Bị bôi nhọ trên Facebook: Bó tay?

Không chỉ Bkis mà hiện tượng bôi nhọ đầy rẫy trên mạng nhưng ngay chính những chủ thể bị bôi nhọ vẫn làm ngơ.

BKAV bị gièm pha trên Facebook

Vào ngày 4/8, những thông tin bôi nhọ sản phẩm diệt virus BKAV của Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa (Bkis) liên tục xuất hiện trên mạng xã hội Facebook phiên bản tiếng Việt. Vị trí cập nhật tình trạng (status) với thông điệp mặc định: “Bạn đang nghĩ gì?” trên Facebook.vn bị thay thế bằng thông điệp “BKAV dở ẹc. Muốn ủng hộ antivirus VN, sao ko thử CMC Antivirus, tốt hơn nhiều! www.cmcinfosec.com”, có lúc thông điệp này được đổi thành “Hãy dùng CMC Antivirus tốt hơn BKAV nhiều”.

Những thông tin bôi nhọ này chỉ xuất hiện trên trang Facebook tiếng Việt (facebook.vn), không có trên trang tiếng Anh. Điều đáng nói là tất cả các thành viên tham gia mạng xã hội này có thể đọc hoặc gửi những nội dung này cho thành viên khác.

Đây không phải là lần đầu tiên những thông tin bôi nhọ BKAV xuất hiện trên Facebook. Trước đó, vào ngày 27/6/2009, những lời lẽ tục tĩu về phần mềm BKAV, Bkis và cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkis đã xuất hiện trên trang chủ của trang web Facebook tiếng Việt.

Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do quản lý lỏng lẻo của Facebook trong hoạt động chuyển ngữ giao diện sang tiếng Việt. Từ tháng 6/2008, Facebook bắt đầu thực hiện dự án dịch thuật cho cộng đồng, cho phép các thành viên dịch giao diện tiếng Anh sang các ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt. Với mỗi câu dịch sang tiếng Việt, Facebook sẽ quyết định sử dụng câu nào có lượng đánh giá cao nhất và đây chính là lý do thủ phạm đã thực hiện để đưa lên những nội dung bôi nhọ.

Khác với lần trước, việc kẻ xấu bôi nhọ BKAV đồng thời gièm pha phần mềm này khi so sánh với phần mềm diệt virus khác của Việt Nam là CMC Antivirus đã gây ra nghi ngờ có động cơ cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, ông Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc Công ty CMC Infosec, đơn vị phát triển phần mềm CMC Antivirus đã lên tiếng khẳng định không liên quan và cho rằng “CMC cũng bị vạ lây” trong chuyện này.

Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới hiện có trên 250 triệu thành viên, trong đó có 73,200 người dùng từ Việt Nam tính đến cuối tháng 7 vừa qua, đứng thứ 94 trong số các quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội này nhất. Đáng chú ý đây là mạng xã hội đang thu hút ngày càng nhiều thành viên từ Việt Nam sau khi dịch vụ blog Yahoo 360 đóng cửa. Trước đó, vào tháng 4/2009, Facebook mới chỉ có 60.000 thành viên từ Việt Nam.

Theo thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam, trang web Facebook.vn được VNNIC cấp phép cho đơn vị chủ là công ty Facebook Inc vào ngày 12/10/2006.

Bkis: sẽ liên lạc với Facebook nếu sự việc còn tiếp diễn

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên báo Bưu điện Việt Nam, ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng đây là vấn đề xã hội, tương tự như những hành vi nói xấu, bôi nhọ Bkis, BKAV và cá nhân ông cũng xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn trực tuyến ở Việt Nam, đặc biệt là các diễn đàn về CNTT.

Doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm, không có thời gian đâu mà xử lý những hành vi thiếu văn hoá, nói xấu mình trên mạng”, ông Quảng nói. Tuy nhiên, ông Quảng cho biết sẽ liên hệ với Facebook và các cơ quan chức năng nếu tình trạng bôi nhọ này vẫn còn tiếp diễn.

Về vụ việc này, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và Thanh tra Bộ TT&TT. Trao đổi qua điện thoại, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nói chưa nhận được ý kiến từ doanh nghiệp, cụ thể là từ Bkis. “Nếu Bkis có ý kiến, chúng tôi sẽ liên hệ với chủ sở hữu trang web để xem xét xử lý”, ông Hải nói.

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với Facebook nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi gì từ mạng xã hội này.

Khó xử lý bôi nhọ trên mạng

Theo Bộ Luật Hình sự sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong tháng 6/2009, tội đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định, xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Cũng theo Bộ Luật này, tội bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Bộ luật này phải chờ đến 1/1/2010 mới hiệu lực. Tuy nhiên, ngay cả khi có hiệu lực thì việc xử lý cũng không hề đơn giản. Một số luật sư cho rằng nhìn chung kiện ra toà hành vi bôi nhọ trên mạng là khó, phải có bằng chứng thiệt hại về uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc chứng minh có động cơ cạnh tranh không lành mạnh.

Một vấn đề nữa là việc tìm kiếm thủ phạm. Hiện nay các mạng xã hội cho phép người dùng Internet tự do, thoải mái bày tỏ ý kiến. Nhà cung cấp dịch vụ kể cả có cam kết quản lý nội dung thông tin trên trang web mạng xã hội thì cũng không thể kiểm soát được. Một khó khăn nữa là Facebook là nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Thêm nữa, Việt Nam đã từng có tiền lệ là vụ kiện giữa ca sĩ Phương Thanh và blogger có tên Cô gái Đồ Long. Trong vụ việc này, ca sĩ Phương Thanh kiện Cô gái Đồ Long bôi nhọ cô trên blog nhưng cuối cùng toà xử ca sĩ này thua kiện vì không đủ bằng chứng.

Không chỉ có khó khăn về vấn đề pháp lý, ngay chính những đối tượng bị bôi nhọ cũng ngại đấu tranh với những hành vi thiếu văn hoá này. Trên thực tế, Bkis và nhiều thương hiệu khác như Viettel, FPT thường xuyên bị bêu xấu trên mạng, trên các diễn đàn nhưng các doanh nghiệp này vẫn làm ngơ trước những hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín của chính họ.

Khi mà hành lang pháp lý chưa thay đổi thích ứng với môi trường mạng, những hành vi bôi nhọ trên mạng, không riêng gì trên Facebook sẽ vẫn tiếp diễn nếu chính những người bị hại không lên tiếng bảo vệ chính mình.

Theo ICTNews

Đọc thêm