Chân dung vị thuyền trưởng mới của Apple

Chân dung vị thuyền trưởng mới của Apple ảnh 1

Tim Cook và Steve Jobs

Đòi hỏi, lạnh lùng trong công việc

Trước hết, Tim Cook từng là CEO của Apple khi Steve Jobs đi điều trị sức khỏe và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài ra, ông cũng là Giám đốc điều hành (COO) của Apple. Tim Cook đến với Apple năm 1998, khi ông nghỉ việc ở hãng Compaq Computer. Khi đó, ông là một “cựu chiến binh” của ngành máy tính với 16 năm trong nghề và Cook có nhiệm vụ thay đổi tình trạng trì trệ, tồi tệ của bộ máy cung cấp, phân phối và sản xuất của Apple. Nhiều người ở Apple vẫn còn nhớ một câu chuyện ngày đó, bởi nó đã bộc lộ tính cách yêu cầu rất cao trong công việc và không để tình cảm chi phối của Tim Cook.

Khi đó, Apple gặp khó khăn, và ông triệu tập cuộc họp với các nhà lãnh đạo Apple. Cuộc thảo luận nhanh chóng nhận ra vấn đề Apple gặp là ở châu Á. “Thật sự tệ hại”, Cook nói. “Cần có một ai đó ở Trung Quốc để giải quyết vấn đề”. 30 phút của cuộc họp, Cook nhìn chằm chằm vào Sabih Khan, một nhà lãnh đạo chủ chốt của Apple, và hỏi thẳng thắn, không chút do dự “Tại sao anh vẫn còn ở đây”.

Khan, một trong những “cánh tay phải” của Cook lúc này, ngay lập tức đứng dậy, lái xe ra sân bay quốc tế San Francisco, và không cả thay quần áo, chuẩn bị hành lý, đã đặt chuyến bay đến Trung Quốc mà không hẹn ngày trở về.

Cook hiểu rõ ông phải kéo công ty ra khỏi chiến lược sản xuất cũ. Ông đóng cửa các nhà máy và nhà kho của Apple trên khắp thế giới, thay vào đó, ông thiết lập mối quan hệ với các nhà sản xuất thầu phụ. Sau này, nhiều người đã phải thán phục Cook về tầm nhìn đó. Bởi Apple là một “thiên tài” về thiết kế và marketing, chứ không phải sản xuất.

Để nội bộ Apple phối hợp và hoạt động suôn sẻ, Cook đã thiết lập vào nhóm các nhà quản trị xuất sắc và “khó tính” từng kề vai sát cánh bên ông từ khi ông gia nhập Apple. Họ là Jeff Williams, điều hành mảng bộ nhớ; Deirdre O’Brien, một nhân viên lâu năm của Apple chịu trách nhiệm phân tích và đưa ra các dự đoán; Bill Frederick, đứng đầu bộ phận hỗ trợ khách hàng; và Sabih Khan, nhà lãnh đạo mảng notebook mà Cook từng biệt phái đi Trung Quốc. Năm nay, Cook đã tuyển dụng thêm Rita Lane, từng làm việc cùng Cook ở IBM, để điều hành mảng máy tính để bàn của Apple.

Trong những năm qua, Cook luôn đặt ra nhiệm vụ phải lái “các con tàu” của Apple đi đúng giờ, đúng thời hạn. Năm 2000, ông phụ trách lực lượng bán hàng và hỗ trợ khách hàng. Kể từ đó, “bán hàng” ở Apple nghĩa là làm việc với các nhà bán lẻ và các hãng bán lại Mac. Dưới thời Cook, Apple bắt đầu thay thế các nhân viên bán hàng trong các đại lý như Best Buy bằng lực lượng bán hàng được đào tạo bài bản của riêng Apple. Chiến lược này như một “điềm báo”, bộc lộc khả năng “thiên tài” của Tim Cook trong các chuỗi bán lẻ của Apple ngày nay.

Năm 2004, năm Cook tạm thời thay thế Steve Jobs làm CEO Apple, ông cũng lãnh đạo mảng Macintosh. Năm tiếp theo, Jobs đưa Cook lên vị trí giám đốc điều hành (COO) của Apple. Ngày nay, ông chịu trách nhiệm mở rộng doanh số và hoạt động của iPhone, bao gồm việc thương lượng với các hãng viễn thông sẽ bán thiết bị của Apple tại 51 quốc gia. Lãnh đạo các phòng ban như luật pháp, tài chính, thiết kế và marketing đều báo cáo trực tiếp với Jobs. Nhưng không một nhà quản trị nào bao quát, biết rõ mọi việc tại Apple như Cook.

Tra tấn mọi người bằng hàng loạt câu hỏi

Mặc dù vẫn vui vẻ, song nét mặt “mặc định” của Cook luôn toát lên sự nghiêm khắc, và sự hài hước dường như vô cùng hiếm hoi với Cook. Trong các cuộc họp, Cook nổi tiếng với những khoảnh khắc im lặng bất thường kéo dài, không thoải mái. Như tất cả mọi người ở Apple, Cook thường mặc quần jeans, mái tóc màu xám của ông được cắt gọn ghẽ theo phong cách của Lance Amstrong, người ông rất hâm mộ. Cook luôn đi giày của hãng Nike.

Khả năng chịu đựng, sức làm việc dẻo dai của Cook luôn được các nhân viên Apple khâm phục. Ông thường bắt đầu viết email cho các nhà quản trị từ 4h30 sáng, các cuộc họp qua điện thoại kết nối đến toàn thế giới có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong ngày. Trong nhiều năm liền, Cook thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhân viên vào tối Chủ nhật bằng điện thoại để chuẩn bị cho những cuộc họp sẽ diễn ra vào sáng thứ Hai.

Mike Janes, từng làm việc với Cook trong 5 năm và là phụ trách gian hàng trực tuyến của Apple, nhớ lại một hội nghị Macworld ở New York khi Cook triệu tập cuộc họp vào buổi chiều sau một trong những bài phát biểu ấn tượng của Jobs hồi buổi sáng. “Lúc đó, một số chúng tôi đã có vé xem trận đấu bóng vào tối hôm đó”, Janes nói. “Nhưng Cook liên tục “tra tấn” mọi người bằng hàng loạt câu hỏi nối tiếp nhau, trong khi chúng tôi cứ xem đồng hồ như thể những đứa trẻ đang đi học mong giờ ra chơi vậy. Thế nhưng, Cook lại nói “ok, vấn đề tiếp theo”, và không cần phải nói, chúng tôi đều biết mình đã bỏ lỡ mất trận đấu”.

Với những người có thể “chịu đựng” ông, làm việc với Cook là một kinh nghiệm mở mang trí óc. “Ông sẽ hỏi bạn 10 câu hỏi. Nếu bạn trả lời đúng, ông sẽ lại hỏi thêm 10 câu nữa. Nhưng nếu trả lời sai 1 câu, ông sẽ hỏi bạn 20 câu và sau đó là 30 câu”, Steve Doil, người làm việc trong nhóm quản trị của Cook trước khi thôi việc vì lý do gia đình nói.

Cook thậm chí có thể trở nên hung hăng, cục tính trong các cuộc họp. “Tôi đã chứng kiến”, một cựu lãnh đạo của Apple nói, “Ông hỏi bạn những câu hỏi mà ông biết bạn không thể trả lời, và ông cứ tiếp tục như thế mãi”.

Độc thân, kín đáo và khiêm tốn

Trong khi mọi người có thể hiểu rõ Cook và tính cách của ông trong công việc, thì hầu như không ai nói được nhiều về cuộc sống của ông ngoài Apple. Là một người độc thân, ông sống trong một căn nhà thuê ở Palo Alto, hầu như không thể hiện những dấu hiệu của sự giàu có. Ông nổi tiếng là người đầu tiên đến công ty và là người cuối cùng ra khỏi văn phòng và thường xuyên có lịch đi công tác quốc tế. Khi không làm việc, Cook hầu như chỉ luyện tập trong phòng thể thao, đi bộ hoặc đi xe đạp.

Việc Cook ghét sự phô trương, khoe khoang có thể bắt nguồn từ cuộc sống tuổi thơ của ông. Cook lớn lên ở một thị trấn nhỏ “trên con đường đi ra bãi biển”. Bố ông là một công nhân đóng tàu đã về hưu, mẹ ông là người nội trợ trong gia đình. Cũng như Steve Jobs, Cook đã trải qua những thời gian buồn đau: năm 1996 ông chẩn đoán bị đa xơ cứng, song đó dường như là một chẩn đoán nhầm lẫn. “Nhưng bạn đã nhìn thế giới theo một cách khác sau một thông tin như vậy”, ông từng nói.

Lo lắng về sức khỏe khiến Cook thích và đam mê đạp xe đạp. Ông cũng được biết là đã làm từ thiện rất nhiều, tuy nhiên, không có nhiều ghi chép về việc làm này, có lẽ bởi ông là người kín đáo. Nhiều người xem Cook là người tách biệt, không cởi mở, hòa đồng, mặc dù dường như ông hay xấu hổ thì đúng hơn.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Auburn (Mỹ), Cook đã làm việc tại IBM hơn 10 năm liền. Ông luôn thể hiện tinh thần cống hiến cho công việc, tự nguyện làm việc tại nhà máy trong khoảng thời gian từ Giáng sinh đến năm mới, để công ty có thể hoàn thành các đơn đặt hàng trong năm. Người ta từng ví Cook với cây xương rồng. Cây xương rồng có gai bên ngoài, còn Cook hoàn toàn trái ngược. Ông có tính cách thực sự khiến mọi người thích làm việc với ông. Ông thông minh hơn mọi người, hiếu chiến theo cách tích cực hơn mọi người và làm việc chăm chỉ hơn bất kỳ ai.

Tuy nhiên, điều cả thế giới công nghệ đang băn khoăn là liệu ông có thực sự kế vị thành công Steve Jobs vai trò CEO của Apple. Và nếu không phải là Cook, sẽ là ai? Có một điều chắc chắn, Cook là người được chính Steve Jobs tín nhiệm và bổ nhiệm làm CEO Apple khi Jobs công bố từ chức.

Hơn nữa, người ta còn băn khoăn liệu Cook có muốn trở thành một CEO – một vị trí đòi hỏi cao sẽ thu hút sự chú ý của công chúng mà ông vốn đã thận trọng né tránh từ xưa. Song mọi người cũng đều biết Cook có một tình yêu chân thành dành cho Apple.

Theo Mạnh Hùng Tổng hợp (ICTnews)

Đọc thêm