Chữa bệnh sợ... máy tính ở trường tiểu học

Nhận định được tác dụng của máy tính đối với công việc, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) quyết tâm "phải dùng máy tính trong mọi công việc nhà trường", thay thế "phấn trắng, bảng đen" thành "bút từ, bảng tương tác điện tử". Tuy nhiên, máy móc, thiết bị thì dễ kiếm, nhưng yếu tố con người sử dụng và ứng dụng như thế nào lại là chuyện khó. Mặt khác, ngoài cô giáo dạy vi tính ra, không còn ai được đào tạo chính quy về chuyên môn CNTT cả. Tất cả phải làm từ con số 0.

"Khủng bố tinh thần" từ đầu vào

Nhớ về thời gian xây dựng đội ngũ giáo viên, cô Phạm Thị Thu Phương, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cho biết đã có sự "đấu tranh" rất gắt gao trong Ban Giám hiệu (BGH) khi tuyển dụng.

Một số nhân sự trẻ có sử dụng được các phần mềm văn phòng cơ bản, còn những thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy thì trình độ vi tính chỉ ở mức "i tờ". Thậm chí, đã có cô giáo từng "bỏ chạy" khi đọc yêu cầu về sử dụng máy tính trong mô tả công việc giảng dạy.

"Đối với người ít tiếp xúc với công nghệ, một chiếc điện thoại màn hình cảm ứng đã là một thứ rất phức tạp và rối rắm", một cô giáo trẻ của trường chia sẻ. "Lần đầu nhìn thấy một tấm bảng cảm ứng lớn, rồi biên tập video, trình diễn máy tính, những công việc đó chưa ai làm bao giờ. Mọi người không sốc mới là kỳ lạ".

"Quan trọng nhất là yếu tố con người. Các cô giáo trẻ thì nhiệt tình, nhưng còn cần đào tạo thêm về kinh nghiệm chuyên môn. Những người có thâm niên lại thường có tâm lý kiểu "bao nhiêu năm không có máy tính tôi vẫn dạy tốt". Vì thế, BGH phải làm sao "ép" mọi người dùng máy tính", cô Phương nói.

Sau một thời gian nghiên cứu trên... Google, BGH quyết định sử dụng email làm phương tiện liên lạc công việc chính trong trường.

"Tìm kiếm thông tin trên Internet, tôi thấy email là ứng dụng được nhiều người dùng nhất trong thời gian qua ở Việt Nam. Có lẽ làm quen với những ứng dụng đơn giản sẽ khiến mọi người gần gũi máy tính hơn, từ đó mới tính đến các việc khác", cô Phương chia sẻ.

Để đảm bảo việc truyền tải thông tin bằng email được triệt để, tất cả máy tính từ lớp học đến văn phòng đều được vô hiệu hóa cổng USB để không có hiện tượng "em chép hộ chị một tí". Máy tính được nối mạng Internet đến từng lớp học.

Tất cả các loại thời khóa biểu, công văn, giấy tờ, lịch làm việc, lịch xe,... đều phải chuyển qua thư điện tử. Bất cứ vị trí nhân sự nào, từ Hiệu trưởng đến lái xe, bảo vệ, muốn biết công việc của mình là gì thì đều phải truy cập vào tài khoản email để lấy lịch làm việc.

Khởi điểm rất ít người có thể sử dụng máy tính, thậm chí, truy cập vào trang thư điện tử của trường cũng là một thử thách. Không có nhân sự đào tạo chuyên ngành về CNTT, nhà trường kết hợp với công ty bán máy tính tổ chức những khóa đào tạo về sử dụng máy tính trong công việc. Tuy nhiên, không phải lúc nào "thầy" cũng ở trường nên anh chị em phải tự dạy nhau kiểu "người biết đến chữ B dạy người biết chữ A".

Thao tác giảng dạy giáo án điện tử từ bàn giáo viên.
Thao tác giảng dạy giáo án điện tử từ bàn giáo viên.

"Sau khi mọi người quen với việc trao đổi công việc bằng email, hòm thư của trường tràn ngập những thư không có tiêu đề vì nhiều người còn chưa biết gõ chữ vào ô này. Lại họp, lại trao đổi, hướng dẫn. Có người lại chưa biết gửi tập tin đính kèm lại được lôi ra "đào tạo" riêng. Sau khóa đào tạo đó, mỗi email cô giáo ấy chỉ gửi được 1 file đính kèm. Nếu gửi 10 danh sách lớp thì cô phải gửi đúng 10 cái email mới được. Thế là lại phải hướng dẫn tiếp cách đính nhiều file để gửi một lúc", cô Phương nói.

Thời gian 6 tháng đầu tiên là thử thách lớn đối với tập thể BGH và giáo viên, công nhân viên tại trường Ban Mai. Bên cạnh núi công việc của tuyển sinh năm đầu, xây dựng trường lớp, việc làm quen với máy tính khiến anh chị em nhiều khi "ức chế", đặc biệt là những quy định kiểu "mỗi lỗi soạn thảo văn bản phạt 5.000 đồng, sung quỹ công đoàn".

Khi mọi người đã quen với máy tính, một công đoạn mới lại được triển khai: Thiết lập và chia sẻ giáo án điện tử trong hệ thống mạng nội bộ. Những kỹ thuật trên PowerPoint được phổ biến, cách tìm kiếm video và hình ảnh trên Google, cắt dán và biên tập phim bằng Windows Movie Maker, mỗi người đều phải học để không làm ảnh hưởng đến công việc người khác.

"Theo quy định, mỗi người sẽ phải tự làm 1 giáo án điện tử trong máy của mình và chia sẻ trong hệ thống file nội bộ. Mỗi tuần sẽ đăng ký lịch dạy điện tử, giáo án được khai thác trong hệ thống chung đó. Nếu 1 người không làm, người khác sẽ không có cái để dạy. Vì thế, tất cả mọi người đều phải làm việc", cô Phương nói.

Đến ngày hái quả

Dần dần, mọi người cũng quen với chiếc máy tính sau 3-4 tháng bị "ép buộc". Một số giáo viên của trường bắt đầu trang bị máy tính riêng ở nhà, thậm chí muốn sắm laptop để "vào mạng ở đâu cũng được".

"Bây giờ về trường cũ chơi, chị lại thành "chuyên gia" em ạ. Ngồi máy tính vào mạng nhoay nhoáy khiến cô hiệu trưởng trường cũ sốc quá, lại hướng dẫn lại cho cô ý nữa", chị Liên, giáo viên năng khiếu tự hào khoe.

Có máy tính, công việc giảng dạy của giáo viên đỡ vất vả hơn rất nhiều. Đơn cử như việc dạy kể chuyện hoặc đọc diễn cảm, các cô có thể vào Hang truyện trên website Socnhi.com để các con nghe một vài lần. Các cô tập trung vào việc hướng dẫn các con những chi tiết. Việc dạy toán, ghép âm, học vần trên màn hình tương tác cũng giúp các con hứng thú hơn bằng hình ảnh ngộ nghĩnh, âm thanh vui nhộn trong lớp.

Những bài học có hình ảnh, âm thanh sống động giúp trẻ thích thú hơn với máy tính
Những bài học có hình ảnh, âm thanh sống động giúp trẻ thích thú hơn với máy tính

"Internet là kho thông tin khổng lồ, nếu biết khai thác thì mỗi buổi học sẽ sinh động hơn rất nhiều. Đó là lý do BGH trường Ban Mai quyết tâm đưa Internet đến từng lớp học để giảng dạy", cô Phương chia sẻ. "Việc các giáo viên, cán bộ, nhân viên trong trường từ việc sợ máy tính đến thích và dùng máy tính trong năm vừa qua là một tiến bộ đáng kể. Tuy vậy, những ứng dụng của nhà trường tôi thấy vẫn còn khá thô sơ".

Tài nguyên trên Internet là vô hạn, tuy nhiên chúng phải được "gọt giũa" trước khi đưa vào bài giảng. Ví dụ như 1 đoạn video về mưa gió sấm chớp, hoa lá, vật nuôi trên YouTube phải được cắt gọt trước khi đưa vào bài giáo án. Thậm chí, nhiều bài học trực tuyến tiếng Việt rất công phu trên mạng cũng phải chỉnh sửa đôi chút để phù hợp với chương trình của nhà trường. Nếu người giáo viên không tự làm điều đó thì không thể đưa vào giảng dạy được.

Cô Phương cho biết, ngoài "kho" giáo án điện tử, trường đã xây dựng được hệ thống website và diễn đàn làm cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh học sinh. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ "cải thiện" bằng hệ thống sổ liên lạc điện tử, phần mềm nghiệp vụ dùng chung,...

Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn trong công cuộc "tin học hóa trường học", Phó Hiệu trưởng Trường Ban Mai cho biết, lợi điểm lớn nhất là BGH nhận định và quyết tâm làm việc này từ đầu.

"Có nhiều trường học, thậm chí nhiều cơ quan có đầu tư lớn vào CNTT, có bộ phận nhân sự phụ trách chuyên nghiệp, nhưng cũng không thể làm nổi chỉ vì duy trì phần nào cơ chế cũ. Tại những cơ quan lớn, có một bộ phận cán bộ có thâm niên lâu năm với tâm lý "bao năm không có máy tính mà vẫn tốt", có máy tính có khi lại làm hỏng cả kế hoạch. Nếu lãnh đạo không kiên quyết, hay linh động cho qua chuyện thì cũng không thể hình thành thói quen mới được", cô Phó Hiệu trưởng Trường Ban Mai phân tích.

Sự kiên quyết đó thể hiện qua việc trao đổi công văn giấy tờ bắt buộc phải làm qua Internet, thể hiện qua việc Hiệu trưởng từ chối nhận chuyển công văn bằng đường giấy tờ, v.v...

Sự kiên quyết đó khiến mọi người bắt buộc bỏ thói quen làm việc cũ mà gắn bó với chiếc máy tính. Nhiều người hết giờ cũng không muốn về sớm, đặc biệt là những cô giáo trẻ. Mọi người thích ở lại để chat, tìm kiếm thông tin hoặc đọc báo, lên diễn đàn trao đổi với phụ huynh,...

Theo VietNamNet

Đọc thêm