Chỉ số cạnh tranh IT Việt Nam tăng

Hôm nay, ngày 6/10/2009 tại Hà Nội, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) đã công bố Chỉ số cạnh tranh CNTT toàn cầu 2009 (Global index of IT industry competitiveness 2009) do Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) thực hiện. Đây là lần thứ ba chỉ số này được công bố và vị trí của Việt Nam năm nay đã tăng 5 bậc, từ vị trí 61 của hai năm trước lên vị trí thứ 56/66 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tăng hạng trong chỉ số này. Hai năm trước đó, Việt Nam giậm chân ở vị trí thứ 61 (61/66 vào năm 2008 và 61/64 vào năm 2007).

Theo ông Claro Parlade, Giám đốc phụ trách chính sách phần mềm của BSA khu vực châu Á, Việt Nam là một trong 3 quốc gia châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ) thăng hạng trong bảng Chỉ số cạnh tranh CNTT toàn cầu. “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của ngành CNTT là yếu tố hết sức quan trọng, có thể giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi của nền kinh tế”, ông Claro Parlade nói.

Đại diện của BSA cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm qua duy trì ở mức cao, chính sách đầu tư nước ngoài rộng mở hơn, sự cải thiện của hạ tầng CNTT cùng với sự hỗ trợ cho CNTT và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) từ phía chính phủ tăng là những yếu tố giúp Việt Nam tăng hạng trong Chỉ số cạnh tranh CNTT toàn cầu.

So với năm ngoái, bảng chỉ số năm nay được bổ sung chỉ số mới là mức độ thâm nhập của điện thoại di động, còn số quốc gia vẫn giữ nguyên. Cụ thể, bảng chỉ số này được xây dựng trên 6 nhóm chỉ số (gồm môi trường kinh doanh, hạ tầng CNTT, vốn con người, môi trường pháp lý, môi trường nghiên cứu phát triển và hỗ trợ môi trường CNTT) với 26 tiêu chí. Các nhóm chỉ số này được chấm theo thang điểm từ 0-100 (xếp hạng chung của Việt Nam năm nay đạt 25/100 điểm).

Trong 6 nhóm chỉ số của nghiên cứu này, Việt Nam có 4 nhóm tăng bậc, 1 nhóm chỉ số giữ nguyên như cũ và nhóm nguồn nhân lực tụt 2 bậc. Trong đó, nhóm chỉ số môi trường R&D tăng mạnh nhất tới 10 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thứ 51/66 quốc gia. Đây là điều bất ngờ vì năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 61 ở chỉ số này và chỉ đạt 0,1 điểm trong thang điểm 100 (năm nay đạt 5,3 điểm/100 điểm). Theo EIU, sở dĩ Việt Nam đạt tăng trưởng mạnh ở chỉ số này là do Chính phủ đã có nỗ lực tăng đầu tư cho môi trường R&D, mặc dù chi tiêu cho R&D ở khối tư nhân vẫn thuộc nhóm thấp nhất châu Á.

Tiếp đến, nhóm chỉ số hạ tầng CNTT cũng tăng tới 9 bậc so với năm ngoái, xếp thứ 52/66. Điều này có được là nhờ tỷ lệ máy tính của Việt Nam đã tăng từ 1,4 máy tính/100 dân năm 2008 lên 14,4 máy/100 dân trong năm 2009; thuê bao Internet tăng 28,4% và tỷ lệ phổ biến di động được đánh giá ở mức khá cao, 78,7% tính đến quý IV/2008.

Chỉ số môi trường pháp lý cũng có cải thiện, tăng 6 bậc so với năm ngoái. Nghiên cứu của EIU đánh giá Việt Nam đang có cải thiện về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đáng kể là việc Quốc hội đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ được đánh giá là “tương thích với luật quốc tế”. Tuy nhiên, vi phạm bản quyền phần mềm vẫn ở mức cao, 85% trong năm 2008.

Nhóm chỉ số về sự hỗ trợ phát triển CNTT của Việt Nam cũng đã có cải thiện, tăng 6 bậc so với năm ngoái (từ 57 lên vị trí 51/66 quốc gia) nhờ việc chính phủ đề ra kế hoạch CNTT táo bạo, nhấn mạnh đến sự phát triển của Chính phủ điện tử, nguồn nhân lực CNTT. Tuy nhiên, ở hoạt động này, nghiên cứu của EIU cho rằng Việt Nam nên duy trì chính sách trung lập về công nghệ, không nên thiên vị cho nguồn mở vì nó sẽ dẫn đến hạn chế cạnh tranh.

Khác với năm ngoái, chỉ số nguồn vốn nhân lực CNTT của Việt Nam năm nay đã giảm 2 bậc so với năm ngoái, đứng ở vị trí thứ 58/66 quốc gia. Theo EIU, sự tụt giảm này là do Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự thiếu thốn nhân công tay nghề cao trong lĩnh vực CNTT khiến nhiều nhà đầu tư phải tuyển dụng từ nước ngoài hoặc đầu tư quy mô nhỏ.

Chỉ số môi trường kinh doanh chung của Việt Nam năm nay vẫn giậm chân ở vị trí thứ 59/66 quốc gia. Nghiên cứu của EIU cho rằng mặc dù Việt Nam có được mức tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Á, thu hút đầu tư nước ngoài cải thiện nhưng các yếu tố như hạ tầng yếu kém, thủ tục hành chính phức tạp, khan hiếm nhân lực kinh doanh có tay nghề, chính sách thiếu nhất quán và minh bạch đã khiến chỉ số này của Việt Nam không cải thiện.

Để cải thiện năng lực cạnh tranh CNTT trong thời gian tới, EIU cho rằng Việt Nam cần sớm cải thiện những điểm yếu mà nghiên cứu này đề cập đến, như tăng cường đầu tư cho phát minh và sáng chế, tăng đầu tư cho đào tạo nhân lực CNTT bậc cao, đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ, có chính sách trung lập về công nghệ.

Trong bảng xếp hạng năm nay, nhóm 20 quốc gia đứng đầu không có sự thay đổi, trong đó Mỹ lần thứ ba đứng đầu bảng xếp hạng. Ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 13 trong số 17 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu này.

Theo Duy An (ICTnews)

Đọc thêm