“Cha đẻ” bất ngờ từ nhiệm, tương lai của Android bị đặt dấu hỏi

Thông tin trên vừa được đích thân CEO của Google, Larry Page, đăng tải lên blog chính thức của công ty.

“Andy đã quyết định đây là thời điểm bàn giao công việc và bắt đầu một vị trí mới tại Google”, Larry cho biết.

Như vậy, sau khi rời khỏi vị trí lãnh đạo của bộ phận Android, thay vì tách riêng và bắt đầu sự nghiệp mới như phần lớn trường hợp khác, Andy Rubin vẫn tiếp tục ở lại và làm việc cho Google.

“Cha đẻ” bất ngờ từ nhiệm, tương lai của Android bị đặt dấu hỏi ảnh 1

Andy Rubin sẽ không còn đứng đầu bộ phận Android, sản phẩm do chính mính tạo ra
Người tiếp quản vị trí do Andy Rubin để lại là Sundar Pichai, một cái tên rất quen thuộc tại Google. Hiện Sundar Pichai là Phó chủ tịch phụ trách bộ phận Chrome, Google Apps.

“Sundar có tài năng và đủ năng lực để tạo nên những sản phẩm với kỹ thuật hoàn hảo, dễ dàng sử dụng và anh ấy là người thích mạo hiểm. Ví dụ với Chrome, vào năm 2008, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu thế giới có thực sự cần một trình duyệt web mới? Và giờ đây, Chrome có hàng trăm triệu người sử dụng và họ cảm thấy hài lòng với tốc độ, sự đơn giản và tính bảo mật của trình duyệt web này”, Page cho biết.

Tuy nhiên động thái của Google khiến giới công nghệ hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Android, nhất là khi trước đây có nhiều thông tin đồn đoán Google sẽ hợp nhất Android với Chrome OS của mình, thì giờ đây khi Android được giao về tay người phụ trách nền tảng Chrome OS, khả năng này lại trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.

Hiện chưa rõ vị trí mới mà Andy Rubin đảm nhiệm, tuy nhiên giới công nghệ dự đoán Rubin sẽ được chuyển sang để làm việc tại phòng thí nghiệm “X”, nơi phát triển các sản phẩm bí mật của Google, mà rất có thể trong đó có chiếc smartphone hoàn toàn mới do Google phát triển.

Andy Rubin, Android và tầm quan trọng với Google

Andy Rubin được xem là “cha đẻ” của nền tảng Android, là nhà đồng sáng lập công ty này vào năm 2003 và bắt đầu làm việc cho Google từ năm 2005 sau khi “gã khổng lồ tìm kiếm” mua lại công ty Android. Được xây dựng trên một nền tảng mã nguồn mở, Android cho phép dễ dàng tùy biến để có thể chạy trên nhiều loại thiết bị khác nhau với nhiều kiểu cấu hình khác nhau, điều này góp phần giúp cho nền tảng Android của Google dễ dàng trở nên phổ biến trên thị trường.

“Trước khi Rubun cùng với Android xuất hiện, đó là một thời kỳ phát triển cực kỳ khó khăn của các thiết bị di động. Chúng tôi đã có hơn 100 thiết bị di động và đã xây dựng rất nhiều phần mềm khác nhau, nhưng cũng không thể mang lại một trải nghiệm di động thực sự hoàn hảo”, Page cho biết thêm về vai trò quan trọng của Android và Andy Rubin với Google.

“Mọi người đã nghĩ anh ấy có vấn đề khi đề cập đến việc phát triển một nền tảng di động mở”, Page cho biết thêm. Vào thời điểm khi mà Android mới xuất hiện, Nokia, Motorola và RIM (nay là BlackBerry) là những hãng “thống trị” thị trường di động. Các công ty đều sở hữu những nền tảng động quyền và phát triển phần cứng dựa hoàn toàn trên những nền tảng do họ sở hữu.

Tuy nhiên cùng với sự xuất hiện của nền tảng Android đã cho phép nhiều công ty hơn, thậm chí cả các công ty sản xuất máy tính, cũng có thể đặt chân vào thị trường di động. Sau gần một thập kỷ phát triển, Android không chỉ là nền tảng di động phổ biến nhất thế giới mà Google còn xây dựng được một mạng lưới đối tác rộng lớn với hơn 60 hãng sản xuất khác nhau, 750 triệu thiết bị chạy Android được kích hoạt trên toàn cầu và hơn 25 tỷ ứng dụng được download từ Google Play.

Theo T.Thủy (Dân trí)

Đọc thêm