Cấm gửi SMS quảng cáo sau 22 giờ

Cấm gửi SMS quảng cáo sau 22 giờ ảnh 1

Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác có hiệu lực từ 1/1/2013 được kỳ vọng sẽ xóa sổ nỗi ám ảnh mang tên "tin nhắn rác".

Chỉ được gửi SMS từ 7-22 giờ

Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2013 sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các CP. Một trong số đó là quy định không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ, và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thoả thuận khác với người nhận. Quy định này nhằm làm giảm các hành vi gây bức xúc trong xã hội thời gian qua như dùng 3,4 SIM rác nhắn cùng nội dung tin đến một thuê bao chỉ trong vòng một vài phút hay nhắn tin gây khó chịu cho người dùng vào lúc 1-2 giờ sáng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ra đời được hơn 4 năm và nhiều quy định còn mang tính hình thức, không được các CP thực hiện. Ví dụ như quy định hàng tháng CP phải gửi báo cáo, thống kê số lượng tin nhắn, thư điện tử quảng cáo, nhưng do không có sự tương tác về hệ thống nên khó có thể kiểm tra được tính chính xác của các báo cáo, thống kê. Vì thế, Nghị định 77/2012/NĐ-CP ra đời đã có những quy định mang tính kỹ thuật như quy định khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi đồng thời một bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ TT&TT. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng quản lý các doanh nghiệp hơn.

Mặt khác, Nghị định số 90/2008/NĐ-CP khi ra đời từng được các công ty cung cấp quảng cáo qua tin nhắn đặt nhiều kỳ vọng nhưng trong quá trình triển khai nhiều doanh nghiệp dù được cấp mã số quản lý cho dịch vụ gửi tin nhắn nhưng vẫn rất khó thực hiện. Nguyên do là nhà mạng đã đưa ra các chính sách hạn chế bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo không được phép chủ động gửi đi tin nhắn quảng cáo từ đầu số được cấp.

Hệ quả là thị trường quảng cáo qua tin nhắn không phát triển được và nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đành phải sử dụng phương án mua SIM trả trước để tự quảng cáo, hoặc đi mua các gói dịch vụ gửi tin nhắn từ nước ngoài để gián tiếp gửi tin quảng cáo cho khách hàng trong nước. Điều này vừa gây thiệt hại cho nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo vừa thất thu cho thị trường Việt Nam. Do đó, quy định “không phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn quảng cáo là đơn vị thành viên của mình với các nhà cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn quảng cáo khác” được xem là một cải tiến của Nghị định mới nhưng hiệu quả đến đâu thì phải đợi thời gian trả lời.

Vẫn còn nhiều quy định chưa rõ ràng

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty VMG, Nghị định 77/2012/NĐ-CP đã bổ sung Điều 22a quy định về việc sử dụng tên định danh cho mục đích quảng cáo bằng tin nhắn (SMS Brandname), theo đó doanh nghiệp muốn đăng ký, sử dụng tên định danh phải đăng ký với Bộ TT&TT và nộp phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng thực tế, từ trước tới nay muốn cung cấp dịch vụ, khi sử dụng tên định danh trong tin nhắn quảng cáo, doanh nghiệp đã phải đăng ký với các nhà mạng để nhận mã số, tài khoản sử dụng và giá do từng nhà mạng quy định. “Vậy khi Nghị định 77/2012/NĐ-CP có hiệu lực, doanh nghiệp đã đăng ký với nhà mạng có phải tiếp tục đăng ký với Bộ TT&TT và trả một lần phí nữa hay không?”, ông Hà thắc mắc.

Còn đại diện Galaxy Mobile cho biết, dù Điều 7 quy định: “cá nhân, tổ chức chỉ được phép gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận” nhưng khái niệm thế nào là “sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận” phải được làm rõ. Bởi nếu khách hàng sử dụng một dịch vụ cách đây 1 tháng nhưng hiện đã ngừng sử dụng, nếu doanh nghiệp tiếp tục nhắn tin quảng cáo dịch vụ đó cho khách hàng thì có vi phạm Nghị định 77/2012/NĐ-CP hay không?

Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Hà cho rằng: “Một doanh nghiệp có thể đưa ra hàng trăm dịch vụ, nếu khách hàng chỉ sử dụng một dịch vụ thì có được coi như đã đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo của các dịch vụ khác không. Ngược lại người dùng đăng ký từ chối nhận quảng cáo một dịch vụ thì có nên hiểu là họ từ chối quảng cáo tất cả những dịch vụ còn lại do CP này cung cấp không?”. Các khái niệm này khá mơ hồ và cần được làm rõ nếu không sẽ khó cải thiện được những hạn chế trong khâu kiểm tra, kiểm soát việc thực thi của các CP.

Đại diện của Bộ TT&TT cho biết, sau khi Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác có hiệu lực, Bộ sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết, khi đó các vấn đề mà doanh nghiệp chưa hiểu rõ sẽ được Thông tư hướng dẫn giải đáp cụ thể.

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm