về giá cước. Cước điện thoại quốc tế chiều vào Việt Nam (các cuộc gọi kết nối vào mạng nội hạt) vẫn đạt mức cao hơn giá thành. Nguồn lợi nhuận này được sử dụng để bù đắp cho phát triển điện thoại cố định cho vùng sâu, vùng xa.

Giải pháp thứ tư là từ 1/1/2009, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế cước điện thoại cố định mới, cước giảm từ 27 ngàn đồng xuống 20 ngàn đồng/tháng/thuê bao. Gọi phút nào thanh toán phút đó. Ngoài gói cước cơ bản 20 ngàn đồng/thuê bao và mỗi phút thoại 200 đồng, doanh nghiệp còn có thể áp dụng các gói cước khác cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Việc này đã tạo điều kiện phát triển khách hàng điện thoại cố định do họ được đáp ứng nhu cầu đa dạng.

Thưa ông, kết quả của việc phát triển điện thoại cố định ở vùng sâu, vùng xa hiện nay ra sao?

Ông Lê Nam Thắng: Việt Nam có khoảng 200 vùng viễn thông công ích với mật độ điện thoại dưới 5 máy/100 dân. Sau 3 năm thực hiện viễn thông công ích, nhiều vùng mật độ đã tăng lên 7-8 máy/100 dân, có vùng đạt 10 máy/100 dân. Tức là có vùng đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước.

Quay trở lại công nghệ điện thoại cố định không dây, liệu công nghệ này có hạn chế trong việc phát triển Internet băng rộng?

Ông Lê Nam Thắng: Phải nhắc lại rằng năm 2009, Bộ đã cấp phép phát triển dịch vụ băng rộng không dây (3G) cho 4 doanh nghiệp và trong đó 3 doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, đúng là băng rộng có dây chất lượng tốt hơn. Những dịch vụ đòi hỏi chất lượng cao như truyền hình phân dải cao dùng băng rộng có dây rõ ràng là tốt hơn nhưng những dịch vụ như dữ liệu (ví dụ Internet, giao dịch thương mại….) thì chỉ cần băng rộng không dây là đáp ứng được yêu cầu. Về lâu dài, khái niệm không dây và có dây sẽ dần dần thu hẹp khoảng cách.

Xin cảm ơn Thứ trưởng.

(Theo Bộ TT&TT)

Đọc thêm