Chiêu “móc túi” của nhà mạng

Các dịch vụ được tích hợp vào SIM điện thoại có vẻ như mang lại tiện ích cho người dùng, thế nhưng những tiện ích này thực sự là chiêu “lén lút” thu tiền của nhà mạng.

Hiện nay điện thoại không chỉ dùng để nghe, gọi mà trở thành một “kho tàng” sống khi có thể lướt web, tìm địa điểm, học tập... Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều nhà mạng tích hợp sẵn hàng loạt dịch vụ trên SIM. Thế nhưng đây lại là những cái bẫy thực sự với những người dùng ít chú ý.

“Đánh bẫy” người dùng

Chiêu tích hợp sẵn dịch vụ vừa tiện dụng vừa dễ làm và lợi nhuận thì thu về tiền tỉ với hàng ngàn SIM mới được bán ra mỗi năm của nhà mạng. Vinaphone có IOD, MobiFone cài sẵn LiveInfo còn Viettel thì có Viettel Plus. Theo đó, nhiều người dùng đã mất khoản chi phí không nhỏ bởi các dịch vụ này, thậm chí nạn nhân còn chưa biết tên của các dịch vụ.

Những phiền toái của các dịch vụ mang lại thường nhiều vô kể, nếu chẳng may bấm vào phần xem tin quảng cáo hay kích hoạt những dịch vụ kể trên, người dùng hoàn toàn có thể mất tiền từ 500 đồng đến 25.000 đồng tùy theo cách tính cước tin, ngày, tháng.

“Từ ngày xài SIM của đứa con mua cho, lâu lâu tôi lại thấy có tin nhắn báo kết quả xổ số, rồi thông tin về tình hình kinh tế, xã hội. Thấy cũng hay, còn nói mấy người bạn là nhà mạng dạo này chăm sóc khách hàng tốt quá. Vừa qua, nghe giải thích các tin nhắn này tính phí tôi mới hết hồn, hèn chi cứ thấy tiền điện thoại thường mất đi một cách bất thường” - chị Nghiệp, hơn 50 tuổi, nhà ở quận 8, kể lại.

Chiêu “móc túi” của nhà mạng ảnh 1

Dù đang dùng Wi-fi miễn phí nhưng anh Thanh Nhật vẫn bị dụ phải kết nối 3G để mất tiền. Ảnh: Phan San

Không riêng gì chị Nghiệp, với những người lớn tuổi, người ở quê ít am hiểu thì việc mày mò và tắt dịch vụ là chuyện không hề đơn giản.

Ngoài ra, để dẫn dụ người dùng, nhà mạng còn bắt tay với đơn vị cung cấp nội dung số để tận thu. “Mình đang ngồi quán cà phê, điện thoại kết nối Wi-Fi của quán, đang vô mạng thì thấy ảnh hot của các người mẫu trên một trang web, click vào xem thì trang chuyển đến một địa chỉ khác và được chỉ dẫn nên kết nối 3G để xem tính năng đầy đủ. Không thể hiểu được cách làm này, đang kết nối Wi-Fi mà bị hướng dẫn nên xài 3G để mất tiền” - anh Thanh Nhật, cộng tác viên một công ty truyền thông nói.

Chia sẻ thêm về 3G, anh Nhật cho biết vì quá bức xúc với cách tăng giá của nhà mạng nên anh đã bỏ hẳn 3G, tuy nhiên một lần nữa anh vẫn bị “móc túi” do chưa tìm hiểu tường tận. Sau khi soạn tin nhắn hủy gói 3G, nghĩ xài GPRS sẽ rẻ hơn nhiều nên khi cần anh vẫn lướt web bằng GPRS khoảng 3-5 phút nhưng ngay sau đó tài khoản bị trừ cả 30.000 đồng cho vài phút đó. “Gọi lên tổng đài hỏi thì được giải thích là do cách tính GPRS khác nên nếu vào những trang nặng thì bị trừ tiền ghê lắm, hoảng hồn tôi phải soạn thêm một tin nhắn hủy luôn GPRS, thật quá nản, mình là khách hàng lâu năm mà chẳng được thông báo gì về mấy vụ này” - anh Nhật ngán ngẩm.

Thời loạn dịch vụ

Trên thực tế, người dùng điện thoại “điên đầu” sống chung với nhiều hình thức bẫy mới nhằm lấy được từng đồng bạc lẻ. Bên cạnh đó là các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn theo trá hình và các dịch vụ lừa đảo cũng bùng phát. Tin nhắn rác, giả danh, kêu gọi chơi trò triệu phú, trả lời câu hỏi để ẵm giải thưởng hàng trăm triệu đồng... Lợi ích không thấy đâu, còn tiền của người tiêu dùng trong tài khoản cứ bay mất dần.

“Có thể thấy, rất nhiều dịch vụ nội dung số di động bằng cách này hay cách khác đang cố gắng moi móc tiền của người dùng như dịch vụ cài sẵn như lô đề, xổ số, tin nhắn rác... và hầu như đều phi chính thống” - anh Vũ Hoàng Tâm, Giám đốc Công ty Phần mềm VHT, phân tích.

Theo anh Tâm, không ít người chẳng biết dịch vụ được tích hợp là gì, cách tắt, cách tính phí... Thông thường, nếu không muốn mất tiền oan, khi mua SIM mới người dùng nên tắt hết các dịch vụ bằng cách: “off” hết dịch vụ sẵn có trên SIM trong phần cài đặt SIM, gọi lên tổng đài nhà mạng xem SIM hiện hữu đang xài những loại dịch vụ nào.

“Tại sao bạn không thấy khó chịu khi nhận được tin quảng cáo từ MobiFone, Viettel… cho việc nạp tiền được tặng tiền, tại sao bạn rất khó chịu bởi những tin nhắn quảng cáo xổ số, bóng đá, lô đề, tình yêu giới tính… bởi vì họ lạm dụng chi phí rẻ dẫn đến việc toàn đem lại mặt tiêu cực. Là một người làm SMS, tôi khuyên bạn đừng nên bao giờ “thử” những dịch vụ kiểu lừa gạt như thế này, 99% là những tin nhắn này sẽ lấy đi của bạn 15.000 đồng, thậm chí bằng việc yêu cầu bạn xác minh, xác nhận bằng rất nhiều tin gửi đến 87XX, 67XX, 77XX…” - anh Tâm nói thêm về tin nhắn lừa đảo.

Nhà mạng làm trái luật

Điều tra mới nhất của Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông, MobiFone đã cố tình “ép” khách hàng sử dụng ứng dụng super SIM và LiveInfo cài đặt sẵn trên SIM của nhà mạng này. Các ứng dụng này có chức năng tải thông tin và tính phí nhưng niêm yết không rõ ràng, chính xác về giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người dùng xác nhận đồng ý sử dụng... MobiFone còn được xác định đã hợp tác với 17 đơn vị cung cấp nội dung số để cùng kinh doanh loại hình này, trong khoảng một năm từ tháng 6-2012 đến tháng 7-2013, nhà mạng này đã thu tới hơn 150,5 tỉ đồng từ dịch vụ này.

Vinaphone thì bỏ túi 20,6 tỉ đồng từ IOD, đơn vị này cũng hợp tác với Công ty VASC hay Viettel cũng vi phạm tương tự với ứng dụng Viettel Plus cài sẵn trên SIM.

Đứng trên khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, hành vi của các nhà mạng đã vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng vì khi ép người tiêu dùng, nhà mạng không cho họ xác nhận đồng ý sử dụng dịch vụ hay không. “Luật ghi rõ, dù sử dụng bất cứ loại dịch vụ nào thì nó phải được thể hiện trong hợp đồng ký kết giữa nhà mạng và người dùng, đơn vị cung cấp phải có trách nhiệm công bố công khai giá cước, các điều kiện sử dụng khác đi kèm. Nếu họ không làm vậy là họ đã vi phạm luật’ - luật sư Hậu nói.

“Tuy nhiên, điều đáng nói là do mất có mấy trăm ngàn nên nhiều người ngại kiện cáo. Cùng với tâm lý ấy, người tiêu dùng đang là người chịu thiệt, trong khi những nhà mạng vẫn tiếp tục kết hợp đơn vị khác để lừa người dùng điện thoại. Hội bảo vệ người tiêu dùng nên lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa.” - ông Hậu nói.

Chánh Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM Nguyễn Đức Thọ cho rằng cần có giải pháp mạnh từ gốc để hạn chế tình hình, buộc nhà mạng phải trả lời và minh bạch cùng với các đơn vị cung cấp nội dung số.

Cách phòng tránh bị mất tiền oan

Theo chia sẻ của một số dân công nghệ, người tiêu dùng cần lưu ý đối với SIM mới mua, sau khi lắp SIM nên vào phần cài đặt SIM tắt hết các ứng dụng, dịch vụ không cần thiết. Nếu người dùng không rành kỹ thuật, hãy nhờ nhân viên cửa hàng bán SIM tư vấn. Sau khi lắp SIM sử dụng, cần gọi cho tổng đài nhà mạng hỏi xem số của mình đang xài hiện sử dụng những dịch vụ gì, nếu không cần thiết bạn nên hỏi cách soạn tin hủy những tiện ích đó. Kiểm tra lại sau khi soạn tin nhắn hủy bằng cách gọi tổng đài xác nhận lại một lần nữa.

Với những người hay dùng smartphone lướt web thì nên tránh truy cập vào những trang web, ứng dụng đòi xác nhận đăng ký dịch vụ. Chắc chắn những loại hình này sẽ khiến người dùng mất tiền dù nhà cung cấp nội dung không thông báo giá cước. Hoặc nếu thường xuyên nhận được những loại tin nhắn như báo cuộc gọi nhỡ, thông tin câu hỏi trả lời để tham gia trúng thưởng, các tin xã hội, kinh tế thường ngày... thì người dùng cũng cần kiểm tra xem mình đang xài dịch vụ gì và có mất phí hay không.

Một cách khác là trước khi đăng ký GPRS hay 3G nên tìm hiểu kỹ gói cước và cách tính phí để tránh mất tiền oan. Khi không sử dụng, người dùng hủy dịch vụ Internet thì phải tắt kết nối dữ liệu trong điện thoại và soạn cả tin nhắn yêu cầu dừng dịch vụ với nhà mạng.

PHAN SAN

Đọc thêm