Cước 3G tại Việt Nam đắt hay rẻ?

Cước 3G Việt Nam đắt hay rẻ?

Có thể nói, xuyên suốt lịch sử 15 năm của ngành viễn thông di động, sự kiện 3G được coi là một bước đột phá mới khi những rào cản về tốc độ và khoảng cách truyền dữ liệu được xóa bỏ. Việc ra mắt 3G tại Việt Nam được kỳ vọng như một nấc thang thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp viễn thông cũng như thị trường nội dung số trên di động. Trong một thực tế khác, 3G còn là một sự khẳng định của các nhà mạng trong việc bắt kịp với công nghệ hiện đại trên thế giới và đưa về triển khai tại Việt Nam.

Ngay từ khi xuất hiện, 3G đã luôn là một dấu hỏi lớn với người tiêu dùng về chất lượng cũng như những tác dụng mà nó có thể đem lại. Việc giá cước 3G ra sao luôn là một bài toán khó và lời giải của nó không nằm ở nhà mạng hay nhu cầu của người sử dụng mà lại ở trình độ của một cộng đồng viễn thông đang trên đà phát triển.

Đã có nhiều phân tích của chuyên gia cho rằng, với tình trạng doanh thu bình quân trên một thuê bao (ARPU) hiện nay chưa đến 5 USD/tháng, 3G tại Việt Nam thật khó "có cửa" để đến với từng khách hàng và đạt độ phổ biến như mong muốn. Tuy nhiên, một thực tế ngược lại là, 3G đang được các nhà mạng hạ thấp giá thành, bình dân hơn để mong tiếp cận với đa dạng đối tượng khách hàng hơn.

Thực tế cho thấy, ngay từ lúc xuất hiện, giá thành dịch vụ Data trên mạng 3G tại Việt Nam đã vào mức khá rẻ. Ngay thời điểm ban đầu, cả 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đều có những gói cước không giới hạn dung lượng với chi phí mặc định chỉ khoảng 250 ngàn/tháng. Nếu so sánh mức giá này với gói cước tương tự gần đây của nhà mạng Virgin Mobile tại Mỹ, khoảng 40 USD/tháng, ta có thể thấy cước 3G của Việt Nam không hề đắt.

Sau gần một năm triển khai, thời gian gần đây, các nhà mạng đã cắt giảm gói cước không giới hạn và thay vào đó gói cước lưu lượng khoảng 3GB với số tiền đóng "cứng" xấp xỉ 200 ngàn đồng/tháng.
Cước 3G tại Việt Nam đắt hay rẻ? ảnh 1
Giá cước Mobile Internet tại Singapore từ 20 đôla (Ảnh: SingTel)
Việc thay đổi phương án giá một cách bất ngờ và theo chiều hướng tăng của cước 3G nếu như trong kinh doanh thì chỉ là một bài toán bình thường của doanh nghiệp thì tại thị trường viễn thông Việt Nam, đối với người tiêu dùng ưa-giảm-cước, đó lại là một nghịch lý.

Nhưng, nếu đối chiếu một cách công bằng mức cước 3G của Việt Nam với các nhà mạng trên thế giới, ta có thể thấy đây vẫn là một mức cước thấp. Đơn cử như so sánh với mạng SingTel của Singapore, ta có thể thấy người dùng tại đảo quốc này sẽ phải bỏ ra tối thiểu tới 20 đôla Sing (khoảng 300 ngàn)/tháng để sử dụng 1GB cước dữ liệu băng rộng 3G trên di động. Trong khi đó tại Việt Nam cùng với số tiền tương đương, có thể sử dụng tới 3GB dữ liệu của dịch vụ Mobile Internet/tháng.
Cước 3G tại Việt Nam đắt hay rẻ? ảnh 2
Mạng AT&T thu tới 60USD/tháng nhưng người dùng sẽ được sử dụng Wi-Fi miễn phí (Ảnh: AT&T)
Còn nếu sử dụng hình thức kết nối Internet qua máy tính bằng các USB 3G, ta có thể xem cước của nhà mạng AT&T tại Mỹ. Với 2 gói cước DataConnect 200MB và DataConnect 5GB, tiền thuê bao tháng của người dùng sẽ từ 35 USD tới 60 USD/tháng và vượt lưu lượng đăng ký, sẽ phải trả thêm 0.1 USD/MB (khoảng 1.900 đồng). Ở Việt Nam, gói cước dữ liệu 1GB hiện nay các nhà mạng đều áp dụng mức từ 50-80 ngàn đồng/tháng và cước vượt lưu lượng là 65 đồng/MB.

Chỉ tính riêng con số trên ta đã có thể thấy cước 3G Việt Nam không hề đắt, vậy tại sao vẫn tồn tại những chỉ trích và nhận xét không mấy thiện cảm khi nhắc tới giá dịch vụ này ?

Tại anh, tại ả...

Thời điểm đầu năm, ngay sau khi các nhà mạng loại bỏ các gói cước 3G không giới hạn lưu lượng đã hàng loạt câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra khi người dùng không để ý và download quá đà, dẫn tới cước phát sinh lên tới vài chục triệu đồng.

Tất nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, cái lỗi của nhà mạng là phần lớn khi không đưa ra thông báo rõ ràng khiến người sử dụng vô tình "mắc bẫy". Hầu hết các câu chuyện tranh cãi về cước 3G phát sinh chục triệu đều kết thúc có hậu khi các ông lớn như MobiFone, Viettel đều giải quyết theo chiều hướng giảm trừ cước phát sinh.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện ấy ta có thể thấy, 3G ở Việt Nam dù rất rẻ nhưng vẫn tiềm ẩn quá nhiều vấn đề do việc phát triển vội vàng, đi trước đón đầu thiếu tính toán của các nhà mạng mà ra.

Chính việc giảm cước thoại ồ ạt đã khiến tâm lý chung của người tiêu dùng hiện nay là đã xài di động thì phải thật rẻ, bất kể đó là dịch vụ gì. Do đó, ngay cả khi việc điều chỉnh cước 3G vào một khung giá hợp lý hơn thì vẫn bị người sử dụng cho rằng mức cước trên là đắt. Đã quá quen với việc dùng SIM "rác" và thẻ khuyến mại để lướt 3G, thật khó để định hướng lại cho người dùng về một mức cước mới mang tính cân bằng hơn.

Dù cố gắng đến mấy, một thực tế vẫn phải thừa nhận rằng 3G không phải cho tất cả mọi người và không phải ai cũng cần phải sử dụng dịch vụ này. Tại các nước phát triển, hầu hết người dùng 3G đều để đáp ứng công việc khi cần tiếp cận dữ liệu ngay và nhanh khi đang di động. Do đó, với gói cước dung lượng từ 200MB đến 1GB/tháng được coi là một mức hợp lý. Thêm vào đó, tại một số quốc gia, người dùng khi đăng ký dịch vụ còn được miễn phí tài khoản Internet không dây với mạng Wi-Fi công cộng phủ sóng rộng rãi và chất lượng ổn định.

Còn tại Việt Nam, người dùng 3G lại lạm dụng đường truyền này theo một cách khác. Người thì tải phim, tải nhạc, người khác lại chia sẻ mạng dùng thay ADSL và lẽ dĩ nhiên, thật khó để kham nổi giá cước dịch vụ này khi các gói cước không giới hạn bị gỡ bỏ.

Hãy nhìn vào một thực tế, nếu cứ tiếp tục giảm cước, ARPU Việt Nam sẽ tiệm cận mức cước di động thấp nhất thế giới. Vậy nhưng, người dùng lại luôn là thượng đế, phải tiếp cận những công nghệ mới nhất của di động. Nếu không cân bằng được 2 chiều hướng này, nhiều khả năng nhà mạng sẽ gánh chịu hậu quả do chính mình gây ra khi liên tục phá giá cước di động.
Cước thoại và các dịch vụ phi thoại của Việt Nam đã vào ngưỡng rất thấp, nếu tiếp tục theo đà này, chưa thể thống kê người dùng sẽ được hưởng lợi gì mà chỉ có thể thấy nhãn tiền là, nhà mạng sẽ ít sinh lãi, khó tái đầu tư và lúc đó đừng hỏi tại sao sóng 3G chập chờn, tốc độ kém ổn định.
Theo Vương Long (VNN)

Đọc thêm