Cuộc đua 3G “tẹt ga” nóng trở lại

“Nóng” cả tốc độ và giá cước

Là nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G không giới hạn tại Việt Nam vào tháng 6/2011 với gói cước DCOM, mới đây, Viettel tiếp tục là đơn vị tiên phong khi tung ra gói cước DMAX mang lại tiện ích "3 trong 1" cho khách hàng là thuê bao trả sau.

Theo đó, từ 1/12, khách hàng sử dụng gói DMAX của Viettel chỉ phải thanh toán tối đa 100.000 đồng mỗi tháng thay vì 120.000 đồng như trước đây là có thể thoải mái truy cập Internet (qua máy tính hoặc điện thoại) mà không lo phát sinh thêm chi phí. Khách hàng dùng DMAX sẽ được kết nối mạng với tốc độ cao nhất là 8/2Mbps trong 1,5GB đầu tiên.

Trước đó, cả VinaPhone và MobiFone cũng chạy đua đưa ra các gói cước tương tự dành cho nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng 3G không hạn chế lưu lượng.

Cuộc đua 3G “tẹt ga” nóng trở lại ảnh 1

2 tháng sau khi Viettel ra mắt DCOM 3G với mức cước tối đa 120.000 đồng/tháng, MobiFone cũng "trình làng" dịch vụ FCU không giới hạn dung lượng chỉ dùng trên máy tính. Cước phí mà người dùng phải trả chỉ giới hạn ở mức 120.000 đồng. Tuy nhiên, với 2GB đầu tiên, tốc độ truyền tối đa là 7,2Mbps; sau đó, khách hàng vẫn được truy cập dung lượng miễn phí với tốc độ tối đa là 512Kbps.

Trong khi đó, VinaPhone chỉ chính thức đưa ra dịch vụ trọn gói cho 3G vào tháng 9/2011 với gói ezCom kèm đăng ký "truy cập Internet không giới hạn - EZU”.

Mới đây, vào tháng 6/2012, dịch vụ này của VinaPhone được bổ sung thêm gói cước ezMax50 và ezMax100 (đối với thuê bao trả trước) và ezMax (dành cho thuê bao trả sau) với chi phí tối đa 100.000 đồng một tháng.

Chiếm ưu thế nhờ tiện ích “3 trong 1”

Nếu tính về giá cước, việc sử dụng cho dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao không giới hạn của cả 3 mạng (Viettel, VinaPhone, MobiFone) là tương đương nhau, không có sự cách biệt đáng kể. Tuy nhiên, xét về tính năng và vùng phủ sóng, gói DMAX mới tung ra thị trường của Viettel đang có thêm những tiện ích mới.

Trước đây, thị trường vẫn tồn tại 2 loại sim riêng biệt: một loại sim dữ liệu dùng để truy cập Internet 3G dành cho máy tính (không nhận cuộc gọi và gọi đi được) và sim thông thường dùng để nghe gọi và truy cập Mobile Internet 3G.

Với những khách hàng dùng máy tính bảng, để tiết kiệm chi phí truy cập Internet, thuê bao thường chọn sim dữ liệu (cước dữ liệu rẻ hơn sim thông thường tới 4- 5 lần) nhưng trong trường hợp khẩn cấp, người dùng muốn thực hiện cuộc gọi từ máy tính bảng lại không thể cho dù thiết bị đó có tính năng nghe gọi.

Phiền toái này đã được Viettel khắc phục bằng việc cho ra đời gói cước trả sau DMAX với tính năng “3 trong 1”: Truy cập internet trên các thiết bị máy tính, truy cập internet trên điện thoại di động và thực hiện các tính năng nghe gọi, nhắn tin.

Cuộc đua 3G “tẹt ga” nóng trở lại ảnh 2

Bên cạnh đó, nếu có nhu cầu thực hiện cuộc gọi, gói cước DMAX cũng cho phép khách hàng thực hiện với giá là 1.190 đồng/phút nội mạng và 1.390 đồng/phút ngoại mạng (cả trên máy tính bảng, điện thoại hoặc máy tính thông thường). “Có thể nói đây là chiếc sim dữ liệu “3 trong 1” duy nhất trên thị trường hiện nay được cung cấp”, đại diện Viettel chia sẻ.

Ngoài việc bổ sung tính năng gọi và truy cập Internet cả trên điện thoại và máy tính, gói cước DMAX của Viettel còn được hỗ trợ bởi hạ tầng 3G rộng nhất Việt Nam. Với hơn 25.000 trạm thu phát sóng 3G, vùng phủ của Viettel rộng hơn của tất cả các mạng di động khác tại Việt Nam cộng lại (tổng lượng trạm BTS 3G của tất cả các mạng tại Việt Nam khoảng 40.000).

Theo đánh giá của các chuyên gia về viễn thông, sau khi Viettel tung ra gói cước 3G mới có tên DMAX thị trường sẽ nóng trở lại, tương tự như lần trước mạng di động này tung gói cước DCOM 3G không giới hạn với cước trọn gói 120.000 đồng.

“Không một mạng di động nào muốn khách hàng đánh giá mình chậm tính năng mới hơn đối thủ”, một chuyên gia về viễn thông nhận định.

Còn đại diện của Viettel chia sẻ, với tiện ích sim "3 trong 1" này, hãng chỉ mong muốn đem lại tiện ích cao nhất cho khách hàng của mình.

"Thay vì phải sở hữu nhiều sim khác nhau cho mỗi nhu cầu, người dùng Viettel hiện chỉ cần một chiếc sim vừa để truy cập Internet, vừa nghe gọi. Trong khi đó, doanh nghiệp có thể tối ưu tài nguyên mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đồng thời đón đầu xu hướng công nghệ trong lĩnh vực viễn thông", vị này cho biết.

Theo Thúy Ngà (VNN)

Đọc thêm