Chiêu "độc" truy tìm iPhone bị mất

Thanh (25 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ mấy ngày vừa qua, chị cùng đồng nghiệp vào khu vực Tây Nguyên công tác. Sau khi làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn 4 sao, chị tá hỏa phát hiện chiếc iPhone vừa mua không còn trong túi.

Chị gọi vào máy thấy chuông vẫn đổ. Cho rằng chiếc điện thoại đắt tiền chưa bị lấy mất (kẻ gian tháo sim) mà đang ở đâu đó, mọi người chia nhau đi tìm. Nhưng dường như đã "lục tung" mọi thứ, họ vẫn không tìm thấy.

Trong lúc vô vọng, chị được chồng liên lạc chỉ cho biết chiếc iPhone đang ở đâu và ai cầm nó. Theo thông tin này, chị dò hỏi nhân viên khách sạn song được trả lời không ai biết gì về chiếc điện thoại.

Khi chị đưa hình ảnh một người đàn ông do máy gửi vào mail của chồng mình, nam nhân viên trẻ tên Tuấn tái mặt bởi đó chính là anh ta. Tuấn thú nhận có "nhặt" được chiếc iPhone của chị Thanh ở sảnh.

Nhận lại điện thoại, chị Thanh bảo thấy bất ngờ vì chồng ở xa cả nghìn cây số lại có thể xác định được người đang cầm máy của mình và được anh giải thích đã cài phần mềm chống mất trộm iCaughtU. "Nếu người cầm máy đánh mật khẩu sai 3 lần, lập tức máy sẽ tự động chụp lại mặt, rồi gửi email đến hộp thư của chồng mình", chị nói.

Chiêu "độc" truy tìm iPhone bị mất ảnh 1

Việc gõ sai mật khẩu đã được báo về email của chồng chị Thanh. Ảnh: T.Bình.

Tương tự chị Thanh, chị Huyền (22 tuổi ở Tây Mỗ, Từ Liêm) đã đến trình báo cảnh sát, cung cấp chân dung nghi phạm. Chị kể, tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu khi ngồi sau xe máy của bạn trai, chị bị hai thanh niên áp sát, giật mất chiếc Iphone trên tay. Bạn trai của Hiền vội phóng đuổi theo nhưng không theo kịp được. Chị cho hay, máy cài "phần mềm đặc biệt" nên khi có được hình ảnh của người đang cầm nó, chị đã nộp cho cảnh sát.

Mới đây, thành viên của một diễn đàn cũng chia sẻ về chuyện bạn gái "sập bẫy" người đi đường để rồi bị mất chiếc iPhone. Anh kể, bạn mình đang chạy xe trên đường Nam Trung Yên (Hà Nội) bỗng một nam thanh niên đi xe Wave màu xanh đi sát hỏi đường. Sau hồi nói chuyện được cho là như "bị thôi miên", cô phát hiện chiếc iPhone 4S đã bị mất. Do dùng phần mềm chống mất cắp, anh nhận được hình ảnh của người đánh sai mật khẩu. Cô bạn gái xác nhận đây chính là người thanh niên đã gặp trên đường hôm đó.

Nói về một số phần mềm có tính năng trên, một chuyên gia về smartphone ở Hà Nội cho biết hiện trên thị trường có hai loại: mất tiền mua và miễn phí. Với điện thoại iPhone thì có thể cài đặt miễn phí, dễ dùng và nhiều người sử dụng. Còn các máy dòng Android muốn dùng tính năng chống trộm phải chọn các phần mềm bảo mật hay diệt virus có tính phí, song bù lại sẽ được hỗ trợ nhiều hơn. Trong số này có sản phẩm được các hãng bảo mật và phần mềm của Việt Nam phát triển.

Theo anh này, dù tiện ích vậy song nhiều người vẫn chưa quan tâm đến các phần mềm bảo mật, bảo vệ thiết bị. "Hầu hết khách hàng sau khi mua điện thoại hay máy tính bảng mới đều không hỏi để cài thêm các phần mềm diệt virus hay bảo mật mà yêu cầu chính vẫn là những ứng dụng, phần mềm thông thường để giải trí", anh này nói và cho biết chỉ một số người dùng có kinh nghiệm, hay được hướng dẫn mới sử dụng phần mềm "chống trộm".

Trao đổi với PV, cảnh sát công nghệ cao Hà Nội khuyến cáo, với máy cài phần mềm ứng dụng thông minh này khi có hình ảnh được cho là thủ phạm, nạn nhân cần đến công an trình báo. Đây sẽ được coi là nguồn chứng cứ quan trọng, giúp nhà chức trách truy tìm thủ phạm.

Theo Thái Thịnh (VNE)

* Tên người mất điện thoại đã được thay đổi.

Đọc thêm