Các nước "quản" game thủ như thế nào?

Các nước "quản" game thủ như thế nào? ảnh 1

Ảnh minh họa: Internet

Game thủ "teen" chỉ được chơi tối đa 5g

Theo bách khoa thư trực tuyến Wikipedia, thị trường game online của Trung Quốc đạt doanh thu 1,6 tỷ USD năm 2007 và dự kiến sẽ vượt qua con số 3 tỷ USD vào năm 2010. Trò chơi trực tuyến (game online) là một trong những ngành kinh doanh Internet lớn nhất và phát triển mạnh nhất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, game online cũng gây ra nhiều mặt trái cho xã hội Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách nhằm quản lý loại hình trò chơi này, trong đó có việc hạn chế giờ chơi game.

Từ cuối năm 2005, Trung Quốc đã đưa ra hệ thống hạn chế giờ chơi game online. Theo quy định, các doanh nghiệp game online phải cài đặt hệ thống hạn chế giờ chơi vào game do mình cung cấp với các tiêu chuẩn về “tình trạng sức khoẻ” của người chơi. Cụ thể, chơi dưới 3 giờ là giờ “khoẻ mạnh”; nhưng chơi đến hơn 5 giờ là giờ “nguy hại”.

Trong giờ “mệt mỏi”, cứ 30 phút hệ thống sẽ cảnh báo người chơi một lần và chỉ được tính 50% điểm thưởng. Trong giờ “nguy hại”, hệ thống sẽ cảnh báo người chơi 15 phút một lần và không được tính điểm thưởng. Quy định này lúc đầu được áp dụng thử nghiệm cho một số game. Tuy nhiên, nó vẫn còn nhiều kẽ hở, chẳng hạn game thủ có thể sở hữu nhiều tài khoản một lúc, tài khoản này đến giờ “mệt mỏi” hoặc “nguy hại” họ sẽ chuyển sang tài khoản khác...

Năm 2007, Trung Quốc tiếp tục áp dụng Thông tư hạn chế 5 giờ chơi game. Tuy nhiên, Thông tư phân ra 2 nhóm đối tượng chơi game là người thành niên và người vị thành niên. Thông tư hạn chế 5 giờ chơi chỉ có tác dụng với người vị thành niên.

Các công ty phát hành game online được cho ba tháng để chuẩn bị và cài đặt các phần mềm “chống nghiện game”. Để đảm bảo những game thủ vị thành niên không đăng kí “lậu” bằng tài khoản “người lớn”, Trung Quốc quy định tất cả các tài khoản đăng kí game online sẽ phải đăng kí bằng tên thật và số thẻ chứng minh nhân dân của mình.

Báo chí Trung Quốc sau đó cho biết, qua hơn 1 năm hoạt động, hệ thống kiểm soát việc chơi game online đã chứng tỏ được hiệu quả ở Trung Quốc. Theo điều tra của Trung tâm dịch vụ xã hội Thanh thiếu niên Trung Quốc, có khoảng 60% các bạn trẻ hài lòng với hệ thống kiểm soát chơi game online này.

Chơi khung giờ lựa chọn

Tháng 4 vừa qua, Hàn Quốc đã thông qua một số biện pháp hạn chế giờ chơi của game thủ. Dự kiến, những biện pháp này sẽ được áp dụng trong nửa cuối năm nay. Cụ thể, game thủ Hàn Quốc sẽ có 3 lựa chọn không được chơi game vào khung giờ từ 0-6 giờ sáng, từ 1-7 giờ sáng và từ 2-8 giờ sáng. Chính phủ sẽ cài phần mềm tự động ngắt cuộc chơi khi đến “giờ giới nghiêm”.

Ngoài ra, một hệ thống giám sát Internet cũng được thiết lập, và tốc độ truy cập các trang game online sẽ bị chậm đi khi người truy cập vào chơi quá 6 tiếng một ngày. Để kiểm soát chặt chẽ hơn việc chơi game của các game thủ nhỏ tuổi, cơ quan quản lý đang xem xét yêu cầu các em nhỏ phải sử dụng số đăng ký ID của cha mẹ khi chơi game để họ có thể giám sát con cái.

Ngoài việc phối hợp với các hãng phân phối game cài đặt phần mềm hạn chế giờ chơi hoặc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ Internet làm chậm tốc độ đường truyền, chính quyền các nước còn áp dụng “lệnh giới nghiêm” với các quán cà phê Internet, các cửa hàng game. Các nhà chức trách đều cho rằng hành động đó nhằm bảo vệ cho sức khoẻ của game thủ và tránh những vụ án đáng tiếc xảy ra do quá mê game.

Trong khi đó, các quốc gia phương Tây chủ yếu quản lý game dựa trên hệ thống phân loại độ tuổi chơi game tuỳ theo nội dung trò chơi. Mặc dù ít có các quy định cấm đoán và hạn chế giờ chơi, song hoạt động kinh doanh, chơi game online của các đối tượng được thực hiện rất nghiêm túc và chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác cũng như mức độ quản lý của các bậc phụ huynh với con em mình.

Tại Australia và các quốc gia phương Tây chủ yếu thông qua hệ thống phân loại độ tuổi chơi game tuỳ theo nội dung trò chơi (phổ biến nhất là ESRB) để quản lý cả thị trường trò chơi thông thường lẫn trực tuyến. Được phân thành nhiều mức khác nhau (6 tuổi, 10 tuổi, 13 tuổi, 17 tuổi và người lớn), hệ thống đánh giá ESRB là hoàn toàn tự nguyện, mặc dù vậy, xã hội và chính phủ các quốc gia này vẫn thừa nhận nó là thước đo chính xác nhất.

Theo ICTNews, TTO

Đọc thêm