"Công nghệ đang giết báo chí"

Ông Gay Telese là phóng viên của tờ New York Times từ những năm 1950. Ông đã giành được hào quang trong suốt sự nghiệp viết báo của mình. Năm 2008, ông đạt giải thưởng báo chí George Polk Career Award. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Nhật Bản Mainichi, ông Talese nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc đưa tin tại hiện trường và sự đe dọa của công nghệ đối với báo chí.

Talese cho rằng ngành báo chí đang đối mặt với những khó khăn khi các kỹ năng báo chí suy giảm.

“Báo chí bắt đầu với công nghệ (ngụ ý đến sự ra đời của máy in - ND)”, ông nói, “[Nhưng] công nghệ đang giết dần báo chí. Báo chí không phải là công nghệ. Báo chí phải như là người lính. Bạn phải tự làm, tự đi đến và nói với người dân, thấy họ và kiểm tra những người đang cung cấp tin cho bạn”.

“Nhà báo bây giờ - họ không ra ngoài, họ ngồi trong phòng. Họ nhìn vào một chiếc laptop… Họ đang sống phía sau chiếc laptop”.

Ông Talese đi tới các nhà hàng vào mỗi buổi tối, tránh các dạng công nghệ nhất định trong cuộc đời làm báo của mình. Ông nói ông không bao giờ sử dụng Internet.

“Tôi gõ trên máy vi tính. Chỉ thế. Tôi không có điện thoại di động. Tôi không có email”.

Ông nói những tờ báo lớn mắc phải sai lầm cạnh tranh với truyền hình hoặc Internet trong việc chạy đua là người đưa tin đầu tiên.

“Công nghệ hiện là chất độc thực sự. Báo chí có thế giới của mình chừng nào họ làm tốt công việc của mình”, ông nói, “Khi bạn bán một tờ báo, đó là bán sự thật vì điều tốt nhất bạn có thể tìm thấy là sự thật. Cái bạn bán không phải là tin tức đầu tiên”.

Ông Talese, năm nay 77 tuổi, nói báo chí tồi tệ nhất trong cuộc đời ông là sau năm 2001 – năm tòa tháp đôi World Trade Center (Mỹ) bị tấn công.

“Hãy nhìn cách chính phủ mua chuộc các tờ báo trong chiến tranh Iraq… 300 nghìn lính đã chết trong cuộc chiến này. Tại sao? Bởi các tờ báo đã lừa dối công chúng, lừa dối các chính trị gia và các chính trị gia đã lừa dối, Tổng thống đã lừa dối. Báo chí tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi là sau năm 2001”.

"Vấn đề là các nhà báo đã thất bại trong việc đòi hỏi chính phủ và những nguồn tin không được công nhận, những nguồn tin riêng tư”.

Ông Talese nói ông viết những bài báo thật, sử dụng tên thật.

“Tôi chưa bao giờ thay đổi tên. Tôi đưa tên của mọi người vào trong sách, thật chí đó là sách về tình dục. Rất khó làm việc đó. Đó là tại sao tôi phải rất lâu mới giành được sự tin cậy của nguồn tin, cho phép tôi đưa tên thật vào sách”.

Theo ICTNews /Mainichi

Đọc thêm