Châu Phi “thay da đổi thịt” nhờ ICT

Châu Phi “thay da đổi thịt” nhờ ICT ảnh 1

Ngoài ra, công nghệ mới còn giúp các nhà lãnh đạo ở một số quốc gia tiến hành cải tổ hoạt động của bộ máy nhà nước, cải thiện đời sống nhân dân.

Điện thoại di động và mạng Internet

Một thập kỉ trước, ai đã từng ngồi trên máy bay nhìn xuống mảnh đất châu Phi vào ban đêm sẽ thấy phần lớn lục địa là một khoảng tối đen khổng lồ. Những gì các nhà kinh tế nhắc đến khi nói về đói nghèo đều có thể gán cho nơi đây: ít trường học, giao thông khó khăn, nghèo năng lượng, giáo dục chậm phát triển, y tế lạc hậu, giao dịch chứng khoán nhỏ giọt.

Điện thoại di động xuất hiện đã thay đổi tất cả. Lần đầu tiên, hàng triệu triệu người được kết nối với nhau và với cả thế giới. Theo công ty phân tích thị trường Informa Telecoms & Media, mười năm trước ở đây không có ai sử dụng điện thoại di động, nhưng hiện nay đã có nửa tỷ điện thoại di động tại châu Phi, xấp xỉ cứ 2 người châu Phi lại có một người sử dụng điện thoại di động. Tác dụng đối với kinh tế là vô cùng to lớn. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và các tư vấn viên tại Deloitte, trong 100 người dân châu Phi, việc có thêm 10 chiếc điện thoại di động được sử dụng sẽ đẩy GDP tăng từ 0,6 đến 1,2%. Ông Miguel Granier, nhà sáng lập quỹ phát triển công nghệ Invested Development phát biểu: “Di động là ngành công nghệ có tốc độ phổ biến nhanh nhất thế giới. Đây chính là cơ hội để đạt tăng trưởng nhanh và có tính xúc tác.”

Năm 2007, một sợi cáp quang chỉ kết nối được một phần châu Phi hạ Sahara với thế giới. Phần còn lại của lục địa sử dụng đường truyền vệ tinh vừa chậm vừa đắt đỏ. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, đã có thêm 6 đường cáp quang kết nối khu vực này với châu Mỹ, Châu Âu và châu Á. Tính tới năm 2013, con số đó sẽ tăng lên 12. Tim Parsonson, Tổng Giám đốc trung tâm dữ liệu châu Phi Teraco nói rằng trong 4 năm qua, tốc độ Internet của châu Phi đã tăng từ 340 gigabit lên 34.000 gigabit/ giây. Trong khi đó, chi phí các nhà cung cấp phải bỏ ra cho một đường truyền 1 megabit/ giây đã giảm từ 4.000 USD xuống 200 USD/ tháng và có thể còn giảm xuống 100 USD.

Châu Phi trở thành một trong những khu vực có lưu lượng Internet nhanh nhất thế giới. Tác động đối với nền kinh tế của Internet cũng tương tự như điện thoại di động. Nghiên cứu năm 2009 của Ngân hàng Thế giới cho thấy tốc độ kết nối tăng thêm 10% sẽ đẩy tăng trưởng thêm 1,3%.

Chống tham nhũng

Đầu tháng 6/2011, chính phủ Kenya là chính phủ tiên phong tại châu Phi và là một trong những chính phủ đầu tiên trên thế giới có chính sách hoàn toàn “mở” về dữ liệu. Chính phủ này sẽ công bố trực tuyến hàng triệu tài liệu trước đây chỉ lưu hành nội bộ, thường là những tài liệu bí mật của chính phủ. Mục tiêu về sự minh bạch triệt để trong một chính phủ thường xuyên xếp hạng tham nhũng cao nhất trên thế giới thật sự có tính cách mạng. Các chuyên gia cho rằng chính sách cởi mở sẽ “thay đổi toàn bộ cách chính phủ quan hệ với công chúng, đồng thời là một đòn giáng mạnh vào nạn tham nhũng.” Kế hoạch này vấp phải sự phản đối của một số ban ngành. Bộ Kế hoạch Kenya từ chối cung cấp dữ liệu trong suốt một năm trước khi chịu khuất phục.

Kenya là quốc gia có chính sách về Internet tốt nhất châu Phi. Không giống các nhà lãnh đạo khác tại châu Phi thường tìm mọi cách để bảo vệ sự độc quyền về viễn thông của nhà nước, ông Ndemo, thư kí thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông của Kenya nói: “Mục tiêu cuối cùng của nhà nước là miễn phí cước gọi di động và email cho 60 đến 80% dân số 40 triệu người có sử dụng điện thoại di động”. Ndemo cho biết nguyên tắc thúc đẩy nhiệt huyết của ông chính là “Internet là một quyền cơ bản của con người” và cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế.

Theo Phạm Duyên (ICTnews / Time)

Đọc thêm