Chiến tranh 140 từ trên Twitter

Cuộc “khẩu chiến” kỳ lạ chỉ có ở thời đại internet này bắt đầu từ ngày 14-9-2011, theo nhật báo Mỹ The New York Times. Một ngày trước đó, Taliban đã tấn công hai biểu tượng lớn nhất của ngoại giao và quân sự Mỹ ở Afghanistan: Tòa đại sứ Mỹ và tổng hành dinh NATO ở Kabul trong một trận chiến kéo dài đến 20 giờ gây tổn thất lớn cho cả hai bên.

Ăn miếng trả miếng

Qua trận đánh nói trên, Taliban chứng tỏ rằng họ có khả năng xâm nhập vào những nơi được bảo vệ tốt nhất ở thủ đô Afghanistan, làm người dân lo lắng, chi phối làng truyền thông và xua tan kỳ vọng của phương Tây về việc chính phủ Afghanistan và lực lượng quân đội nước này có thể đương đầu với Taliban.

Song song với cuộc tấn công táo bạo đó, Taliban dùng mạng xã hội Twitter kể lại những trận đánh theo cách mà Mỹ cho là sặc mùi tuyên truyền, thổi phồng sự thật. Ví dụ như “Hàng chục lính đế quốc Mỹ bị giết và nhiều xe tăng địch bị tiêu hủy” hoặc  “Lính Mỹ là quân xâm lược chết nhát”.

Chiến tranh 140 từ trên Twitter ảnh 1

Twitter trở thành mặt trận chiến đấu mới của Taliban. Ảnh: AFP

Trong quá khứ, Taliban thường xuyên mạnh miệng như vậy. Những thông tin của Taliban khá đa dạng từ tường thuật chi tiết từng phút những cuộc tấn công táo bạo vào quân lực Mỹ và đồng minh đến những con số thương vong phóng đại của “lính Mỹ - NATO xâm lược” và “lính bù nhìn Afghanistan”.

Trớ trêu thay đó cũng là nguồn tin duy nhất mà báo chí phương Tây tham khảo để bổ sung vào bài tường thuật các trận đánh của Taliban bởi các quan chức quân sự Mỹ, NATO và Afghanistan có thói quen cung cấp thông tin cà giựt theo kiểu “phủ nhận rồi xác nhận”.

Theo nhận định của đài phát thanh RFE, đó chính là điểm yếu của ISAF (Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế) của NATO. Nó cho phép Taliban chiếm thế thượng phong về tuyên truyền trên Twitter, trang mạng xã hội có gần 300 triệu người sử dụng trên thế giới.

Lần này, quân đội Mỹ và ISAF  của NATO quyết định phản pháo, cố gắng “phản ánh một sự thật khác”, theo CNN. Mặc dù mỗi “phát đạn” chỉ gói gọn trong 140 từ hoặc ít hơn của mạng Twitter, cuộc chiến trong không gian ảo giữa Mỹ và Taliban không kém phần “máu lửa”.

Thực hành ngạn ngữ Pashto của người Afghanistan “Nói láo có thể tàn phá cả một ngôi làng trước khi sự thật được xác lập”, @ISAFMedia, tài khoản Twitter của ISAF, bắt đầu phản pháo. Xưa nay, tài khoản này thường dùng để đưa tin huấn luyện cảnh sát Afghanistan, cập nhật tình hình an ninh ở nước này hoặc đưa ra nhận định về một sự kiện đặc biệt nào đó liên quan đến ISAF.

ISAF có hai chuyên viên về mạng xã hội và họ được lệnh “ăn miếng trả miếng” với Taliban và những người ủng hộ lực lượng nổi dậy này trên Twitter. Xưa nay, họ chỉ lặng lẽ theo dõi sát sao hai tài khoản Twitter của Taliban. Một là @alemarahweb mà ISAF tin rằng của người phát ngôn không chính thức của Taliban bởi nó phổ biến tin tức và tuyên bố chính thức của Taliban. Hai là @ABalkhi của một người có tên là Abdulqahar Balkhi, khẩu khí dữ dội hơn.

Trả lời nhận định của @ABalkhi “Kết thúc logic của chiến tranh Afghanistan là (chiến thắng) sẽ thuộc về những người Hồi giáo, @ISAFMedia đặt câu hỏi: “Vấn đề là những kẻ khủng bố còn đe dọa tính mạng của người dân Afghanistan vô tội đến bao giờ?”. @ABalkhi trả lời: “Tôi không biết. Chính quý vị đã đe dọa họ từ 10 năm nay. Tàn phá làng mạc và chợ búa. Vậy mà còn hỏi ai đe dọa?”.

Theo tờ The Washington Post (WP), cuộc đấu khẩu diễn ra hằng ngày kể từ dạo đó, lần sau gay gắt hơn lần trước. Tin tức cập nhật cũng nhanh hơn, phản công cũng quyết liệt hơn trong cuộc chiến tranh giành “trái tim và khối óc”.  Thiếu tá hải quân Brian Badura, người phát ngôn của ISAF, cho biết: “ISAF đã sang trang mới, không còn thụ động như trước”.

Mở mặt trận mới

Còn nhớ Taliban từng nghiêm cấm dân chúng nghe nhạc, coi tivi, xem phim, chụp ảnh và sử dụng mạng internet mà họ cho là “tuyên truyền chống Hồi giáo”. Nghĩa là họ dị ứng với mọi công nghệ hiện đại. Vậy tại sao bây giờ họ lại mở mặt trận tuyên truyền mới trên mạng xã hội Twitter?

Tờ WP giải thích rằng từ khi những cuộc thăm dò đàm phán với Mỹ thất bại trong năm 2011, Twitter trở thành kênh đối thoại - và bây giờ là đấu khẩu – duy nhất giữa Taliban và Mỹ.

Trên thực tế, Taliban đã dùng Twitter từ ngày 12-5-2011. Họ viết bằng tiếng Anh với hy vọng những chiến tích của họ sẽ được nhiều người biết và phổ biến lại cho bạn bè. Các Tweet (thông điệp ngắn) thường kèm đường link hình ảnh, video clip quay cảnh chiến binh Taliban tấn công địch.

Người Mỹ biết chuyện đó nhưng không quan tâm lắm cho đến khi tòa đại sứ Mỹ và tổng hành dinh NATO ở Kabul bị tấn công tơi tả hồi tháng 9 năm ngoái. Lúc đó, Mỹ và ISAF thấy rằng cần phải phản công quyết liệt nếu không muốn bị lép vế và thua thiệt trong cộng đồng cư dân mạng.

Trong lúc này thật khó nói ai sẽ chiến thắng cuộc chiến 140 từ này. Nếu tính đơn thuần trên số lượng người đọc trung thành của mỗi tài khoản Twitter thì @ISAFMedia đang thắng thế. Trong 2 năm 2010 - 2011, độc giả của @ISAFMedia từ 736 người đã tăng lên khoảng 18.000 người. Trong khi đó, hai tài khoản của Taliban bao gồm @alemarahweb  chỉ có hơn 4.100 người và @ABalkhi chỉ có trên dưới 6.200 người.

Tuy vậy, người Mỹ đang lo mối đe dọa của Taliban trên mạng Twitter đối với Mỹ ngày càng lớn. Các trợ lý của thượng nghị sĩ Joe Lieberman, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện Mỹ, trong mấy tuần qua đã nhiều lần yêu cầu quản trị mạng Twitter ngăn chặn những kẻ tuyên truyền cho Taliban.

Kỳ tới: Twitter, khủng bố và an ninh thế giới

Theo Nguyễn Cao (NLĐO)

Đọc thêm