Bom tấn hay là chết?

Bom tấn hay là chết? ảnh 1

Thị trường công nghệ đầy khốc liệt có nhiều sản phẩm rầm rộ ra mắt rồi nhanh chóng “biến mất”. (Ảnh minh họa)

Tuổi đời ngắn ngủi

Trong thời gian vừa qua, các công ty công nghệ đang có xu hướng “thủ tiêu” sản phẩm mới với tốc độ tăng chóng mặt. Chỉ 7 tuần sau khi xuất hiện, máy tính bảng TouchPad của Hewlett-Packard (H.P) đã bị “thanh lý” với nhiều lần giảm giá liên tiếp. Năm ngoái, Microsoft tuyên bố ngừng sản xuất điện thoại Kin sau 48 ngày chào bán. Tháng 5/2010, Google tự hào ra mắt công cụ làm việc trực tuyến Wave để rồi chấm dứt dịch vụ này sau chưa đầy 3 tháng. Palm thông báo sắp ra máy tính bảng đầu tiên Foleo vào ngày 30/5/2007. Ngày 04/9, Palm ngừng phát triển và Foleo không bao giờ được bán ra. Nhà sản xuất máy quay Flip Pure Digital dự định ra Flip-Live vào ngày 13/4. Nhưng công ty Cisco sau khi mua lại Pure Digital vào năm 2009 đã đóng cửa hoàn toàn bộ phận này vào ngày 12/4.

Theo các nhà phân tích, quan niệm “Bom tấn hay là chết?” có nguồn gốc từ Apple. Mỗi khi công ty này ra phiên bản iPad và iPhone mới lại là một sự kiện truyền thông rầm rộ được nhiều người quan tâm. Ngày nay, các công ty công nghệ lớn, đặc biệt là các công ty trong ngành công nghiệp smartphone và máy tính bảng siêu cạnh tranh, đang bắt đầu bắt chước các hãng làm phim Hollywood. Mỗi sản phẩm mới ra đời phải là một quả bom tấn, và thước đo thành công duy nhất là thứ hạng trong danh sách các phim đạt doanh thu cao nhất trong tuần công chiếu đầu tiên.

Tương tự với doanh thu trong tuần đầu tiên công chiếu của mỗi bộ phim, những lời đánh giá đầu tiên về một mẫu máy tính bảng hay điện thoại di động quyết định rất nhiều sự thành công của một sản phẩm. Ngày nay, khi một sản phẩm hoạt động tốt hay dính lỗi, những thông tin này nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng đông đảo những người sử dụng Facebook, Twitter hay blog công nghệ. Trong khi nhận xét tốt sẽ quảng bá cho sản phẩm thì những nhận xét không tốt thậm chí có khả năng giết chết hình ảnh của nhà sản xuất. Nhà phân tích Chris Jones nói rằng: “Một khi hình tượng bị phá vỡ rất khó để khôi phục lại”.

“Bom tấn” cũng phải cạnh tranh

Tuy nhiên, những nhận định đầu tiên tuy quan trọng nhưng không thể hoàn toàn quyết định một sản phẩm có thành công hay không. Để một sản phẩm xuất hiện, bám trụ và thành công trên thị trường đôi khi là cả một cuộc vật lộn khó khăn.

Nhà phân tích Al Hilwa của hãng nghiên cứu IDC coi vòng đời ngắn ngủi của mỗi thiết bị phần cứng cao cấp là “theo thuyết chọn lọc tự nhiên” của Darwin: Đó là sự bảo tồn những gì có lợi, đào thải những biến đổi có hại và chỉ những sinh vật dễ thích nghi nhất mới có cơ hội sống sót.

Một điều nữa cũng hết sức quan trọng, là các nhà sản xuất không nên thổi phồng những sản phẩm của mình. Về vấn đề này, Giám đốc công ty tư vấn CNTT TeamLogic IT, ông Neal LoCurto, đã lấy chính câu chuyện của mình làm ví dụ: Ông mua TouchPad ngay từ buổi sáng đầu tiên sản phẩm này ra mắt. Ông LoCurto không hài lòng với TouchPad vì sản phẩm này thiếu ứng dụng. Dù không mất tiền, nhưng đôi khi khách hàng cảm thấy không được tôn trọng khi sản phẩm không được như lời hứa hẹn của nhà sản xuất. LoCurto ng nói rằng sẽ không bao giờ tin vào H.P nữa: “Tôi cảm thấy như họ nói dối khách hàng vậy”.

Theo Phạm Duyên (ICTnews / New York Times)

Đọc thêm