“Cha đẻ” của “trí tuệ nhân tạo” qua đời ở tuổi 84

Nguyên nhân cái chết của ông là do biến chứng của căn bệnh tim.
Sinh năm 1927, McCarthy có bằng tiến sĩ khoa học về toán học và đã có thời gian dành giảng dạy tại trường đại học Stanford. Chính ông là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” tại một hội nghị khoa học diễn ra vào năm 1956 và chính ông cũng là người tiên phong mở ra lĩnh vực nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.

“Cha đẻ” của “trí tuệ nhân tạo” qua đời ở tuổi 84 ảnh 1

John McCarthy là người khai sinh ra lĩnh vực “trí tuệ nhân tạo”
McCarthy cũng tạo nên ngôn ngữ lập trình Lisp vào năm 1958, là một trong những ngôn ngữ lập trình đầu tiên và được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực “trí tuệ nhân tạo” cho đến ngày nay.
Năm 1961, cũng chính McCarthy là một trong những người đầu tiên đã đề xuất ý tưởng về việc bán hiệu suất của các hệ thống máy tính mạnh, thông qua các mô hình kinh doanh. Mặc dù ý tưởng này sau đó đã bị bỏ rơi vào những năm 1990, nhưng sau đó nó chính là tiền đề cho sự phát triển của các mô hình điện toán đám mây nở rộ vào những năm 2000 và cho đến tận ngày hôm nay, cung cấp cho người dùng những dịch vụ và tiện ích trên các máy chủ “đám mây” của các hãng cung cấp.
Để vinh danh cho sự đóng góp của mình, nhất là trong việc sáng lập ra lĩnh vực “trí tuệ nhân tạo”, McCarthy đã nhận được giải thưởng cao quý Turing do Hiệp hội máy tính trao tặng vào năm 1971. Ngoài ra ông cũng nhận được giải thưởng Kyoto (tương đương giải thưởng Nobel tại Nhật Bản) vào năm 1988, huy chương Quốc gia về khoa học do tổng thống Mỹ trao tặng năm 1991 và huân chương Benjamin Franklin do học viện Franklin trao tặng vào năm 2003.
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo được áp dụng rộng rãi trong lập trình các hệ thống tự động và sản xuất robot.
Theo Ngân Hà (Dân trí)

Đọc thêm