Bối rối với điện thoại “nhái” giá "bèo"

Bối rối với điện thoại “nhái” giá "bèo" ảnh 1

Với vài triệu đồng, bạn có thể sắm Vertu, Mobiado, iPhone 4G... “chuẩn y như thật”

Trên trang quangcaosanpham.com, cửa hàng điện thoại di động MN ở đường Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp (TP.HCM) rao bán các mẫu cao cấp của Nokia như 8800 Gold, 8800 Arte, Nokia N72 giá chỉ 1,9-2 triệu đồng. Nếu là SV, học sinh còn được giảm giá 5%.

Điện thoại copy: “chuẩn y như thật”

Truy cập địa chỉ mobihot.vn, người dùng có thể mặc sức chọn những chiếc điện thoại cao cấp, đời mới nhất của Vertu, Mobiado, Goldvish, Nokia, HTC, iPhone với giá 400.000-9 triệu đồng. Từ kiểu dáng cho đến phần mềm của những điện thoại này đều “chuẩn y như thật”. Trong khi đó để sở hữu một chiếc điện thoại Vertu thật loại rẻ nhất, người dùng phải rủng rỉnh trong túi từ 4.500 USD trở lên.

Tại các trang rao vặt khác như rongbay, enbac, vatgia, 5giay..., có thể dễ dàng kiếm chiếc điện thoại nhái được “đảm bảo chất lượng tốt nhất”. Người bán nào cũng không ngần ngại nhận hàng của mình là “fake loại 1”, “siêu fake” (fake = nhái) và đưa ra tiêu chí phân biệt với loại 2 như bộ nhớ trong đều sử dụng chip nhớ (ổ cứng) chứ không phải thẻ nhớ như máy loại 2, có thể bấm các mã số để kiểm tra thông tin máy, nhái y chang hàng chính hãng từ độ nặng bề ngoài, giao diện, phần mềm, tính năng, có thể mua pin xịn để dùng (đối với điện thoại Nokia). Chưa kể có màn hình cảm ứng đa điểm, tích hợp chức năng Wifi, có thể tải và cài đặt thêm các trò chơi, các phần mềm ứng dụng...

Từ loại 2 đến “siêu fake”

Một chuyên gia về điện thoại cho biết những thương hiệu cao cấp đều bị nhái te tua và được bán với giá bèo. Trước khi chiếc Nokia N8 ra mắt hai tháng, trên thị trường đã có Nokia N8 copy với kiểu dáng và phần mềm y chang. Những dòng thịnh hành của Nokia như N97, N900, E71, E72 cho đến mẫu hiếm là Nokia 6760 đều có hàng nhái từ loại 2 cho đến siêu nhái hay “copy 1:1”. Những mẫu cao cấp như Nokia 8900 hay các dòng 8800 với giá trên 20 triệu đồng cũng trở thành “dế” bình dân cho SV nghèo.

Các mẫu ăn khách của Blackberry như 8520, Curve 8900, Bold 9000, Storm 9500 đều có hàng nhái. “Thương” nhất là những chiếc HTC, không chỉ kiểu dáng mà đến con chip của hàng nhái cũng cùng loại hàng thật, hệ điều hành Window Mobile hay Android nên dân chuyên nghiệp lắm lúc cũng khó phân biệt. Những mẫu bị nhái của HTC là HTC HD2, HTC Hero, HTC Google Nexus One...

Với HTC loại 2, mẫu mã và hệ điều hành vẫn giống hệt hàng thật nhưng thường dùng chip của Trung Quốc, hàng siêu nhái dùng chip Marvell giống như HTC thật. Người mua có thể trực tiếp mua hàng ở các cửa hàng hay mua trên mạng, thậm chí có thể mua từ chợ eBay và các trang web Trung Quốc, thời gian chuyển hàng từ 5-7 tuần từ ngày đặt hàng, gói hàng thường được khai báo là “sản phẩm mẫu”.

“Nhái” có thị trường của “nhái”

H.M.Tùng, du học sinh chuyên ngành tự động hóa, cho biết đã mua một chiếc iPod thế hệ 4 hàng nhái trên eBay cách đây hai năm, cả về hình thức bên ngoài lẫn giao diện phần mềm nghe nhạc đều sao y bản chính. Chỉ một điểm để phân biệt là khi kết nối vào máy tính sẽ không kết nối được với phần mềm iTune của Apple và máy tính sẽ nhận thiết bị là USB. Tùng dự tính sau khi lãnh lương thực tập sẽ mua tiếp HTC nhái về vọc cho đã.

Một người bạn của Tùng háo hức mong đến tháng 8 để về VN nghỉ hè và mua iPhone 4 nhái xài bởi mua ở VN rất dễ. Lý do Tùng và bạn muốn xài điện thoại nhái hàng cao cấp là dân kỹ thuật thích nghịch máy móc nên muốn xài thử cho biết công nghệ nhái đến đâu và giá điện thoại nhái rất rẻ, lại đầy đủ các chức năng như Wifi, GPS, cảm ứng, hệ điều hành mới...

Khi những chiếc điện thoại nhái tràn ngập thị trường, vẻ hào nhoáng của nó đã khiến nhiều người choáng ngợp và lay động. Nhiều bạn trẻ lên các diễn đàn công nghệ đặt câu hỏi “có nên mua điện thoại fake?” và cách phân biệt điện thoại thật - giả. Đã có những trường hợp người dùng không am tường và ham rẻ bị lừa mua điện thoại iPhone nhái trên các trang web rao vặt nhưng đến nay chưa thấy cơ quan chức năng “để ý” đến các loại hàng này.

Theo Hồng Nhung (TT)

Đọc thêm