ĐƯA VIỆT NAM TRỞ THÀNH QUỐC GIA MẠNH VỀ CNTT-TT:

Các “ông lớn” tung dự án “khủng”

Các “ông lớn” tung dự án “khủng” ảnh 1

Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trong tiếp thị, nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm.

“Dự án tỷ đô” cải thiện bộ mặt CNTT-TT

Trong “Dự thảo kế hoạch triển khai Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT&TT” do Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT đưa ra tại Hội nghị, một lần nữa các tập đoàn, tổng công ty hàng đầu trong nước như VNPT, Viettel, VTC, FPT, CMC… đã được nhắc tới như những “cánh chim đầu đàn” trong trọng trách cải thiện năng lực ngành CNTT-TT, góp phần đưa mục tiêu Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh thành hiện thực.

Đại diện Tập đoàn VNPT, ông Nghiêm Phú Hoàn – Phó TGĐ Tập đoàn tiết lộ: Trong thời gian tới, VNPT sẽ dành tổng kinh phí dự kiến lên tới hơn 63 nghìn tỷ đồng để tập trung vào 12 dự án trọng điểm gồm phát triển nguồn nhân lực CNTT, tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển (R&D), xây dựng các phòng thí nghiệm công nghệ băng rộng, thử nghiệm công nghệ 4G, công nghệ IPv6, phóng vệ tinh VINASAT 2… “Trong đó, riêng với việc tăng cường năng lực mạng viễn thông di động VinaPhone và MobiFone, Tập đoàn cũng đã dành mức kinh phí dự kiến đến 30 nghìn tỷ đồng”, ông Nghiêm Phú Hoàn cho biết.

Không nêu chi tiết về các mức kinh phí sẽ đầu tư, tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cũng cho biết Viettel đang lên kế hoạch thực hiện nhiều dự án với trị giá “tỷ đô” nhằm thực hiện thành công chiến lược đầu tư ra nước ngoài, nghiên cứu thiết kế sản phẩm công nghệ… để thực hiện thành công tham vọng trong khoảng 5 năm tới Tập đoàn này ít nhất cũng sẽ nằm trong top 30 doanh nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới. “Ngoài trụ chính là lĩnh vực viễn thông, Viettel cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu sản xuất (thay vì chủ yếu lắp ráp như trước). Từ năm 2010, Viettel sẽ chi thường xuyên hàng năm từ 1500 – 2000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Hiện chúng tôi đang thành lập một công ty thiết kế để thiết kế sản phẩm mang thương hiệu Việt”, ông Hùng cho hay.

Cũng là một trong những Tập đoàn hàng đầu của Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT, viễn thông và kinh doanh điện tử, hiện CMC đang xúc tiến một số dự án lớn nhằm thực hiện quyết tâm từ nay đến năm 2015 sẽ trở thành một trong những Tập đoàn hàng đầu trong sản xuất máy tính, điện thoại thông minh và các thiết bị số cầm tay thương hiệu Việt. Góp phần thực hiện thành công Đề án Tăng tốc, CMC cũng cam kết tham gia thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu dân cư, đưa Internet về vùng sâu vùng xa dùng VSAT… “CMC cũng đang xúc tiến thành lập quỹ đầu tư công nghệ với tổng số vốn ban đầu 2 triệu USD nhằm đầu tư vào các dự án ở thời kỳ sơ khai, các ý tưởng về các sản phẩm, dịch vụ tiềm năng có hàm lượng công nghệ cao, độc đáo nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn. Bên cạnh đó, “Quỹ đầu tư hoạt động M&A” với tổng số vốn dự kiến hơn 20 triệu USD sẽ được dùng vào việc đầu tư hoặc mua lại các công ty đã có sản phẩm, dịch vụ được triển khai và khai thác thương mại, có mô hình kinh doanh rõ ràng, phù hợp với định hướng phát triển của CMC”, ông Nguyễn Trung Chính – TGĐ Tập đoàn chia sẻ thêm.

Cũng không đưa ra kế hoạch chi tiết, tuy nhiên trong thời gian tới Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện lộ trình số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, mở rộng băng thông Internet, nâng cao năng lực R&D, xây dựng mạng xã hội Việt Nam, phát triển nội dung số…

Liên quan đến câu chuyện thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, có thể nhận thấy hiện nay cả VNPT, Viettel, VTC, CMC cũng đều đã tuyên bố sẽ triển khai hàng loạt dự án như mở rộng mạng lưới băng rộng đến các xã, phường, thôn bản trên cả nước, đưa ra chương trình máy tính giá rẻ... Theo Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, trong khi Việt Nam đang giương cao mục tiêu sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT, thì hiện giá thiết bị đầu cuối tại Việt Nam còn khá cao. “Nếu Chính phủ và doanh nghiệp không cùng chung tay làm mạnh về vấn đề này, để đưa được máy tính giá rẻ đến với cộng đồng thì CNTT tại Việt Nam sẽ rất khó phát triển”, ông Hùng nhấn mạnh, đồng thời cho biết thời gian tới Viettel sẽ thực hiện dự án đưa máy tính giá rẻ đến cộng đồng. Ngoài ra, Viettel cũng tiếp tục triển khai các chương trình Internet trường học, Chính phủ điện tử miễn phí, duy trì mức kinh phí từ 200 – 300 tỷ đồng làm nội dung số miễn phí cung cấp cho cộng đồng người dùng trên mạng… nhằm thể hiện trách nhiệm của Viettel đối với xã hội. Viết tiếp câu chuyện máy tính giá rẻ, CMC cũng đã cam kết thực hiện dự án 1.000.000 máy tính giá rẻ cho cộng đồng. “Hiện Đề án đã được chúng tôi trình lên Bộ TT&TT để sớm có được thời gian triển khai nhanh nhất”, ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.

Chính phủ cam kết đẩy mạnh hỗ trợ

Để thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch nêu trên, tại Hội nghị các doanh nghiệp cũng đã đề xuất từ phía Nhà nước cần sớm có sự điều chỉnh trong công tác quản lý nhằm tạo sự thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. TGĐ Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng đặt trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp CNTT có hoạt động R&D (ưu đãi miễn thuế, hỗ trợ tối đa một số điều kiện về cơ sở hạ tầng như cước viễn thông, phòng thí nghiệm, đặt hàng các đề tài nghiên cứu...), cần xây dựng nhiều cầu nối giữa các khu vực Nhà nước – Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo – Doanh nghiệp – Đối tác quốc tế... với các doanh nghiệp CNTT-TT.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần nghiên cứu thành lập Trung tâm R&D về CNTT để tận dụng những tài sản sở hữu trí tuệ từ các cá nhân và tổ chức nước ngoài, xem xét thời gian miễn giảm phí viễn thông công ích trong một số năm đầu đối với doanh nghiệp mới được thành lập. “Các doanh nghiệp mới được đầu tư thành lập, thị trường cạnh tranh quyết liệt, sẽ thêm nhiều khó khăn nếu phải đóng phí kết nối theo qui định từ ngay những ngày đầu”, ông Chính nhận định, đồng thời cũng cho rằng Bộ TT&TT cần lưu ý việc quản lý giá với dịch vụ Internet băng rộng, nhất là với các doanh nghiệp đang khống chế thị trường.

Theo ông Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng trường Đại học FPT, thì ngành CNTT cần đẩy mạnh triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu CNTT-TT trong và ngoài nước nhằm tạo sức hút. Bên cạnh đó, phải có được chính sách quản lý đặc thù cho phát triển CNTT-TT, đặc biệt là đào tạo nhân lực nhằm loại bỏ phương thức quản lý mang nặng tính kế hoạch hoá, phi thị trường đang hạn chế sức hút đầu tư, kìm hãm sức sáng tạo. 

Về vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp, tại Hội nghị Quốc gia về CNTT-TT Việt Nam 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã khẳng định rõ quan điểm Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trong tiếp thị, nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm và xây dựng phòng thí nghiệm, giúp các đơn vị trở thành những doanh nghiệp đầu đàn trong cả nước, đủ năng lực phát triển các sản phẩm quốc gia, tạo thương hiệu quốc tế. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các đối tượng các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ được hỗ trợ về đào tạo kỹ năng quản lý, được tạo điều kiện để khuyến khích phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như quy mô doanh nghiệp.

Trước quyết tâm của các Tập đoàn, Tổng công ty trong việc thực hiện thành công Đề án Tăng tốc, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch hành động, đề xuất sáng kiến và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, coi việc thực hiện Đề án là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần thường xuyên báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện về Bộ TT&TT”.

Theo Nguyên Đức (ICTnews)

Đọc thêm