Chưa thể công nhận tài sản ảo trong game online

Đó là ý kiến của ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi với báo chí trong hội thảo về sự phát triển của dịch vụ trò chơi trực tuyến Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, được tổ chức vào chiều ngày 20/02/2009. Tại buổi hội thảo này, vấn đề công nhận tài sản ảo trong game online đã trở thành chủ đề được bàn cãi nhiều nhất và có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Báo cáo của ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương thì cho rằng: “Với việc công nghệ thay đổi thì khái niệm tài sản cũng thay đổi: từ hữu hình tới vô hình. Tài sản ảo lúc đó cũng là tài sản và những tài sản ảo có được do lao động hợp pháp, trao đổi, mua bán thì nên thừa nhận pháp lý tài sản ảo để hỗ trợ phát triển thế giới ảo với nhiều lợi ích to lớn. Trong game online cũng vậy, người chơi bỏ công sức ra để luyện game và nhận được những vật phẩm có giá trị, đó là lao động chính đáng và người chơi mua bán, trao đổi những vật phẩm này với nhau. Vì thế những tài sản ảo cần được công nhận”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, thuộc Vũ Pháp luật Dân sự Kinh tế của Bộ Tư Pháp, lại đưa ra ý kiến hoàn toàn trái ngược. Theo bà, tài sản ảo chỉ là thuật ngữ mà các phương tiện thông tin đại chúng dùng để chỉ hình ảnh đồ vật, nhân vật, vũ khí,…trong trò chơi. Chúng không nhận biết được bằng giác quan cảm giác, không tồn tại trong thế giới thực, những đồ vật ấy chỉ có giá trị trong trò chơi ấy, không có giá trị ở nơi khác. Với những đặc điểm như trên thì theo điều 163 Bộ luật dân sự 2005, thì tài sản ảo không phải là tài sản. Bà Vân còn phân tích tài sản ảo ở khía cạnh quyền tài sản theo điều 181 Bộ luật dân sự 2005, nhưng cũng đi đến kết luận do tiếu thuộc tính sở hữu, dù giá trị được bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự, cũng khó có thể quy tài sản ảo vào một loại quyền tài sản.

Đại diện các nhà phát hành game cũng cho biết họ cũng không công nhận tài sản ảo trong game. Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc công ty VinaGame cũng luôn khẳng định rằng: “Tài sản ảo chỉ là một đoạn mã trong game, nó thuộc về game, nhà phát hành chỉ mua bản quyền phát hành game chứ không mua code. Vì thế không thể công nhận tài sản ảo là tài sản và bảo hộ nó được”. Điều đó có nghĩa là game thủ mặc dù bỏ đến cả trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để mua vật phẩm ảo trong game, nhưng nó vẫn không thuộc quyền sở hữu của họ."

Ngay cả ông Jeong II - Young, Giám đốc công ty Nexon của Hàn Quốc cũng cho biết: “Ở Hàn Quốc vấn đề tài sản ảo cũng rất mơ hồ, vì thế nó cũng chỉ được xét ở khía cạnh quyền sử dụng của người này hay người kia. Vật phẩm trong game của Nexon được chia thành 2 loại, loại thứ nhất do người chơi thu lượm được trong quá trình đi luyện game thì nó thuộc quyền sở hữu của nhà phát hành nên không được bảo hộ. Loại thứ hai là do người chơi bỏ tiền mua thẻ nạp vào để mua các vật phẩm trong game, cái này thuộc qyền sở hữu của người sử dụng và khi gặp sự cố sẽ được bồi thường”. Như vậy, ở Hàn Quốc, mặc dù nền công nghiệp game online phát triển thuộc vào loại nhất nhì Châu Á, nhưng vấn đề tài sản ảo vẫn chưa được nhìn nhận một cách rõ ràng. Cho nên ở Việt Nam cũng rất khó có thể học hỏi được vấn đề này từ nước bạn.

Do quá nhiều ý kiến khác nhau như thế cho nên đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Đỗ Qúy Doãn kết luận: “Đến thời điểm này vẫn chưa thể đưa ra việc công nhận hay bác bỏ tài sản ảo được, Bộ vẫn còn phải chờ lấy các ý kiến đóng góp từ nhiều phía cũng như kết hợp với các nhà làm luật trong nước và trên thế giới để đưa ra một cái nhìn nhận tốt nhất về tài sản ảo”. Ông cũng cho biết, Thông tư 60 về việc quản lý game online trước đây đưa ra chỉ là cơ sở, bởi do game online phát triển quá nhanh nên đã tạo ra một khoảng trống trong việc quản lý. Sẽ có một văn bản cao hơn để thay thế thông tư này nhưng cần có một thời gian để xem xét và xây dựng, lúc đó vấn đề tài sản ảo mới được giải quyết.

Như vậy, mặc dù hiện nay tài sản ảo trong game online đang trở thành một vấn đề bức xúc cho xã hội khi có hàng loạt cuộc mua bán có giá trị tiền tỷ đã diễn ra, những vụ tranh chấp dẫn đến vi phạm pháp luật... Nhưng vẫn chưa thể kết luận được nó là tài sản hay không là tài sản theo như pháp luật quy định. Tất cả vẫn còn phải chờ Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, lấy ý kiến từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức,… trong xã hội, sau đó tiến hành xem xét và đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo Dân Trí

Đọc thêm