Cộng đồng Việt kêu gọi "dọn rác" trên WikiMapia

Vậy thực chất của chuyện này thế nào, và liệu WikiMapia có đáng bị tẩy chay?

Căn nguyên vì đâu?

WikiMapia hoạt động theo cơ chế mở nên bất cứ ai sau khi đã đăng ký làm thành viên đều có thể di chuyển, thay đổi kích thước, xóa hoặc bảo vệ các địa điểm trên bản đồ. Thành viên nào càng đóng góp, viết cảm nhận và sửa đổi các địa điểm tích cực thì điểm thưởng càng nhiều và họ sẽ có quyền quản trị càng cao.

WikiMapia cũng cho phép thành viên của mình thêm vào bản đồ những "hotspot", tức các ô chú thích. Đây là những ô chữ nhật rộng tối đa 20 km vuông, bên trong các thông tin có liên quan tới một địa điểm nào đó. Tất cả các thông tin này đều có thể được sửa đổi bởi bất cứ thành viên nào khác, theo đúng tính chất của mọi hệ thống Wiki. Nhưng khác với Từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia, những thông tin này không được biên tập, kiểm tra, xác thực trước khi đăng tải.

Chính vì thế, rất dễ dàng xảy ra hiện tượng xung đột thông tin trên WikiMapia, khi kẻ xấu lợi dụng trang web này để thực hiện ý đồ cá nhân. Chúng có thể đưa những thông tin nhẹ là vô bổ, nặng là xúc phạm, báng bổ, xuyên tạc, chửi bới, phản động lên WikiMapia.

Chiến dịch dọn rác

Nguyên, một thành viên mới của WikiMapia cho biết ngay lần đầu truy cập và click vào địa điểm của một Bộ trọng yếu tại Hà Nội, anh đã "sốc" khi bắt gặp rất nhiều lời lẽ khó nghe, "bẩn thỉu" do kẻ xấu viết trong chú thích. Tất nhiên những tuyên bố này hoàn toàn không chính xác, vô văn hóa và chẳng liên quan gì đến địa điểm trên bản đồ cả.

"Lúc ấy, tôi bực quá nên nghĩ đến chuyện tẩy chay WikiMapia. Nhưng hồi lâu trấn tĩnh lại thì thấy mình xử sự vậy thật không ổn. Nếu cứ để những dòng ấy tiếp tục tồn tại, bạn bè nước ngoài sẽ nghĩ về Việt Nam ra sao?".

Để góp phần dọn "rác" trên WikiMapia, bạn có thể thêm bớt, chỉnh sửa thông tin cho các địa điểm bằng những bước sau:

1. Rê chuột vào dòng chữ ở sát góc trái trên cửa sổ, sẽ thấy hiện ra một danh sách lệnh (menu), chọn Login/Register.

2. Một cửa sổ mới hiện ra, bấm vào dòng "Join Wikimapia" màu xanh để đăng ký cho mình một tài khoản.

3. Cửa sổ đăng ký xuất hiện, điền vào các thông tin như tên người dùng (username) , email, mật khẩu (password), xác nhận lại mật khẩu. Bấm nút Continue màu đỏ.

4. Bây giờ bạn đã có một tài khoản. Muốn chỉnh sửa thông tin ở đâu, bấm vào ô đó, một cửa sổ mới sẽ hiện ra cho phép bạn chỉnh sửa thông tin. Ở góc trái phía trên là nút danh sách lệnh Menu. Bấm vào đó, bạn sẽ thấy hiện ra 1 danh sách. Trong đó: + Zoom in: phóng lớn khu vực đang sửa.

+ History: ghi lại quá trình chỉnh sửa của điểm đó.

+ Edit this page: mở ra cửa sổ để bạn chỉnh sửa thông tin.

+ Delete: nằm ở dưới cùng. Nếu điểm này chỉ chứa những thông tin nhảm nhí, không phù hợp, bạn bấm vào để đề nghị Wikimapia xóa nó đi nhưng chức năng này chỉ người dùng cao cấp mới dùng được

5. Nếu bạn mới đăng ký và là người dùng thông thường, bạn cũng có thể góp phần:

+ Chỉnh sửa hoặc bổ sung thêm thông tin cho phù hợp, có ích. (Edit this page)

+ Với những comment (nhận xét) không phù hợp, bạn bấm vào nút report abuse message kế bên tên người dùng đã nhận xét. Những nhận xét bị 5 lần báo cáo không phù hợp (report abuse) sẽ bị xoá.

+ Với những điểm mới được thêm vào mà bạn thấy nên bị xóa: chọn (vote) NO. Điểm bị chọn No nhiều cũng sẽ bị xoá.

Thế là Nguyên lên mạng, tham khảo cách thức chỉnh sửa và khiếu nại thông tin lên Ban quản trị của WikiMapia. Vận động một số bạn bè xung quanh, Nguyên đã đẩy những lời bình luận "rác rưởi" xuống đáy trang rồi dần dần xóa chúng khỏi WikiMapia thông qua chức năng "bầu chọn".

Nguyên không phải là trường hợp duy nhất bức xúc với tình trạng "rác hóa WikiMapia". Một phong trào làm trong sạch và phát triển Wikimapia đã được cộng đồng cư dân mạng Việt Nam phát động và hưởng ứng khá tích cực ngay từ năm 2007, thời kỳ WikiaMapia vẫn còn trứng nước.

Không muốn cơ sở dữ liệu về bản đồ của Việt Nam trở thành một bãi rác, Blogger CHE kêu gọi trên trang blog của mình: "Hãy cùng tôi thể hiện sức mạnh của số đông, của những người có học thức, quét sạch những thứ rác rưởi ra khỏi môi trường Internet".

Lời kêu gọi này cũng xuất hiện trên nhiều diễn đàn đông thành viên khác như ddth, ttvn, hva... Nhiều học sinh THPT đã vào diễn đàn của trường mình, kêu gọi bạn bè dọn sạch "rác" và giữ gìn sự trong sạch cho WikiMapia. "Tôi không muốn khi click vào trường mình lại bắt gặp những lời lẽ vô đạo đức, vô văn hóa, xúc phạm Dân tộc. Trường mang tiếng, học sinh của trường cũng sẽ mang tiếng", một cựu học sinh trường PTTH Trần Hưng Đạo tuyên bố.

Từ chỗ hành động đơn lẻ, tự phát, các blogger đã dần có sự liên hệ chặt chẽ với nhau và với những người sử dụng - WikiMapians - khác. Họ chia sẻ kinh nghiệm và thông tin với nhau, cùng phối hợp hành động một cách có tổ chức. Nhiều "chiến dịch dọn sạch WikiMapia" đã được tiến hành, mỗi đợt có thể kéo dài cả tháng.

Sức mạnh đoàn kết

Tâm sự trên blog của mình, blogger Việt có nick AmandaTan cho biết: "Sau một tháng hoạt động, chúng tôi đã vượt qua được sự bỡ ngỡ ban đầu trước hình thức chống phá mới mẻ này. Từ chỗ chỉ biết nhìn và... cãi lại, giờ đây chúng tôi đã có những chiến thuật mới hiệu quả hơn nhiều.

Nếu như trước đây, các quận, các trụ sở cơ quan chính phủ, quảng trường, trường Đại học... đều bị kẻ xấu chêm vào những hình ảnh tục tĩu, những thông tin xuyên tạc, mang nặng tính thù hằn thì bây giờ, Hà Nội đã trở nên "sạch sẽ" hơn rất nhiều".

Hiểu rõ bản chất WikiMapia không hề xấu, nếu không muốn nói đây còn là một nguồn tài nguyên tốt và hữu ích cho mọi người, nhiều thành viên đã bỏ công nghiên cứu, mày mò WikiMapia, hòng tìm ra cách đối phó với bọn xấu mà không cần phải phá hoại trang web.

"Kết quả không phụ lòng người. Một số anh chị đã có những quyền nhất định như gỡ ảnh, thu nhỏ các địa điểm tới mức vô hình để người dùng khi click vào đó không đọc được những lời bình "loạn" nữa. Thậm chí một số người đã có quyền quản trị nội dung đủ mạnh tới mức xóa được chú thích, bình luận".

Tổng kết một tháng làm chiến dịch, AmandaTan cho biết "nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã được dọn sạch đáng kể". Tuy nhiên, "cuộc chiến không tiếng súng này sẽ còn kéo dài, đòi hỏi mọi người phải tốn nhiều thời gian, công sức, và quan trọng nhất là một tấm lòng tự hào về dân tộc, đất nước mình.

Nguyên cho biết anh vừa sửa xong thông tin giây trước, thì lúc ăn trưa quay về đã thấy kẻ xấu xóa sạch thông tin của mình và post lại bài phản động đầu tiên. Cứ thế, hành trình dọn "rác" diễn ra như mèo đuổi chuột, bên nào kiên trì hơn, bên ấy sẽ thắng.

"Một mình tôi sẽ chẳng thể nào phát hiện ra hết những địa điểm đã bị xuyên tạc và sửa lại được cả. Thế nên chúng tôi muốn kêu gọi tất cả mọi cư dân mạng Việt Nam chung tay giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng kể cả khi bạn là người không mấy quan tâm tới vấn đề tự hào dân tộc hay điều gì to tát, thì ít nhất, chúng ta hãy cùng làm cho bản đồ Việt Nam trên Wikimapia trở nên đẹp đẽ và trong sáng hơn", một người dùng Wikimapia chia sẻ.

Theo Trọng Cầm (VNN)

Đọc thêm