Chủ tịch VNPT muốn VinaPhone trở lại vị trí số 1

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son thay mặt lãnhđạo Nhànước trao Huân chương Laođộng hạng Nhất cho VinaPhone

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son thay mặt lãnhđạo Nhànước trao Huân chương Laođộng hạng Nhất cho VinaPhone

Ngày 8/1/2014, VinaPhone đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng vì thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2008 - 2012.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, VinaPhone là mạng điện thoại xây dựng bằng vốn và nội lực của Việt Nam, là mạng đầu tiên cung cấp 3G, đồng thời là mạng di động đầu tiên phủ sóng toàn quốc. Trong năm qua, VinaPhone luôn duy trì tốc độ phát triển ổn định, kể cả năm 2013 gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn đạt tốc độ 8%. VinaPhone cũng là đơn vị có đóng góp lớn cho VNPT cả về doanh thu và lợi nhuận.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, nhiệm vụ trong thời gian tới đối với VinaPhone là thực hiện quyết liệt việc tổ chức lại sau khi đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt. Điểm mấu chốt là VinaPhone phải thay đổi cơ chế sản xuất kinh doanh, tổ chức lại theo hướng tinh gọn và áp dụng cơ chế quản trị tiên tiến để nâng cao hiệu quả. Phải rà soát các quy chế, quy trình để làm sao VinaPhone hoạt động nhanh, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư.

"Tăng cường củng cố thương hiệu VinaPhone, cần tạo ra bản sắc riêng khác biệt với các mạng di động khác. Muốn vậy, VinaPhone phải tạo được môi trường làm việc dân chủ sáng tạo để phát huy tốt nhất năng lực của người lao động. Trong thời gian tới, tái cơ cấu VNPT là việc không nhỏ đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm rất lớn. Cùng với tái cơ cấu VNPT, VinaPhone phải đồng lòng cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đóng góp nhiều hơn cho tập đoàn. Bộ trưởng cũng mong muốn VinaPhone là thương hiệu đi dộng hàng đầu đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, VinaPhone đang là "quả đấm thép" của VNPT. Sắp tới, VNPT sẽ tiến hành tái cơ cấu nhưng ông Trận mong muốn VinaPhone cố gắng hơn nữa, dù cho mô hình nào thì mạng di động này vẫn phải xứng đáng là đon vị chủ lực. VinaPhone phải giành được vị trí số 1 mà trong lịch sử công ty này đã từng có.

Tại buổi lễ, ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc VinaPhone cho biết, năm 2013 doanh thu của VinaPhone đạt gần 30.000 tỷ đồng. Số lượng thuê bao liên tục phát triển trong các năm, đến cuối năm 2013, VinaPhone có trên 31 triệu thuê bao và có số lượng thuê bao di động trả sau lớn nhất thị trường. Giá trị và tỷ trọng doanh thu của các dịch vụ phi thoại, đặc biệt là các dịch vụ dựa trên nền công nghệ 3G ngày càng cao. Đến cuối năm 2013, trên 90 dịch vụ phi thoại được cung cấp mang lại doanh thu đạt tỷ lệ trên 55% tổng doanh thu cước dịch vụ của VinaPhone. Dịch vụ 3G của VinaPhone tăng trưởng năm sau tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm trước.

Trong một nửa cuối bài phát biểu của ông Lâm Hoàng Vinh được cho là chứa nhiều hàm ý liên quan đến cả giải pháp thúc đẩy VinaPhone phát triển. Ông Lâm Hoàng Vinh cho rằng, VinaPhone đã phát huy vai trò công ty chủ dịch vụ trong VNPT, nhưng về cơ chế nội bộ của VinaPhone vẫn cần được điều chỉnh.

Theo ông Lâm Hoàng Vinh, thị trường trong năm 2014 có xu hướng bão hòa. Việc cạnh tranh là chạy đua theo thời gian chứ không thể chờ đợi, vì sẽ mất cơ hội cạnh tranh và lãng phí hiệu quả đầu tư. Quá trình dịch chuyển nhu cầu của khách hàng đang từ 2G sang 3G và bắt đầu cả xu hướng sang 4G, bên cạnh đó smartphone ngày càng phát triển. Nhu cầu thoại và nhắn tin 2G của khách hàng suy giảm, các ứng dụng thoại và SMS miễn phí (OTT) phát triển mạnh làm giảm doanh thu của nhà mạng. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư cho mạng 3G và tiếp theo là mạng 4G vô cùng to lớn không chỉ đối với VinaPhone mà cả các mạng di động khác, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc phát triển các sản phẩm dịch vụ cạnh tranh là vô cùng khó khăn đòi hỏi có chiến lược phát triển mạng lưới, cơ chế quản lý và biện pháp kinh doanh phù hợp.

Ông Lâm Hoàng Vinh cũng nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp của VinaPhone với các đơn vị thành viên của VNPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đặc biệt sau khi tái cấu trúc xong. Như vậy, chắc chắn có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhưng mục tiêu thay đổi phải thúc đẩy VinaPhone phát triển. Sức mạnh cần được phát huy đúng cách, tổ chức sản xuất phải phù hợp với điều kiện của thị trường và sự phát triển của công nghệ, nếu không sẽ suy yếu và mất cơ hội.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm