Bao giờ Việt Nam sẽ hết địa chỉ IPv4?

Bao giờ Việt Nam sẽ hết địa chỉ IPv4? ảnh 1

Các ISP Việt Nam có đủ lượng địa chỉ IPv4 cho quá trình chuyển đổi lên IPv6.

Châu Á sẽ hết IPv4 sau 2 tuần nữa

Ông Trần Minh Tân, Phó giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, tính đến hết ngày 1/4/2011, số lượng địa chỉ IPv4 còn lại để cấp phát theo chính sách hiện tại của Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) là 1,05 khối /8. Trong 10 ngày cuối tháng 3/2011, trung bình mỗi ngày khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiêu thụ hết 10% của khối /8.

"Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, trong vòng 2 tuần tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ hết hoàn toàn địa chỉ IPv4", ông Tân dự tính và cho biết các tổ chức thành viên trong khu vực như VNNIC đang gia tăng tốc độ chạy đua nhằm giành giật lấy phần địa chỉ IPv4 ít ỏi hiện có.

Chính vì thế, ông Tân cho rằng doanh nghiệp nào đang có nhu cầu muốn xin cấp phép địa chỉ IPv4 thì nên khẩn trương xác định, xây dựng nhu cầu xin của mình và làm hồ sơ xin vì chỉ sau 2 tuần nữa sẽ không còn địa chỉ IP4 để cấp. Cũng theo ông Tân, sau khi hết địa chỉ IPv4 để cấp phát theo nhu cầu, APNIC sẽ chỉ còn một khối địa chỉ /8 cuối cùng dùng cho mục đích hỗ trợ, duy trì và cung cấp công cụ giúp các thành viên trong quá trình chuyển đổi sang IPv6. Chính vì thế, vùng địa chỉ này thay vì cấp theo nhu cầu như thông thường thì sẽ cấp đồng loạt cho các thành viên tối đa “/22” (khoảng 1024 địa chỉ) và chỉ trong một lần duy nhất.

Đủ lượng địa chỉ IPv4 cho quá trình chuyển đổi

Khi APNIC hết địa chỉ IPv4 để cung cấp, các tổ chức thành viên như VNNIC cũng sẽ không còn. Tuy nhiên, khi nào hết sạch địa chỉ IPv4 còn tuỳ thuộc vào mức độ sử dụng thực tế của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Gần đây, các ISP của Việt Nam đã nhanh chân đăng ký một lượng đáng kể địa chỉ IPv4. Vào tháng 9 năm ngoái, VNNIC đã cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/10” (tương đương hơn 4 triệu địa chỉ) cho VNPT. Trong hai tháng vừa qua, Viettel được cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/11” (khoảng 2 triệu địa chỉ), còn FPT được cấp vùng địa chỉ “IPv4 “/13” (tương đương 512 nghìn địa chỉ).

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Công ty VDC (VNPT) cho biết, do lượng địa chỉ IPv4 của Tập đoàn được phân chia sử dụng cho nhiều đơn vị khác trong VNPT nên chưa thể cung cấp số liệu chính xác ngay. Mặc dù vậy, nếu theo kiểu cần thì mang ra cấp phát như trước kia thì chả mấy chốc sẽ hết sạch lượng địa chỉ IPv4 còn lại. Do đó, VDC đang tiến hành quy hoạch và sắp xếp lại các vùng địa chỉ và sẽ chỉ cung cấp khi thực sự cần thiết. “Do việc này đang làm nên chưa thể trả lời được sau bao lâu nữa VDC/VNPT sẽ hết nhãn IPv4”, ông Hưng cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom, với 512 nghìn địa chỉ IPv4 mới xin thêm cùng với lượng địa chỉ cũ, FPT Telecom đủ để sử dụng trong ít nhất 2,3 năm tới.

Đại diện của Viettel cho biết, nhà mạng này cũng đang tính toán cân nhắc việc sử dụng hợp lý lượng địa chỉ IPv4 vừa được cấp phép. Lượng địa chỉ IPv4 này được sử dụng chính cho việc phát triển thuê bao và tăng chất lượng dịch vụ mạng 3G. “Nếu trong năm 2011, lượng thuê bao 3G phát triển mạnh cùng với việc chuyển đổi sang IPv6 thuận lợi thì chỉ hết năm nay Viettel sẽ sử dụng hết lượng địa chỉ IPv4”, đại diện Viettel cho biết.

Nhằm đối phó với nguy cơ cạn kiệt địa chỉ IPv4 đã cận kề, Bộ TT&TT cũng vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Theo kế hoạch này, kể từ năm nay, các ISP và các doanh nghiệp có hạ tầng CNTT lớn phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, kỹ thuật để triển khai IPv6.

Về vấn đề này, ông Khoa cho rằng, FPT Telecom đang thử nghiệm IPv6 trong nội bộ đơn vị này và FPT Telecom đã sẵn sàng để triển khai IPv6. Bản thân các thiết bị FPT Telecom đầu tư từ năm 2007 trở lại đây đều đã hỗ trợ IPv6. “Cái khó nhất để triển khai IPv6 không phải nằm ở các nhà mạng mà là ở các thiết bị đầu cuối của khách hàng như thiết bị cũ quá và cần phải có bộ chuyển đổi mới có thể sử dụng IPv6”, ông Khoa khẳng định.

Đại diện Viettel cũng cho rằng, hệ thống mạng của Viettel đã hỗ trợ IPv6. Ngoài ra, Viettel đã tiến hành thử nghiệm xong IPv6 và sẵn sàng cung cấp. Với VDC/VNPT, ông Hưng cho biết, các hệ thống thiết bị đều đã tương đối sẵn sàng và được chuẩn bị từ rất lâu.

Với các loại hình dịch vụ trên nền IPv6 triển khai cho khách hàng, ông Khoa cho biết, vấn đề này FPT Telecom chưa có kế hoạch cụ thể vì còn phụ thuộc vào thiết bị đầu cuối của khách hàng. Còn ông Hưng cho rằng, chỉ cần người sử dụng, đối tác có yêu cầu, VDC/VNPT sẵn sàng đáp ứng.

Như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chờ đợi khách hàng có yêu cầu hay lo ngại về vấn đề thiết bị không tương thích thay vì trình diễn, giới thiệu các dịch vụ trên nền IPv6 có gì hấp dẫn, an toàn và khác biệt so với IPv4 để kích cầu việc sử dụng nâng cấp, chuyển đổi thiết bị đầu cuối.

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm