Cuộc đua 3G: nhà mạng "chiếu trên" dắt nhau vào chung kết

Đại gia cầm chắc vé thắng

Tại thời điểm này, không chỉ doanh nghiệp mà cả đông đảo người sử dụng mạng di động đều đang hồi hộp và phấp phỏng chờ đợi đến giờ G công bố thí sinh đoạt giải.

Theo nhận định từ một số quan chức, hồ sơ thi tuyển 3G Vinaphone được chuẩn bị công phu, và nhận được sự đánh giá cao của Ban giám khảo.

Trong khi Viettel thực sự gây sốc cho tất cả các mạng di động với số tiền cam kết đầu tư và tiền đặt cọc triển khai 3G, Vinaphone có số tiền cam kết đầu tư lớn hơn một đại gia khác, và theo nhận định, mạng này được xếp nằm trong top 3 mạng xứng đáng giành chiếc vé 3G.

Trong cuộc đua sinh tử này, VinaPhone cũng không dám lơ là. Phía nhà mạng này cho hay, hồ sơ thi tuyển 3G của Vinaphone là một đề án kinh doanh mạng 3G theo chiến lược dài hơi, được bắt đầu từ năm 2009. Hồ sơ này dựa trên cơ sở tập trung chuyên môn hóa cao của Vinaphone gồm tổng lực thành viên chuyên trách về công nghệ 3G, đặc biệt với sự hỗ trợ tư vấn của nhà cung cấp mạng 3G NTT DoCoMo. Đây là một trong những nhà cung cấp mạng 3G lớn nhất trên thế giới, có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức quản lý khai thác mạng và kinh doanh dịch vụ 3G.

Một trong những tiêu chí được đánh giá cao với ba mạng di động thuộc "chiếu trên" là đã và đang triển khai hạ tầng 2G từ nhiều năm nay. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, tất cả các mạng 3G thành công đều dựa trên 2G. Khi cấp phép 3G cho các mạng 2G sẽ có lợi thế giảm được suất đầu tư do mạng 3G tận dụng được cơ sở hạ tầng của mạng 2G nên có điều kiện giảm giá thành (trung bình sẽ giảm được 60% so với mạng đi thẳng vào 3G).

Lợi thế 2G sẽ tạo ưu thế đầu tiên giúp nhà mạng phủ sóng sâu rộng tới khắp vùng miền. Đại diện mạng di động Vinaphone cho rằng, ngay trong năm nay, mạng này cam kết về vùng phủ sóng theo dân số trong vùng ưu tiên. Trước hết, vùng phủ sóng được ưu tiên cho các thành phố, khu vực quan trọng: ưu tiên phủ sóng cho các khu thương mại, khu công nghiệp, hay các thành phố tập trung nhiều cơ quan của chính phủ, các doanh nghiệp thương mại, công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Dựa vào mật độ dân số của các vùng quận, huyện, Vinaphone cũng sẽ ưu tiên phủ sóng tới những vùng có mật độ dân số cao tại các quận, huyện.

Hàng chục triệu khách hàng phấp phỏng

Vinaphone sẽ cung cấp dịch vụ 3G ngay trong quý 2 năm nay.
Vinaphone sẽ cung cấp dịch vụ 3G ngay trong quý 2 năm nay.

Bên cạnh hạ tầng viễn thông 3G, một trong những tiêu chí được Ban giám khảo đánh giá cao là việc doanh nghiệp xét tuyển sẽ đem lại dịch vụ tiên tiến cho khách hàng khi đạt giấy phép 3G.

Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Lê Nam Thắng, tại buổi tọa đàm "3G và những cơ hội cho Việt Nam" đã khẳng định: "Bộ sẽ chỉ cấp phép 3G cho những nhà cung cấp có giấy phép 2G, cơ hội chia đều cho các doanh nghiệp. Không phân biệt CDMA hay GSM, bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng 4 tiêu chí do Bộ đưa ra sẽ được cấp phép 3G."

Theo đó, Bộ Thông tin truyền thông đánh giá rằng: Nếu mạng di động 2G đang có ít khách hàng thì sẽ phải mất nhiều thời gian để thu hút khách hàng cho mình và không có lợi thế để giảm giá thành, nên dễ thất bại hơn.

Thống kê cho thấy, 3 nhà mạng lớn là MobiFone, Vinaphone, Viettel đang sở hữu số lượng thuê bao di động lớn nhất với con số hàng chục triệu đối với mỗi nhà mạng.

Mặt khác, câu hỏi đặt ra là liệu công nghệ 3G có phù hợp và xã hội hóa được với đông đảo người sử dụng: từ đối tượng bình dân cho đến khách hàng lớn…? Các nhà mạng lớn đều đã quan tâm đến việc đầu tư mạng lưới trên nền 3G, bởi nếu sử dụng mạng 2G hoặc 2,5G thì chỉ một vài năm, cũng phải tiến hành nâng cấp, chi phí đó không rẻ hơn so với chi phí đầu tư cho mạng 3G. Đại diện Vinaphone khẳng định, công nghệ 3G sẽ không có hạn chế về việc phát triển thuê bao, các dịch vụ giá trị gia tăng cung cấp tới người sử dụng hoàn toàn không đắt hơn mà còn hiện đại hơn trên nền mạng 2G/2,5G. Lợi thế này cho phép sử dụng tài nguyên mạng cho dịch vụ nội dung tối ưu hơn, tiết kiệm tài nguyên mạng hơn và cho phép triển khai các dịch vụ và mạng 2G/2,5G không triển khai được, ví dụ như Video call, video on demand...Chất lượng các dịch vụ tốt hơn (băng thông rộng hơn, tốc độ nhanh hơn, các chỉ số chất lượng dịch vụ khác cũng tốt hơn).

Theo Hoàng Nhật An (VNN)

Đọc thêm