BSA: Giá trị phần mềm vi phạm ở VN tăng 30%

Bảo vệ bản quyền phần mềm không đơn giản là xử phạt

BSA và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) hôm qua (12/5) công bố báo cáo thường niên về vi phạm BQPM toàn cầu, cho biết tỷ lệ vi phạm tại Việt Nam vẫn ở mức 85% như năm 2007. Tuy nhiên, đáng chú ý là thiệt hại từ nạn vi phạm BQPM máy tính tại Việt Nam đã lên tới 257 triệu USD, tăng 30% so với năm 2007.

Theo nghiên cứu này, tỷ lệ vi phạm BQPM trên toàn cầu tăng lên 41% trong năm 2008, từ mức 38% năm 2007. Nguyên nhân chủ yếu được BSA chỉ ra là do số máy tính cá nhân mới được bán ra lại tăng mạnh nhất tại những nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao như Trung Quốc và Ấn Độ. “Sự tăng nhanh số lượng máy tính cá nhân mới này đã làm lu mờ những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến chống nạn vi phạm bản quyền. Và điều này cũng đúng với Việt Nam trong năm 2008”, thông cáo tiếng Việt của BSA kết luận.

Ông Đào Anh Tuấn, đại diện BSA tại Việt Nam cho biết tỷ lệ máy tính cá nhân bán ra năm 2008 giảm 13% nhưng số lượng máy tính bán cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ lại tăng gấp đôi. “Mặc dù Việt Nam đã có nỗ lực trong việc chống vi phạm BQPM trong khối doanh nghiệp, nhưng sự tăng trưởng mạnh của thị trường dành cho người tiêu dùng đã làm đáng kể kết quả chống vi phạm ở khối doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Theo BSA, vi phạm BQPM không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp phần mềm. Ví dụ, mỗi một USD từ việc bán phần mềm tại một quốc gia, sẽ đóng góp 3 đến 4 USD cho các công ty địa phương làm dịch vụ CNTT và phân phối. Nghiên cứu IDC năm 2008 đã dự đoán nếu tỉ lệ vi phạm phần mềm máy tính giảm đi 10% trong vòng 4 năm thì sẽ tạo ra 600.000 việc làm mới trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, BSA cho rằng vi phạm BQPM còn làm giảm nguồn thu thuế của chính phủ. Theo nghiên cứu của BSA trong năm 2008, giảm vi phạm phần mềm đi 10% thì chính phủ sẽ có thêm 24 triệu USD mà không cần phải tăng thuế.

Thông cáo của BSA cũng đưa ra ví dụ trích dẫn ý kiến của ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (Bkis) cho rằng: “Nếu Bkis có được 20% trong số khoảng 5 triệu người dùng phần mềm diệt virus BKAV trả phí bản quyền khoảng 20 USD/phần mềm, thì mỗi năm trung tâm sẽ thu được khoảng 20 triệu USD. Như vậy, Bkis sẽ có điều kiện để đầu tư mạnh hơn cho việc phát triển sản phẩm cũng như tạo thêm việc làm và đóng thuế nhiều hơn cho nhà nước”.

Ngoài ra, BSA cho rằng vi phạm phần mềm còn gia tăng nguy cơ an ninh mạng. Ví dụ gần nhất là việc phát tán vi rút Conficker một phần là do các phần mềm bất hợp pháp không được tự động cập nhật các virus mới.

Trên bình diện toàn cầu, tỷ lệ vi phạm BQPM máy tính đã giảm tại 57 nước (hơn một nửa trong tổng số 110 quốc gia được nghiên cứu), 36 quốc gia vẫn giậm tại chỗ và 16 quốc gia tăng trong năm 2008. Doanh số phần mềm toàn cầu năm 2008 tăng 14%, đạt 88 tỷ USD. Tỷ lệ vi phạm BQPM ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng từ 59% của năm 2007 lên 61% trong năm 2008, với số thiệt hại lên tới 15 tỷ USD.

Theo ICTNews

Đọc thêm