Đề xuất sáp nhập VinaPhone-MobiFone: Phải đảm bảo lợi ích xã hội

Đề xuất sáp nhập VinaPhone-MobiFone: Phải đảm bảo lợi ích xã hội ảnh 1

Chống cạnh tranh không lành mạnh

Trả lời báo Bưu điện Việt Nam mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông của Bộ TT&TT cho biết: “VNPT tự chủ động đề xuất lộ trình thoái vốn ở MobiFone hoặc VinaPhone. Trên cơ sở các phương án đề xuất của VNPT, Bộ TT&TT sẽ thẩm định trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình cho VNPT thực hiện”.

Theo ông Phạm Hồng Hải, tinh thần của Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một DN thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Sở dĩ Nghị định đưa ra mức “sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần” để tránh tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Phạm Hồng Hải cũng cho biết, theo Nghị định này, VNPT sẽ phải sáp nhập VinaPhone và MobiFone hoặc cổ phần hóa một trong hai mạng di động và không được sở hữu chéo quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần sang mạng kia. Tuy nhiên, các công ty con của VNPT sẽ được mua cổ phần của mạng di dộng được cổ phần. Thế nhưng, các công ty con của VNPT phải là các công ty hạch toán độc lập chứ không phải những công ty hạch toán phụ thuộc.

Thực tế hiện nay, VNPT đã có một mạng di động của mình, sau đó lại sở hữu thêm một mạng khác là MobiFone, cho nên cần phải có lộ trình thoái vốn xuống dưới 20%. Việc hạn chế sở hữu chéo 20% ở đây là áp dụng cho công ty mẹ VNPT, các công ty con VNPT hoàn toàn có quyền sở hữu cổ phần MobiFone - miễn đây là công ty hạch toán độc lập. Vấn đề ở đây không phải là Nhà nước kiểm soát tỷ lệ sở hữu mà là kiểm soát cái để duy trì DN. Khi công ty con của VNPT đầu tư vào MobiFone cũng không phải nghe theo công ty mẹ vì họ phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của chính mình. Như vậy, bản chất của quy định sở hữu chéo không phải là Nhà nước kiểm soát vấn đề sở hữu mà là kiểm soát môi trường cạnh tranh. Ví dụ như hiện nay, cả hai mạng di động MobiFone và VinaPhone đều là của VNPT. Nếu MobiFone có nhiều sáng kiến cạnh tranh tốt nhưng vì cạnh tranh như thế mà có thể gây ảnh hưởng tới VinaPhone thì có thể VNPT không phê duyệt. Đây là bản chất vấn đề chứ không phải bản chất là VNPT sở hữu quá nhiều trong MobiFone.

VNPT trình phương án sáp nhập VinaPhone và MobiFone

Đúng như dự báo của báo Bưu điện Việt Nam, mới đây VNPT đã trình phương án tái cơ cấu toàn bộ VNPT trong đó có phương án sáp nhập hai mạng di động của mình là VinaPhone và MobiFone. Giới phân tích cho rằng, MobiFone hiện chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT nhưng lại đang chiếm xấp xỉ 50% lợi nhuận của Tập đoàn này. Đây là nguồn “cơm áo gạo tiền” nên VNPT khó đành lòng thoái vốn chỉ để sở hữu 20% được. Thế nhưng, xét dưới khía cạnh lâu dài thì sẽ khó khăn trong việc lấy các tài nguyên tần số sau này. Điều đó, sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển của cả hai mạng trong tương lai. Vì vậy, việc sáp nhập hai mạng được giới phân tích cho rằng là giải pháp yên ổn tạm thời.

“Nếu VinaPhone hùng mạnh như MobiFone thì sáp nhập hay thoái vốn khỏi MobiFone cũng là việc làm không mấy khó khăn. Vì vậy, cũng cần chia sẻ với VNPT với phương án sáp nhập này trong bối cảnh Viettel đang ở thế thượng phong như hiện nay. Trong khi đó, nếu thoái vốn khỏi MobiFone thì VNPT sẽ gặp khó khăn. Nhưng ngược lại nếu sáp nhập thì liệu VNPT có gắng sức tìm cách đẩy VinaPhone khỏe mạnh như MobiFone hiện nay hay không”, một chuyên gia viễn thông phân tích.

Bộ TT&TT sẽ xem xét phương án của VNPT

Trước thông tin về VNPT muốn sáp nhập hai mạng di động, chiều ngày 20/3/2012 Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chính thức trả lời báo chí khẳng định hiện Bộ TT&TT chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này. “Quan điểm của Bộ TT&TT trong việc cơ cấu lại các DN nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, trong đó có VNPT, là phải đảm bảo cho các DN này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn và khả năng cạnh tranh phải cao hơn. Thứ hai, khi xem xét cơ cấu DN viễn thông nào đó, như VNPT, thì cần phải xem xét một cách tổng thế để bảo đảm không chỉ lợi ích cho DN mà còn phải đem lại lợi ích cho toàn xã hội”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Vẫn theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, có nhiều phương án tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp như sáp nhập hoặc chia tách. Bộ cũng đang chỉ đạo các DN nhà nước trong lĩnh vực viễn thông phải rà soát lại những quy định trên. Nhưng phương án nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc DN hoạt động hiệu quả hơn và thị trường phát triển bền vững, không có độc quyền và cũng không có cạnh tranh quá mức.

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến 2020 đang được Bộ TT&TT trình Chính phủ ban hành thì ở mỗi dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng... phải đảm bảo thông qua các chính sách cấp phép, kết nối và quy hoạch tài nguyên phù hợp để có ít nhất 3 DN tham gia hoạt động nhằm thúc đẩy cạnh tranh. Mặt khác, các chính sách cấp phép, kết nối và quy hoạch tài nguyên phù hợp nêu trên cũng phải đảm bảo tránh được sự tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các DN nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.

Ngoài ra, dự thảo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ TT&TT xây dựng cũng cho phép tổ chức lại các DN viễn thông, đặc biệt các DN nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sáp nhập các DN viễn thông nhằm hình thành các tập đoàn, tổng công ty mạnh trên cơ sở sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực, tài nguyên viễn thông; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc tập trung kinh tế và việc quản lý, phân bổ nguồn lực, tài nguyên viễn thông một cách bình đẳng để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm